Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Người Việt vô cảm hay thành tâm

Những ngày đầu năm người Việt đổ xô tới các chùa để tỏ thiện tâm thì ngay trên đường vẫn ngoảnh mặt làm ngơ khi thấy đồng loại gặp nạn. Trong khi nhiều khách nước ngoài sốt sắng cứu người.

Ông Tây cứu người
Tối ngày 13/2, một vụ tại nạn giao thông ngay trước quán cà phê Thời Trang- số 87 đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tại hiện trường, bên cạnh chiếc xe máy bị đổ, một người đàn ông nằm bất động, máu chảy lênh láng trên đầu. Phía trước đó là chiếc xe taxi của hãng Sasco bị thủng một nửa phần đuôi, toàn bộ kính sau xe vỡ nát vụn.
Chuyện khách Tây cứu người và sự vô cảm của người Việt 2Ngay trong lúc đó, có một ông Tây ngưới to lớn rẽ đám đông chạy ra đường đỡ người đàn ông bị nạn dậy. Thấy nạn nhân nằm bất tỉnh, ông Tây một tay vòng qua đầu, một tay dùng khăn bịt chặt vết thương. Cứ vài phút ông lại ghé xuống nghe nhịp thở của nạn nhân. Thấy vậy, nhiều du khách nước ngoài khác cũng chạy ra, người mang thêm khăn lau cho nạn nhân, người tham gia điều tiết giao thông tránh ùn tắc. Phải đến gần 10 phút sau khi tai nạn xảy ra mới có một chiếc xe taxi dừng lại nhận chở nạn nhân đi cấp cứu. Vẫn là ông Tây, một mình bế nạn nhân lên xe, một mình theo nạn nhân đến Bệnh viện Đa khoa Phú Quốc cấp cứu.
Trước đó từng có vụ tại nạn xảy ra tại đường Phan Đình Phùng, phường 2, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) vào tháng 11/2012. Hai xe gắn máy lao vào nhau khiến một phụ nữ ngoài 25 tuổi nằm bất tỉnh giữa đường. Rất nhiều người Việt đứng nhìn, bàn tán xôn xao nhưng người ra tay giúp đỡ nạn nhân là hai người khách nước ngoài, một nam, một nữ. Họ đã không ngại sơ cứu nạn nhân ngay tại hiện trường và cùng người đi đường gọi taxi đưa người không may vào bệnh viện.
Tuy nhiên, ngay sau đó xe cứu thương của bệnh viện tới và nạn nhân được chuyển sang chiếc xe này. Theo những người kể lại, hai người khách nước ngoài này đã lo lắng và chăm sóc người bị nạn như chính những người thân của mình.
Người Việt đứng nhìn đồng loại bị nạn
Chuyện khách Tây cứu người và sự vô cảm của người Việt 4
Trái ngược hoàn toàn với động tác khẩn trương, rẽ đám đông lao vào sơ cứu cho người bị nạn thì người Việt phần lớn chỉ hiếu kỳ đứng nhìn, bỏ mặc nạn nhân nằm trong vũng máu.
Vụ tai nạn tối 12/2 (mùng 3 Tết), trên Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, Châu Thành - Tiền Giang) làm 2 người bị thương nặng. Theo người dân chứng kiến vụ tai nạn, vào thời điểm trên, một người đàn ông chạy xe máy BKS 63H4-7061 chở một phụ nữ và cháu bé khoảng 4-5 tuổi đến điểm mở của con lươn (đoạn qua ấp Cửu Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa) chuẩn bị qua đường thì bị một người đàn ông điều khiển xe máy chạy với tốc độ cao, tông trực diện vào. Vụ tai nạn làm cho 2 người cầm lái bị thương nặng, một người bị chảy máu tai. Xe máy bị vỡ tan phần đầu, phuộc xe gãy ngang. Cũng như bất kỳ một vụ tai nạn giao thông nào khác, người dân ở đây hiếu kỳ đứng xem rất đông hai bên đường, nhưng không ai kịp có một hành động nào cứu giúp. Do người bị nạn ra quá nhiều máu nên nhiều ô tô đang lưu thông trên đường cũng không dám dừng lại đưa nạn nhân đi cấp cứu. Phải mất thời gian khá lâu, nạn nhân mới được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung tâm huyện Châu Thành trong tình trạng nguy kịch. Trong một vụ tai nạn khác, những con người đứng thản nhiên nhìn đồng loại gặp nạn. Khi phóng viên có mặt và chặn xe để xin đưa nhờ người bị nạn đi cấp cứu thì không một xe nào chịu chở. Chỉ đến khi bắt được xe taxi thì người bị nạn mới được đưa đi cấp cứu.
Chuyện khách Tây cứu người và sự vô cảm của người Việt 5
Hẳn mọi người con nhớ hình ảnh đáng thương của cụ già nằm đói lả trên cầu Thanh Trì được chia sẻ trên cộng đồng mạng. Dù cho hàng nghìn lượt người qua lại mà chả có mấy người dừng lại giúp đỡ ông cụ. Sau khi được cộng đồng mạng chia sẻ, người nhà đã tìm được ông nhưng cụ vẫn không thể qua khỏi.
Người Việt đang vô cảm?
Chuyện Việt Nam đứng thứ 13 trong danh sách những nước vô cảm nhất thế giới có lẽ ai cũng biết. Rất nhiều bức xúc, phát ngôn… được đưa ra để luận tội những hành động vô cảm. Tuy nhiên, xã hội hình như đang “đưa đẩy” con người đến với cách suy nghĩ và hành động theo kiểu: Đành phải vô cảm để tự bảo vệ mình!
Trước hết, phải khẳng định một điều: Người Việt nói chung không vô cảm. Hãy thử nhìn lại, hàng năm, cứ đến mùa mưa bão, khi một khu vực nào đó của Tổ Quốc bị lũ lụt, thiên tai, đã có hàng ngàn, hàng vạn người sẵn sàng đóng góp từ số tiền lương ít ỏi của mình để chia sẻ. Hay cứ đến mùa đông, những đội tình nguyện lại được lập ra để gom áo len, chăn ấm cho người vô gia cư... sẽ thấy rằng người Việt không hề vô cảm.
Chuyện khách Tây cứu người và sự vô cảm của người Việt 7
Nhưng dù nói thế nào, thì trên thực tế, trong nhiều tình huống, người Việt cũng lại đang có thái độ ứng xử một cách vô cảm. Vì sao vậy?
Chị Vân Hằng chia sẻ trên một diễn đàn rằng chị sẵn sàng trích tiền lương, quyên góp áo ấm cho những người nghèo nhưng gặp người bị nạn cũng chỉ dám... đứng nhìn. "Thứ ba tuần trước mình cũng thấy một anh Tây giúp người tai nạn trên đường Giải Phóng, nhưng nếu mình gặp thì không dám. Vì mình không có kiến thức về kỹ thuật cấp cứu, sơ cứu, không cẩn thận lại làm hại họ", chị nói.
Những hành động "hiệp nghĩa" cũng thường không được ủng hộ. Chị Minh Trang thì kể rằng khi nhìn thấy 2 tên cướp đang lượn lờ định cướp túi xách của một cô gái, chị đã ngay lập tức tìm cách đánh động cho cô gái kia. Kết cục là 2 tên cướp đành phóng xe bỏ đi. Điều đáng nói là, ngay lập tức, mấy người bán hàng cạnh đó bảo chị: "Ngu thế. Nó cướp thì kệ nó. Mày làm chị lo thót cả tim. Lần sau đừng làm thế nhé, có ngày nó đánh chết!"
Lý do "sợ bị vạ lây" cũng khiến mọi người e ngại. Anh Dũng từng đi trên đường thấy một em học sinh đi xe đạp bị xe máy va quyệt đâm rồi chạy mất. Anh vội vàng đưa em bé vào bệnh viện cấp cứu và tìm cách liên lạc với người thân của em. Tiếc thay, khi người nhà của em đến thì một mực "vu" cho anh chính là thủ phạm đâm em học sinh, túm cổ áo đòi tiền đòi đánh. Anh phải nhờ đến cả công an và người dân xung quanh mới "giải oan" được. Thuật lại vụ việc, anh Dũng nói: "Lần sau chắc không dám giúp ai nữa, giữ nguyên hiện trường gọi cấp cứu thôi".
Dù những lý lẽ biện minh cho hành động vô cảm của nhiều người có thể vẫn chỉ là… ngụy biện, nhưng cũng thật khó để trách ai đó, nếu họ vì sự an toàn của bản thân mà đành phải quay đi.
Ngoài ra, người nước ngoài được học những khóa sơ cứu cấp cứu như một điều bắt buộc nên họ rất tỉnh táo trong việc sơ cứu những người bị tai nạn. Duy Sơn (Nguyễn Du, Hà Nội) chia sẻ một trải nghiệm của mình: "Một lần đi trên đường Láng gặp một ca tự lao vào vỉa hè ngã bất tỉnh. Mình và con gái dừng xe và lột áo mưa của người bị nạn rồi gối lên đầu, liên lạc với người thân, hô hào mọi người chặn xe để đưa đi cấp cứu...
Lúc ấy một cậu Tây cũng vô tình đi qua và ra dấu chờ một lát, lúc sau cậu ấy quay lại với túi cấp cứu (chắc mua ngay ở hiệu thuốc cạnh đấy) và đeo găng tay vào thăm khám sơ cứu. May sao thân nhân người bị nạn đến cũng nhanh. Mình bàn giao hết tiền nong giấy tờ và điện thoại, lúc ấy người bị nạn cũng tỉnh. Mình bảo họ nên ra cảm ơn bạn Tây trẻ vì họ cấp cứu rất có trách nhiệm và bài bản".
Theo TTVN - tintuconline.com
Rải tiền lẻ khi lễ chùa: Tưởng thành tâm hóa sinh tà nghiệp
Năm nay do Ngân hàng không in tiền mệnh giá nhỏ nên việc khan hiếm tiền lẻ đi lễ chùa, đặc biệt là tiền mới có màu hồng, đỏ như tờ 200 đồng hoặc 500 đồng  được xem là “tài lộc và may mắn” trở nên nóng hơn bao giờ hết.  Nắm bắt được cơ hội này, loại tiền lẻ, giá trị nhỏ, có màu đỏ đang được dân chợ đen hét giá đổi lên đến 50% (đổi 100 nghìn đồng chỉ được 50 nghìn đồng), còn các loại mệnh giá khác thì dao động trong khoảng 20 – 30%.
Các đầu nậu thường găm tiền từ rất sớm và tập trung khá đông tại các khu vực cửa chùa, đình, đền… để tiếp cận người đổi. Thế nhưng theo những người dân xung quanh thì chính những đối tượng đổi tiền này lại có “tay trong” thu gom tiền lẻ mà người dân rải đầy gốc cây, hốc đá, bể nước trong  chùa để tiếp tục quay vòng đổi chác. Vô hình trung chính thói quen lễ tiền lẻ vô tội vạ nơi chùa chiền của người dân lại là cơ hội để những kẻ trục lợi thừa cơ ép giá và nhặt tiền quay vòng.
Rằm tháng Chạp, ghé qua những đình, chùa lớn như chùa Quán Sứ, chùa Võng Thị, đình Phúc Khánh, phủ Tây Hồ hay Văn Miếu Quốc Tử Giám... hình ảnh đầu tiên và quen thuộc đập vào mắt tôi là những hòm công đức nằm im lìm bên cạnh những đồng tiền lẻ rải tứ tung, từ mâm lễ trên chính điện đến ban thờ thần linh thổ địa, thậm chí phủ đầy cả đinh hương, gốc cây, bồn hoa hay bể nước... Nhiều nơi, Ban quản lý chăng dây hay đặt tủ kính để bảo vệ thì người đi lễ cũng cố nhét qua khe hay thẳng tay ném tiền vào chốn linh thiêng. Những đồng 200 - 2000 đồng nổi lập lờ trong bể hay cháy nham nhở nơi chân hương một cách lãng phí và phản cảm lại được người dân tâm niệm là "lòng thành" để ơn trên chứng giám.
Đại diện cho tổ trực lễ chùa Quán Sứ - bà Minh Tâm chia sẻ:  "Vất vả và mất nhiều công sức nhất chính là việc phải thường xuyên đi thu gom tiền lẻ nếu không sẽ tạo điều kiện cho kẻ gian, lại mất mỹ quan, gây ô nhiễm và lãng phí. Nếu có lòng thành thì chỉ nên để vào hòm công đức một tờ tiền chẵn là đủ". Ban quản lý tại nhiều chùa cũng khá bức xúc khi thường xuyên phải bố trí thêm lực lượng bảo vệ phòng trộm cắp và cử người đu cây, lội giếng để gom tiền về. Những đồng tiền ấy có khi cháy nham nhở bởi tàn hương, mủn nát ra vì ngấm nước... nhưng cũng không thể lãng phí nên sau khi "trục vớt" lại tiếp tục công tác phơi phóng, chắp dán lại tiền.
Không riêng gì chùa Bái Đính, mà ở nhiều đền, chùa khác, từ nhỏ đến lớn, tuy đã có rất nhiều hòm công đức đặt xung quanh, nhưng người đi lễ vẫn vô tư đặt tiền giọt dầu vào tay, chân Phật, cài cả vào mặt, vào tai tượng, rồi cài cả lên lọ hoa trên ban thờ, giắt tiền lẻ vào bất cứ chỗ nào có thể giắt được... tạo nên những hình ảnh vô cùng phản cảm.
Một hành vi khác cũng phản cảm không kém, đó là tình trạng ném tiền một cách bừa bãi trong những lễ rước kiệu, ném tiền xuống giếng, xuống suối... Một trong những điển hình của hành động thiếu ý thức này là trong lễ rước kiệu các vua Trần trong lễ Khai ấn đền Trần, Nam Định. Khi đoàn rước kiệu đi đến đâu, mọi người lại tranh nhau ném tiền vào trong kiệu, và để tiền ném được xa hơn, trúng hơn, ai cũng cố gắng gập đồng tiền thật nhỏ để ném cho dễ.
Ném một lần không trúng, thì tiếp tục ném lần hai, lần ba, thậm chí có người ném tới gần... 20 lần, cho đến khi trúng mới thôi. Hoặc như ở Giếng Ngọc (đền Hùng, Phú Thọ), dù Ban quản lý khu di tích đã khoanh hàng rào ngăn cách, lại dán biển thông báo yêu cầu du khách không ném tiền xuống giếng, nhưng những đồng tiền lẻ vẫn không ngừng được ném vào trong, tiền rơi vương vãi ra xung quanh bờ giếng như... rác.
Tình trạng này cũng diễn ra ở các di tích có suối, có giếng gắn với truyền thuyết về tâm linh như suối Giải Oan ở chùa Hương (Hà Nội), khách thập phương cũng không ngần ngại ném tiền xuống suối. Thậm chí, dù bây giờ khách lên động Hương Tích bằng cáp treo, không đi qua suối Giải Oan, nhưng đến bến nghỉ cáp treo phía trên suối, mọi người vẫn thi nhau mở cửa ném tiền xuống sân ga. Tiền rơi dưới chân cáp treo, bay lả tả xuống núi như lá rụng. Hay như việc khách hành hương khi đến chùa Bái Đính đều cố gắng ném tiền vào một cái chuông...
Tình trạng này đang ngày càng phổ biến, thậm chí có nơi được coi là vấn nạn, gây nên những hình ảnh vô cùng phản cảm, làm giảm tính tôn nghiêm nơi đền, chùa, phá hoại không gian di tích, khiến cho các lễ hội gắn với đền, chùa bị méo mó, biến dạng.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên nhân của tình trạng rải tiền bừa bãi này có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là do sự thiếu hiểu biết, thiếu ý thức của những người đi lễ. Với nếp nghĩ dùng tiền để mua lấy may mắn, công đức, nên không ngần ngại ép Phật, ép thánh thần nhận những đồng tiền lẻ của mình, để rồi cầu khấn xin tài lộc, may mắn... mà không nghĩ rằng, với việc ném tiền, hay nhét tiền bừa bãi như vậy là vô cùng thiếu văn hóa, không khác gì hành vi ném tiền vào mặt thần linh để mặc cả với thánh thần...

Mang tiền ra chùa rải để cầu may

Hiện nay, một bộ phận người dân Việt Nam đang tồn tại suy nghĩ, đi lễ chùa, càng rải tiền lẻ ở nhiều nơi thì cả năm gia đình họ sẽ gặp may mắn và có nhiều tài lộc. Chính vì thế, sau mỗi đợt Tết Nguyên đán, các đình, chùa than phiền vì tình trạng người dân "hối lộ" thần thánh một cách vô tổ chức, khiến cảnh quan chùa bị ảnh hưởng. 
Trần tục hóa đời sống tâm linh
Thưa GS, hiện nay không ít người dân cho rằng, nếu càng rải nhiều tiền ở chùa chiền thì sẽ gặp được may mắn, tài lộc. Quan điểm của GS như thế nào về vấn đề này?
Việc người dân đi chùa đầu năm cầu may là một truyền thống, nét văn hóa từ xa xưa. Đi lễ, họ cầu nguyện một năm mới may mắn, sức khỏe dồi dào và làm ăn phát đạt. Đó cũng là việc nên làm. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhiều người dân đang có một suy nghĩ khiến chúng tôi, những người nghiên cứu về văn hoá hết sức buồn lòng. Họ quan niệm rằng, càng rải nhiều tiền ở đình chùa thì công việc sẽ hanh thông, gia đình mạnh khỏe và may mắn.
Theo tôi, nếu đã có tâm làm công đức thì nên để vào một chỗ và thể hiện lòng thành là được, chứ không nhất thiết phải "vung tiền" ở bất cứ nơi đâu. Như vậy, nét tâm linh ở mỗi con người cũng mất đi phần nào giá trị mà nhà chùa, ban tổ chức lễ hội cũng khó khăn trong việc đi thu "lộc".
GS có thể lý giải nguyên nhân của tình trạng này?
Lâu nay, tôi cũng rất quan tâm đến tín ngưỡng thờ tự, lễ lạt của người dân Việt Nam. Theo những gì quan sát và nghiên cứu được, tôi cho rằng, hiện nay, đời sống tâm linh của một bộ phận người dân đang bị ảnh hưởng bởi đời sống trần tục. Họ quan niệm, chỗ nào cũng phải "chia phần", kể cả thần thánh. Người ta đặt tiền ở bất cứ ban thờ nào để các thần "có phần" bằng nhau. Rõ ràng, cái suy nghĩ đó chỉ có ở đời sống trần tục. Tuy nhiên, điều khó khăn ở đây là nét tâm lý trên không dễ dàng bị xóa bỏ. Vì nó đã ăn sâu vào tiềm thức của không ít con người. Tôi cũng đã từng đi lễ chùa ở nhiều nơi và thấy tất cả ban quản lý lễ chùa đều ghi rõ "bỏ tiền vào hòm công đức". Tôi và gia đình cũng thành tâm tiền cho nhà chùa nhưng chỉ để ở một chỗ.
Đất sống của những kẻ "ăn bám thánh thần"
Theo GS, những hệ lụy nào sẽ phát sinh từ cái tâm lý cứ rải tiền là gặp may  của nhiều người dân?
Trong vấn đề này, ai cũng thấy những điểm bất cập sẽ phát sinh. Đầu tiên là dịch vụ đổi tiền lẻ. Hiện nay, đi bất cứ chùa chiền, lễ hội nào cũng có đội ngũ đổi tiền lẻ chèo kéo khách thập phương. Đây được coi là thành phần "ăn bám" thần thánh. Cách làm ăn của họ hết sức đơn giản như kiểu bóc lột khách. Những người này sẽ đi đến ngân hàng đổi tiền lẻ rồi đổi lại cho người dân với phí cắt cổ. Tôi đã từng chứng kiến, có người đổi 100 nghìn đồng tiền chẵn chỉ được 50 tờ 1 nghìn đồng. Điều lạ là rất nhiều người dân vẫn vui vẻ chấp nhận.
Vấn đề thứ hai là Nhà nước sẽ mất rất nhiều tiền của để in thêm tiền lẻ. Hiện nay, loại tiền 500 đồng, 200 đồng rất khó lưu thông. Bởi cốc trà đá, bó rau muống cũng đã vượt qua giá trị của hai mệnh giá tiền này. Chính vì vậy, dường như việc in tiền lẻ chỉ để phục vụ người đi lễ chùa. Điều này rất lãng phí.
Theo nghiên cứu của GS, ngày xưa, cái tâm lý này đã từng xuất hiện chưa?
Trước đây không hề có chuyện người dân mang tiền đi lễ chùa, lễ hội. Từ hồi tôi còn bé hay theo người lớn đi chùa nên biết được, người ta chỉ đem lễ lạt như hoa quả, bánh trái cúng thần linh. Ngay cả các nhà sư cũng có nói rằng, khi lên chùa, các tín chủ chỉ nên mang hoa quả lễ Phật và lòng thành tâm là được. Nhưng ngày nay, người ta sẵn sàng mang xôi thịt, ô tô giấy, vàng bạc... để "lấy lòng" thần linh. Đây là thực trạng đáng buồn. Thực ra, họ đang tự lừa dối chính mình. Những người dân dẫu không tín cũng nghĩ rằng cứ rải một ít tiền là gặp nhiều may mắn. Thậm chí, còn có "cuộc đua" trong việc thành tâm tiền ở các đình chùa. Hay có người lại nghĩ rằng, nếu không rải đủ tiền lẻ ở các ban thờ thì thánh sẽ không ban lộc cho mình.
Theo quan điểm của GS có nên cấm việc rải tiền ở các đình chùa?
Mặc dù nét tâm linh trên còn tồn tại một số vấn đề nhưng nó cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến an ninh trật tự. Chính vì thế, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền để người dân hiểu được và thực hiện theo. Hơn nữa, việc cấm đoán cũng rất khó khăn và chắc chắn sẽ không đạt được hiệu quả. Thậm chí, càng cấm người ta càng làm nhiều hơn.
Xin cám ơn ông!
Chân Khê (thực hiện) - nguoiduatin.vn

Những lạm dụng ăn theo lễ hội

Lộn xộn lễ hội đầu Xuân: lỗi do ai? 
Những lộn xộn, phản cảm tại các lễ hội là do cả ý thức của du khách lẫn sự quản lý chưa hiệu quả của những người có trách nhiệm.
Cần xây dựng “văn hóa đi lễ chùa”
Chen chúc, ngột ngạt, nhiều hình ảnh phản cảm… là tình trạng vẫn tiếp diễn tại nhiều lễ hội đang diễn ra trong tháng giêng này, điển hình là lễ hội chùa Hương và chùa Bái Đính đã được phản ánh nhiều trên các phương tiện truyền thông. Tại lễ hội chùa Hương vẫn có cảnh thú rừng bị xẻ thịt treo đầy các quán. Còn tại chùa Bái Đính du khách bắc thang vượt tường, chui qua cổng để rút ngắn đường đi. Còn cảnh tắc nghẽn giao thông, chen lấn nhau là tình trạng chung của các lễ hội những ngày cao điểm.
Ý thức cũng như nhận thức về tinh thần đạo Phật của du khách đi lễ chùa, trảy hội là một phần nguyên nhân gây ra những hình ảnh phản cảm như rải tiền lẻ khắp nơi, gài cả vào tay tượng Phật, ăn thịt được gắn mác thú rừng ngay trên đường đi lễ Phật, trèo tường hay chui qua cổng chùa. Họ làm những việc đó một cách hồn nhiên, với niềm tin rải tiền và cầu xin nhiều thì điều cầu xin dễ thành hiện thực, với tâm lý đi du ngoạn chốn núi rừng thì thưởng thức đặc sản của núi rừng (mặc dù thực ra rừng đặc dụng khu vực chùa Hương không còn các loại thú đó). 
Đường lên chùa Hương vẫn còn nhiều hàng quán treo thịt thú rừng (ảnh: Tuổi trẻ)
Những hành động này hẳn đã không xảy ra nếu người đi lễ chùa hiểu được rằng tiền “giọt dầu” (hay thường gọi là tiền công đức) là dùng để hương khói, tu tạo cảnh quan của chùa chứ không thể dùng tiền để xin xỏ thần Phật. Theo tinh thần Phật giáo thì Phật không phải đấng thần linh ban phúc, giáng họa cho con người. Ăn thịt thú rừng bị phơi bày và xẻ thịt ngay trên đường vào chùa cũng trái ngược hoàn toàn với tinh thần nhân đạo của Phật giáo.
Để giảm bớt tiến tới loại bỏ được những hành vi không đẹp mắt ấy, cần phải giúp du khách trước khi đi lễ chùa hiểu được cơ bản tinh thần của đạo Phật. Lâu nay chúng ta vẫn nhắc đến đủ thứ văn hóa cần chấn hưng (gần đây nhất là “văn hóa giao thông” chẳng hạn), có lẽ cũng cần xây dựng và tuyên truyền về “văn hóa đi lễ chùa” để nét đẹp truyền thống này không bị biến tướng như đã và đang xảy ra.

Kinh doanh lòng “công đức”
Ngày xuân đi du lịch lễ hội, mỗi nơi du khách thu nạp cho mình thêm kiến thức về lịch sử, tâm linh, nguồn cội của tín ngưỡng dân gian… Lẽ ra, ở những nơi ấy, mọi thứ trần tục phải được gạt bỏ chỉ để lại sự thanh thản, nhẹ nhàng, con người hòa vào thiên nhiên và truyền thuyết, lịch sử. Thế nhưng, dù có mang tâm thế ấy đi lễ, người ta vẫn không thể hài lòng trước những “hạt sạn” bày ra trước mắt. Đó là sự lạm dụng lòng thiện tâm của khách du xuân hoặc có thể nói là ý thức kinh doanh lòng công đức của chính Ban tổ chức, Ban quản lý các lễ hội, di tích.
Nhiều năm nay, cứ Tết đến là người dân đổ xô đi đổi tiền lẻ. Tiền lẻ mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng không phải để mua rau cho tiện mà tiền để đi chùa, đi đền, đi phủ. Tiền lẻ để “hòm công đức”, để “giọt dầu”, để “đèn nhang nhà đền”, thả xuống giếng ngọc, dúi vào tay Phật, nhét vào bất kể đâu ở chốn linh thiêng.
Nằm bên bờ sông Lô thơ mộng, Tuyên Quang là nơi nổi tiếng về thờ tự tâm linh với hệ thống đền thờ Mẫu. Hàng năm lễ hội đền Hạ rước Mẫu tổ chức từ ngày 12 đến 16 tháng 2 âm lịch. Thế nhưng, ngay từ tháng Giêng, du khách thập phương, đặc biệt là người Hà Nội đổ về lễ đền đã rất đông. Cùng tuyến du lịch lễ hội ở Tuyên Quang còn có đền Cấm, đền Cảnh Xanh (còn gọi là đền Cây Xanh). Khách du xuân trong sự thành tâm, cung kính. Và ai ai cũng mang theo xấp tiền lẻ đặt lễ.
Lễ chồng lễ - lãng phí lớn ở đền Bà Chúa Kho.
Đền Cấm tọa lạc trên ngọn núi Cấm ở xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang có địa thế đẹp, linh thiêng. Bước qua những bậc đá lên đền, là khoảng không gian khá rộng với hai bên đặt tượng ngựa, trâu… Khách vừa bước vào sân đền đã nhìn thấy rõ trên lưng trâu, dưới vó ngựa.. đặt chiếc đĩa nhựa đựng tiền lẻ. Trong khi đó, bên trong đền có đầy đủ hòm công đức, nơi ghi phiếu công đức như bất kỳ một di tích nào khác. Cầm xấp tiền lẻ, khách cứ nhìn thấy nơi nào đặt được tiền là để ngay vào đó. Những tờ bạc lẻ dúi ở mọi nơi.
Ở đền Cảnh Xanh, phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang có cây xanh trùm rễ xuống cả không gian rộng toàn bộ sân đền. Chỉ riêng dưới đám rễ cây đã có nhiều am thờ nhỏ. Mỗi am thờ đều có đĩa cho khách để tiền “giọt dầu”, mà không chỉ một đĩa. Ngặt nỗi, đĩa nhựa thì cáu cặn, bụi bặm, đặt la liệt. Khách lễ đền còn đặt tiền lẻ lên cả rễ cây xanh, nơi đám rễ buông chùng xuống mặt đất trông như cái võng. 

Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) còn tới hơn 1 tháng nữa mới đến lễ hội. Nhưng từ bây giờ, dòng người đã đổ về hành lễ rất đông, nhất là vào ngày cuối tuần. Chỉ cần quan sát một chút, người ta sẽ thấy ở đây đặt quá nhiều hòm công đức. Tại đền Hạ, đền Trung, đền Thượng… mỗi nơi đều đặt không dưới 4 hòm công đức. 4 hòm công đức đặt cách nhau chưa đầy vài mét. Mỗi sân đền đều xếp hai bàn có người ghi công đức. Đó là còn chưa kể đến những đĩa đặt “giọt dầu” trên các ban thờ. Mà không chỉ ở đền Hùng, ở rất nhiều di tích, Ban tổ chức lễ hội khác ngày càng xuất hiện nhiều hòm công đức, nhiều hơn nữa là những mâm đồng, đĩa đựng “giọt dầu” để khắp nơi.
Trộm cắp “lòng thành”
Tỉnh Bắc Ninh có hơn 500 lễ hội. Nhắc tới lễ hội ở tỉnh Bắc Ninh, người ta nói ngay đến hát quan họ hội Lim, hay đi lễ Bà Chúa Kho. Thế nên, điểm khảo sát của chúng tôi không thể bỏ qua hai nơi này.
Chúng tôi đến đền Bà Chúa Kho đúng vào ngày rằm tháng Giêng. Người chen người, đồ lễ chen đồ lễ, tro tiền vàng bay tơi tới khắp nơi, khách thập phương vội vã cầu cạnh, xin xỏ… là hình ảnh chủ đạo ở đây. 16h30, trời xầm xập tối, người cúng, người lễ càng trở nên vội vã hơn. Những phụ nữ khấn thuê mồm năm miệng mười, người thuê khấn cũng rì rầm chắp tay lia lịa: “Con có lễ mỏng lòng dày, xin bà cho con tiền xanh tiền đỏ, đi tươi về tốt…”. “Lễ mỏng” ở đây có thể lên tới vài triệu đồng, có cả xôi gà, cành vàng lá bạc. Hàng chục dàn sắt đặt lễ trong đền đều kín. Thậm chí người ta còn tranh nhau chỗ đặt lễ. Rồi đông quá, nhiều người bị mất lễ. Đúng lúc chúng tôi có mặt, một phụ nữ hớt hải chạy ra sân đền tìm người thân thông báo giọng tiếc nuối: “Mất lễ rồi. Mất cả tiền đặt lễ rồi”. Vậy là, ở chốn linh thiêng, đến cái lễ lòng thành cũng bị lấy cắp.
Trước Cung bà Chúa, có cả chục người khấn thuê bám sát cửa. Khách đứng ngoài lễ rồi thả tiền bay vèo vèo vào Cung. Dưới nền đất của Cung, tiền đủ các mệnh giá chất đống. Thế rồi, đột ngột một người cầm chìa khóa mở cửa Cung cho mấy vị khách vào bên trong hành lễ. Chị phụ nữ luôn miệng: “Con để lại toàn bộ lễ”. Họ vừa vào, cửa Cung khép lại. Nhiều người thắc mắc: “Muốn vào trong thì làm thế nào?”, “Phải chuẩn bị lễ trước, đăng ký với Ban Tổ chức. Thế lễ đâu? Lễ phải chuẩn bị trước chứ!” – một người ngồi gần đó trả lời. Hóa ra, dù đông khách đến mấy, khách đăng ký là được vào (ai cũng ngầm hiểu là phải có cái gì đó thì mới được vào trong Cung chứ không chỉ đăng ký theo hình thức đơn thuần).
Hội Lim năm 2013 hứa hẹn một mùa hội văn minh, mang đậm truyền thống. Ngay từ trước Tết âm lịch, các ban ngành của tỉnh Bắc Ninh đã có các quy định nhằm quản lý lễ hội, trong đó có một quy định cụ thể là anh Hai chị Hai quan họ không được ngả nón nhận tiền. Thế nhưng, thực tế thì sao? Chiếc thuyền rồng trôi nhẹ trên hồ đình Lim. Trên bờ, người xem hát đứng quây kín vòng hồ. Thuyền đến sát bờ, một liền chị mặc áo tứ thân đưa cơi trầu têm cánh phượng mời khách. Khách đứng trên bờ đã cầm sẵn tiền nhiều mệnh giá khác nhau, chờ cơi trầu đến nơi là thả tiền vào đó. Khi tiền đã phủ lên khá nhiều miếng trầu, liền chị hạ cơi trầu xuống, cùng liền anh vội vã gom tiền cất xuống bên dưới. Hình ảnh đó khiến người yêu văn hóa quan họ không khỏi thất vọng.
Lý giải hiện tượng trên, ông Nguyễn Đức Trọng, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho rằng, cơ quan chức năng không thể xử lý được bởi họ không ngả nón xin tiền mà chỉ là mời trầu. Lỗi là do người dân tự ý thả tiền xuống đó.
Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi không thể kể hết được những hạt sạn lẫn trong các lễ hội đầu năm. Không chỉ là hình ảnh phản cảm thả tiền cho quan họ, chen lấn cướp ấn, trộm lễ, tiêu cực để được làm lễ… mà còn rất nhiều những điều chướng tai gai mắt khác ở những nơi linh thiêng như: người ăn xin ngồi la liệt (lối lên đền Bà Chúa Kho), trông giữ xe quá giá, treo bán thịt động vật hoang dã (Chùa Hương), bắt chẹt khách mua lễ, mê tín dị đoan…
Trước thực tế trên, người dân có quyền đặt câu hỏi: Vậy thì chính quyền, ngành Văn hóa đã làm gì? Mục đích đặt ra của lễ hội là phát huy giá trị di sản, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Thế nhưng, thực tế số lượng lễ hội đang có quá nhiều, tổ chức lễ hội thì dài ngày, rình rang, tốn kém quá nhiều tiền của, công sức của toàn xã hội.
Theo Việt Hà - Cao Hồng - cand.com.vn

Người Việt thiếu văn hóa đi lễ?

Du khách trèo tường, chui cổng vào chùa Bái Đính; thi nhau sờ đầu rùa, ném tiền vào bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám; cờ bạc tụ tập ngay tại thuyền trên suối Yến - chùa Hương… Tất cả những hình ảnh phản cảm đó đã và đang diễn ra ở mùa lễ hội 2013 khiến dư luận không khỏi xót xa, bất bình. Phải chăng một bộ phận không nhỏ khách hành hương đang thiếu mất cái gọi là văn hóa đi lễ?
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, hiện cả nước có khoảng 8.000 lễ hội lớn nhỏ khác nhau - trong đó lễ hội dân gian chiếm hơn 88%; lễ hội tôn giáo chiếm hơn 8%; lễ hội lịch sử cách mạng chiếm 4,16%. Với một con số khổng lồ như vậy, việc quản lý lễ hội để làm sao vừa văn minh, tiết kiệm lại hiệu quả là điều không hề dễ dàng. Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp ban ngành, chính quyền địa phương thì một điều đặc biệt quan trọng đó là ý thức người tham gia lễ hội.
Vượt rào sờ đầu rùa tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: D.Hải.
Thế nhưng, mới đầu mùa lễ hội 2013, dư luận lại thêm một lần nữa bàng hoàng vì những ứng xử thiếu văn hóa của người dân ngay ở chốn… văn hóa. Đền Trần - Nam Định mặc dù chưa khai hội đã “chặt chém” du khách từ tiền gửi xe đến dịch vụ đổi tiền lẻ bát nháo trước cổng di tích. Lễ hội chùa Hương trước ngày khai hội “đập” ngay vào mắt du khách với những hình ảnh hết sức phản cảm như xẻ thịt “thú rừng”, cờ bạc ngay tại thuyền trên suối Yến, rải tiền lẻ vô tội vạ khắp nơi, ép tượng “nhận tiền”, đốt vàng mã ở khu di tích.
Về với chùa Bái Đính, Ninh Bình - một trong những ngôi chùa to đẹp bậc nhất mới được tôn tạo thời gian
gần đây nhưng ở nhiều hạng mục cũng đã bị “sứt đầu mẻ trán”, những bức tượng trở nên nhẵn thín vì bàn tay vô ý thức của con người. Vì ngại đi đường vòng, người ta sẵn sàng trèo tường, chui cổng, luồn lách vào chùa… mà không mảy may suy nghĩ chính họ đã làm tổn hại đến di tích, văn hóa quốc gia. Họ đang đi lễ hay đi… phá hoại?
Trèo tường, chui qua khe cổng vào chùa Bái Đính. Ảnh Dân Việt.
Quan niệm từ xa xưa, đi lễ hội, đến đền chùa những mong cầu an bình, may mắn cho năm mới. Thế nhưng, xung quanh việc lễ bái có không ít những chuyện dở khóc dở cười. Tại Đền Quán Thánh – một trong 4 ngôi đền thuộc Thăng Long tứ trấn của đất Hà thành, người ta bỗng trở nên bơ phờ, hốc hác khi vừa lễ xong, quay ra cũng là lúc túi xách bị rạch một vết dài, chiếc ví không cánh mà bay. Còn ở Tổ đình Phúc Khánh, mới từ ngày mùng 1 Tết đến nay, khách hành hương đã dán chi chít những dòng thông báo mất của, nào là ví tiến, túi xách đến điện thoại…
Đáng nói là không phải đến mùa lễ hội năm nay, người ta mới chứng kiến “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” như vậy! Đã qua nhiều lễ hội và nhiều kỳ lễ hội nhưng các hoạt động như chèo kéo khách, ép giá, hành khất, cờ bạc, móc túi, mê tín dị đoan… vẫn diễn ra như cơm bữa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự linh thiêng của di tích và nét đẹp ở nhiều lễ hội. Và có lẽ sẽ không ngoa khi nói rằng, ở đâu có lễ hội, ở đó có những vấn nạn nhức nhối này. Trong khi đó, chế tài xử phạt những hiện tượng phản cảm này chưa có hoặc chưa đủ sức răn đe.
Trước mùa lễ hội 2013, trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết, việc chuẩn bị cho mùa lễ hội năm nay đã được Bộ chuẩn bị từ 6 tháng trước. Bộ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản, cơ quan Thanh tra với mục đích để việc tổ chức lễ hội ngày càng tiến bộ hơn, dần hạn chế những mặt chưa được. Từ trước Tết, các Thứ trưởng cùng 7 đoàn công tác tác đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội tại các địa phương. Các đoàn sẽ kiểm tra việc kiện toàn các ban tổ chức lễ hội, quy chế tổ chức lễ hội, công tác tuyên truyền quảng bá về ý nghĩa của lễ hội, công tác bảo vệ di tích, chấn chỉnh các hàng quán, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, quản lý hòm công đức, tiền giọt dầu…
Cũng theo đánh giá của cơ quan quản lý, có 3 hiện tượng nhức nhối nhất trong việc tổ chức các lễ hội. Đó là trật tự vệ sinh môi trường ở nhiều lễ hội chưa tốt, trong khi đây là vấn đề cần hết sức chú ý ở các địa điểm tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo. Thứ hai, nhiều người chưa thật ý thức khi tham gia các hoạt động của lễ hội, trong ứng xử với các di tích. Hiện tượng thứ ba là tại nhiều nơi, hàng quán vẫn bày bán lộn xộn, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng tới sự tôn nghiêm của di tích. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng khẳng định, đây sẽ là những nội dung sẽ được tập trung giải quyết, tuyên truyền, giáo dục để thay đổi ý thức người dân…
Theo Dương Hải - suckhoedoisong.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét