Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Hai loài vật sắp bị tuyệt chủng ở VN và các nước láng giềng



Những cung đường tuồn chó lậu từ Thái Lan về Việt Nam
Rất nhiều con chó đã chết hoặc mang mầm mống của các dịch bệnh đang gây ra những tiềm ẩn hết sức lớn về các bệnh dịch có thể bùng phát.
Hiểm họa... chó dại lên bàn nhậu
Theo những thông tin PV có được từ một số đối tượng buôn lậu chó vào Việt Nam thì vào cuối tháng 4 vừa qua, cảnh sát Thái Lan đã bắt được một chiếc xe tải vận chuyển trái phép 120 con chó từ Thái Lan chuẩn bị đưa sang Việt Nam. Điều đáng nói là các đối tượng vận chuyển này đã bỏ trốn trong đêm, để lại chiếc xe và số chó nói trên. Nguồn tin này cũng cho biết rằng, chiếc xe bán tải chở 120 con chó bị bắt giữ tại bến tàu thuộc quận Tha Uthen lúc khoảng 1h đêm. Đây là lần đầu tiên, các đối tượng buôn lậu chó từ Thái Lan về Việt Nam vận chuyển chó bằng con đường này. Thông thường thì các đối tượng buôn lậu sử dụng các con đường khác, nhưng do có quá nhiều chốt chặn nên chúng mở đường mới.
Trong một diễn biến khác, tại tỉnh Sakhorn Nakhorn, một đoàn kiểm soát biên giới cũng đã khám xét một tòa nhà thuộc quận Kusumal và cứu thoát hơn 550 con chó đang bị nhốt trong các chiếc lồng. Theo thống kê, có tất cả 53 chiếc lồng, mỗi chiếc nhốt 10 con hoặc nhiều hơn.
Nhiều đối tượng từng tham gia buôn lậu chó từ Thái Lan vào Việt Nam cho biết, những năm gần đây, cảnh sát Thái Lan đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép chó không rõ nguồn gốc từ Thái Lan đi Lào để tuồn sang các nước: Việt Nam, Trung Quốc. Vào cuối năm 2011, một số người Việt tại Thái Lan đã bị cảnh sát nước này bắt giữ vì vận chuyển chó trái phép và đã bị tòa án Thái Lan phạt tù 8 tháng. Các đối tượng này buôn lậu chó từ Thái Lan về Việt Nam để cung cấp cho các quán nhậu.
Theo điều tra của giới chức Thái Lan về nạn buôn chó từ Thái Lan vào Việt Nam cho thấy, có khoảng 200.000 con chó được nhập lậu vào Việt Nam mỗi năm. Các đối tượng buôn lậu thu gom chó tại các tỉnh, thành phố của Thái Lan, sau đó vận chuyển qua Lào rồi tuồn lậu vào Việt Nam. Hoặc cũng có thể từ Thái Lan đưa thẳng sang biên giới, rồi đi qua các cửa sông (Cửu Long) để đưa số chó này vào Việt Nam tiêu thụ. Nguồn chó chủ yếu vẫn là ở các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
Chó được vận chuyển bằng đường bộ vào Việt Nam.
Tại Việt Nam, mỗi năm tiêu thụ lượng chó để thịt rất lớn. Đây chính là thị trường màu mở cho các tay buôn lậu. Cộng thêm giá cả chênh lệch cao nên các đối tượng này nhẫn tâm giết hại động vật không thương tiếc. Ông Nguyễn Tiến Hòa, một Việt kiều Thái Lan cho biết, mỗi con chó tại Thái Lan được các đầu nậu mua của các tên trộm chó với giá 10 USD nhưng sang đến Việt Nam chúng có giá lên tới 60 USD. Đó là khoản lợi nhuận khổng lồ nên các đối tượng buôn lậu đã bất chấp nguy hiểm để thực hiện. Bên cạnh đó, Thái Lan là một trong những quốc gia có số lượng chó hoang rất nhiều. Theo Arnaud Dubus, một chuyên viên thông tín tại Bangkok cho biết, ngay tại Bangkok cũng có khoảng 300.000 con chó hoang. Chúng ở nhiều nơi, từ công viên đến bãi rác. Vì đất nước này đa phần theo đạo Phật nên họ không cho phép giết chó theo kiểu ăn thịt và buôn bán vì mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên, do thả hoang nhiều nên vô tình chúng lại trở thành miếng mồi ngon cho bọn buôn lậu để rồi có một kết cục bi thảm.
Theo tìm hiểu của PV, những con chó được bán sang Việt Nam được người Thái gọi là chó Sói. Chúng được thuần hóa lại rất thông minh và thường nghe theo mệnh lệnh con người. Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì động vật cho rằng, những con chó không được tiêm phòng bệnh dại nên có thể truyền bệnh dại là một nguy cơ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt nó có thể mang những mầm mống của các dịch bệnh nguy hiểm vào Việt Nam. Đồng thời, nó cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng về cam kết của Thái Lan như một thành viên của ASEAN trong việc loại trừ dịch bệnh vào năm 2020. Ông Tuấn Bendixsen, Giám đốc Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam cho biết, hàng trăm thậm chí hàng ngàn con chó được nhồi nhét trên một chiếc xe tải trông rất kinh khủng. Khi chúng chưa được ngừa dại sẽ là một hiểm họa.
Những ông trùm chó lậu
Coi thịt chó là "thần dược" vì giúp cường dương?

Theo tìm hiểu của PV, ngoài Việt Nam thì Thái Lan cũng là nơi cung cấp chó cho thị trường Trung Quốc rộng lớn. Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc là ba nước tiêu thụ chó lớn nhất châu Á. Tại những nước này, giới ăn nhậu thường xem thịt chó như một phương thuốc bổ, thậm chí có thể giúp đàn ông cường dương.  
Sau thời gian dài điều tra, PV nắm bắt được để có chó cung cấp cho thị trường Việt Nam, các đối tượng tại Thái Lan đã thu mua lại của những tên trộm chó. Những con chó lang thang hoặc đi lạc đều được bắt trộm rồi bán lại cho các đầu nậu. Ông Nguyễn Tiến Hòa cho biết, các đối tượng trộm chó ở Thái Lan cũng có thủ đoạn trộm gần giống với ở Việt Nam. Chúng có thể dùng súng chích điện hoặc cho chó ăn thức ăn chứa bột lưu huỳnh làm chó nhanh chóng bị liệt hoặc xông thẳng vào bắt sống... Nói chung, bọn chúng có đủ cách để trộm chó. Ông P., một đối tượng buôn lậu chó người Việt hoạt động tại Thái Lan cho biết, các đường dây buôn lậu chó được tổ chức chặt chẽ, có quy mô, hoạt động đường dài. Theo đó, chó được đưa đi từ các ngôi làng ở Đông Bắc Thái Lan đến các nhà hàng quán nhậu ở Việt Nam.
Theo một nguồn tin xin được giấu tên cho biết, các tay buôn lậu chó thường cho người chạy những chiếc xe tải nhỏ đến các ngôi làng trong vùng ở Thái Lan để lùng bắt chó. Sau đó, chúng nhốt chó vào trong những chiếc lồng sắt chật hẹp đưa về điểm tập kết rồi dùng xe tải lớn vận chuyển các con chó này đến biên giới giữa Thái Lan với Lào. Từ đây, các đối tượng buôn lậu có thể chuyển chó sang hai hướng: Một là Việt Nam hai là Trung Quốc, tùy theo khách đặt hàng.
Cũng theo nguồn tin trên thì do quá trình vận chuyển dài ngày nên nhiều con bị chết do đói, ngạt hoặc cắn nhau. Chưa hết, khi sang đến Việt Nam, những con chó còn sống sẽ được bơm thức ăn để tăng trọng lượng, nhằm bán được với giá cao (theo kg). Chính vì thế, nhiều con lại chết ngạt vì phương thức này.
Trước vấn nạn trên, Thái Lan đã có quy định coi hành động giết chó ăn thịt hoặc bán cho các đối tượng buôn lậu là hành động phi pháp. Ông Nguyễn Tiến Hòa, một Việt kiều Thái Lan cho biết: "Trước vấn nạn này, nhiều tổ chức bảo vệ động vật, các tổ chức phi Chính phủ cũng như lực lượng cảnh sát tại Thái Lan đã nhiều lần tuyên truyền và truy quét nạn bắt trộm và buôn lậu chó. Tuy nhiên, việc truy quét và theo dõi các đối tượng này cũng hết sức khó khăn và nguy hiểm. Bởi, các đối tượng buôn lậu này hết sức liều lĩnh, manh động. Bởi nếu, một chuyến hàng đổ bể thì các đối tượng này có thể bị mất hàng trăm ngàn đô la. Do khoản lợi nhuận đó mà bọn chúng rất liều". Theo điều tra của giới chức nước Thái, những tay trùm buôn lậu đứng đằng sau các vụ mua bán trót lọt tiết lộ thì ngành công nghiệp này thu về khoản lợi nhuận 1 tỷ baht Thái (tương đương 30 triệu USD mỗi năm). Đồng thời, bọn chúng không hề phải trả bất cứ khoản thuế nào trong khoản lợi nhuận kếch xù nói trên. 
Không thể áp dụng Luật Hình sự để xử phạt
Luật sư Đặng Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật TP.HCM, Hội Luật gia Việt Nam cho biết: "Việc buôn bán chó là hành động trái pháp luật và bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, chó là vật nuôi thông thường, không phải động vật nằm trong danh mục động vật cấm nên khi phát hiện không thể áp dụng Luật Hình sự để xử lý. Trong trường hợp phát hiện thì các đối tượng này sẽ bị xử lý theo các khung hình phạt cho tội buôn lậu động vật thông thường. Tùy theo mức độ sẽ có mức hình phạt phù hợp: Xử phạt hành chính, phạt tù... Còn động vật, nếu còn sống thì sẽ được trả về nơi xuất xứ. Nếu xét thấy chúng có mang mầm bệnh thì sẽ phải tổ chức tiêu hủy ngay".

Theo Trung Nghĩa - Chí Thành - nguoiduatin.vn
Đại gia Việt bị báo ngoại chỉ trích vì xài sừng tê giác

Nhu cầu tăng cao về sừng tê giác tại Việt Nam đang là nguyên nhân gián tiếp khiến loài động vật quý hiếm này có nguy cơ tuyệt chủng.


Thú ăn chơi “độc ác” của đại gia Việt


Một tờ báo nước ngoài từng lên tiếng chỉ trích các đại gia Việt chi hàng tỉ đồng cho một chiếc sừng tê giác, là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt vụ cướp sừng tê giác táo tợn tại nhiều nơi trên thế giới. Tờ báo này viết: “Sự thèm khát sừng tê giác tại quốc gia này (Việt Nam – PV)  đã gây nên cuộc săn lùng sừng tê giác toàn cầu, và đẩy giá sừng tê giác lên tới 100.000 USD/kg, cao hơn cả giá trị của vàng khối.

Việc này cũng được tổ chức Traffic (Mạng lưới giám sát hoạt động buôn bán thực, động vật hoang dã) xác nhận, trong một báo cáo chi tiết về nạn buôn bán sừng tê giác trái phép. Tổ chức này cho biết: “Niềm tin vào đặc tính giải độc trong sừng tê giác, đặc biệt là sau khi hấp thụ quá mức rượu, thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đã tạo ra một nhóm người giàu có thường xuyên sử dụng sừng tê giác. Họ thường trộn bột sừng tê giác với nước hoặc rượu để làm thuốc bổ và thuốc giã rượu. Nhóm người này bao gồm cả những người đàn ông tin vào quan niệm rằng sừng tê giác là một phương thuốc chữa bất lực và tăng cường khả năng tình dục”.

Bên cạnh đó, các đại gia Việt cũng sẵn sàng chi trả hàng tỉ đồng cho một chiếc sừng tê giác – một thứ quý hiếm và đắt tiền – chỉ nhằm để phô trương sự giàu có, địa vị và thành công với những người xung quanh, đồng thời dùng làm món quà tặng cao cấp cho nhiều mục đích khác nhau

Bà Naomi, trưởng đại diện tổ chức Traffic tại Việt Nam, cho biết: “Đây là những khách hàng chiếm số lượng sử dụng sừng tê giác lớn nhất Việt Nam. Họ thường mua qua những kênh không chính thức bao gồm các nhà phân phối qua internet và các mối quan hệ xã hội. Những website này mời chào người mua bằng hàng loạt khẩu hiệu bóng bẩy như “để tăng cường sự tập trung và giã rượu”, “rượu sừng tê giác là thức uống có cồn cho các triệu phú”…”

Thúc đẩy buôn lậu phục vụ đại gia
Việt Nam đang bị coi là thị trường tiêu dùng cuối cùng của sừng tê giác. Nhu cầu của Việt Nam được cho là đang thúc đẩy nạn buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp hiện nay.
Sừng tê giác vào Việt Nam, phục vụ các đại gia lắm tiền nhiều của bằng nhiều kênh khác nhau, bao gồm đường hàng không nối Jonannesburg với Hà Nội hoặc Tp.HCM qua Hongkong, Bangkok, Kuala Lumpur và Singapore. Thủ đô Maputo của Mpzambique cũng đang nổi lên như một cơ sở mới cho việc vận chuyển sừng tê giác ra khỏi Châu Phi vào Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, từ đầu năm 2008 đến giữa tháng 8/2013, toàn Ngành đã bắt giữ được 13 vụ vận chuyển trái phép sừng tê giác, số lượng xấp xỉ 121,5 kg sừng tê giác.
Cụ thể, ngày 26/02/2012, Cục Điều tra CBL đã phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài - Cục Hải quan Tp. Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện, bắt giữ 01 vụ/02 hành khách nhập cảnh trên chuyến bay từ HongKong - NoiBai có hành vi vận chuyển trái phép 22kg sừng động vật (nghi là sừng tê giác).
Ngày 06/01/2013, Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh kiểm tra, phát hiện, bắt giữ 01 hành khách nhập cảnh có hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa cấm nhập khẩu đi từ Mô-dăm-bích quá cảnh qua hai địa điểm là Đô-ha (Qua-ta) và Băng-cốc (Thái Lan) đến Việt Nam. Tang vật thu giữ 16,5 kg nghi là sừng tê giác.
Mỗi năm, hàng trăm con tệ giác bị giết hại
Trong khi đó, để phục vụ nhu cầu của các đại gia Việt nói riêng và toàn cầu nói chung, tại đất nước Nam Phi xa xôi, hàng nghìn con tê giác đã bị giết hại trong nhiều năm qua. Sốc nhất là nạn săn bắn trộm một cách tàn bạc tê giác sống, dẫn đến hàng trăm con tê giác bị giết hại 1 năm. Cảnh tượng như dưới đây vẫn hàng ngày diễn ra ở những nước có tê giác:
Trong vòng 16 năm, từ 1990 đến 2005, mỗi năm có 14 con tê giác bị chết do săn bắn trộm. Năm 2008, con số này tăng lên thành 83 con và đến năm 2009 chạm mốc 122 con. Nạn săn bắn trộm leo thang mạnh mẽ trong suốt 2010, tăng gần gấp 3 lên thành 33 con. Năm 2011, tổng số tê giác bị giết hại lập kỷ lục với 448 con. Theo số liệu gần đây nhất của chính phủ Nam Phi, tính tới ngày 20/6/2012, đã có 251 con tê giác bị giết hại. Tê giác đang bị giết hại để lấy sừng ở một tốc độ chưa từng thấy trong 20 năm qua.
Nếu nạn săn trộm sừng tê giác vẫn tiếp tục diễn ra với tốc độ này, thì loài tê giác sẽ bị tuyệt chủng trước năm 2050.


Theo Hà Giang Giang - nguoiduatin.vn


Có bảo kê đưa sừng tê giác vào Việt Nam

Đó là nhận định của Tổ chức Traffic (Mạng lưới giám sát hoạt động buôn bán thực, động vật hoang dã) về tình hình buôn bán, sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam hiện nay.

Theo điều tra của Traffic, từ một số liệu báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu sừng tê giác của Cơ quan quản lý CITES tại Việt Nam cho thấy, từ năm 2003 - 2010 có 657 sừng tê giác được xuất khẩu hợp pháp từ Nam Phi vào Việt Nam. Nhưng, thực tế chỉ ghi nhận có 170 chiếc trong danh sách nhập khẩu. Như vậy, có tới 74% số sừng tê giác đã vào Việt Nam dưới dạng “nhập lậu”. Và việc này đã khiến Việt Nam thiệt hại gần 2 triệu USD tiền thuế, đồng thời tạo điều kiện cho việc buôn bán sừng tê giác tràn lan.


Sừng tê giác thu giữ trong một vụ buôn lậu. HNM

Traffic còn “tố” sừng tê giác vào Việt Nam chủ yếu thông qua các tuyến hàng không nối từ Johannesburg với Hà Nội, TP HCM, Hongkong, Bangkok… rồi vận chuyển bằng đường bộ qua Lào, Thái Lan... Những vụ đưa sừng tê giác “lậu” về Việt Nam trót lọt là nhờ có sự “bảo kê” của một số cán bộ, một số nhà ngoại giao Việt Nam. Để chứng minh cho nhận định này, bà Naomi - trưởng đại diện Tổ chức Traffic tại Việt Nam lập luận rằng: “Từ năm 2009, Việt Nam đã đưa ra báo cáo rằng có khoảng 100kg sừng tê giác bị bắt giữ và từ năm 2004 - 2008 có ít nhất 10 vụ bắt giữ liên quan đến hành vi bán trái phép sừng tê giác ở thị trường nội địa, nhưng lại không có ai bị truy tố”.

Bà Dương Việt Hồng – Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) cho biết, vừa qua, Hiệp hội đã tiến hành cuộc điều tra kéo dài 2 tháng, nhắm vào các đường dây buôn bán trên Internet.

Kết quả cho thấy, số lượng các vụ buôn bán qua đường dây này ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Bà Hồng dẫn chứng: “Động vật hoang dã thường được rao bán trên các trang rao vặt, diễn đàn về nuôi thú cưng… Các trang trại khi có khách muốn mua hổ, gấu, tê giác…, họ “lách luật” bằng cách làm hợp đồng cho thuê vật nuôi (50 năm)”.
Về đối tượng mua bán, sử dụng sừng tê giác, theo báo cáo điều tra mới nhất của Traffic với 700 người cho thấy, có 78/700 người là phụ nữ cho biết họ chỉ mua sừng tê giác để tặng người thân, biếu sếp… Trong khi đó đàn ông chỉ có 22/700. Còn đối tượng sử dụng sừng tê giác lớn nhất là doanh nhân với 36/700 người. Tiếp đến là nội trợ với 14/700 người.
Theo bà Naomi, sở dĩ 2 đối tượng phụ nữ và doanh nhân mua và sử dụng sừng tê giác nhiều là bởi họ có niềm tin vào những thông tin quảng cáo rằng sừng tê giác có tác dụng chữa bách bệnh, thậm chí cả bệnh ung thư, rồi “cải lão hoàn đồng” làm tăng sắc đẹp cho phụ nữ, đàn ông sử dụng sức mạnh tình dục tăng lên gấp bội…
Tuy nhiên, luật sư Phạm Văn Phất thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng lập luận của Traffic chưa đủ để kết luận có “bảo kê” cho việc buôn lậu sừng tê giác.
Theo ông Phất, không chỉ sừng tê giác mà bất cứ mặt hàng nào có hành vi buôn bán trái phép qua biên giới đều phạm vào tội buôn lậu và phải truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên, vấn đề ở chỗ có xác định được đích danh thủ phạm hay không.
“Nếu đã bắt được thủ phạm rồi thì khó có chuyện không truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng ở Việt Nam, rất nhiều trường hợp, các cơ quan chức năng bắt được hàng buôn lậu nhưng chủ hàng thì “bỏ của chạy lấy người”, khó xác định danh tính nên không thể truy tố được”, ông Phất cho hay.
Thực tế cũng ghi nhận khá nhiều trường hợp chủ hàng buôn lậu “bỏ của chạy lấy người” khiến công cuộc chống buôn lậu của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Theo Kiến thức & Theo Dân Việt

Các nhà bảo tồn đã bơm hóa chất độc hại vào sừng rất nhiều cá thể tê giác, nhằm ngăn chặn các hoạt động săn bắn bất hợp pháp và cảnh báo người tiêu thụ ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

LiveSciencecho biết, một bộ phận người Việt Nam đang sử dụng sừng tê giác để chữa bệnh. Tuy nhiên, trang tin khoa học hàng đầu dẫn các nghiên cứu khẳng định, sừng tê giác hoàn toàn không có giá trị y khoa. Nó được cấu thành từ chất sừng, giống với móng chân, móng tay của con người. Chính vì vậy, sừng tê giác hoàn toàn không có giá trị chữa bệnh.
Dẫu vậy, niềm tin vào tác dụng thần kỳ của sừng tê giác ở các nước châu Á, điển hình là Trung Quốc và Việt Nam vô tình đẩy loài động vật này đến bờ vực của sự tuyệt chủng. Do được lùng mua với giá cao ở châu Á khiến những con tê giác ở châu Phi bị săn lùng ráo riết, bất chấp nỗ lực bảo vệ của các chuyên gia bảo tồn.
Chỉ tính riêng trong năm nay, 688 con tê giác Nam Phi đã bị giết để lấy sừng. Con số này khiến năm 2013 trở thành năm tồi tệ nhất với loài tê giác, vốn đang bị đẩy tới sát mép vực tuyệt chủng. Khi các biện pháp bảo vệ không đạt được hiệu quả, người ta buộc phải tiến hành các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng đối với sừng tê giác.
Theo LiveScience, Việt Nam là một trong những thị thường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất bởi khá nhiều người hiểu không đúng về giá trị thực sự của loại mặt hàng này. Những người đánh giá cao sừng tê giác coi đó là tiên dược, một món quà cao cấp hay biểu tượng của sự vương giả. Chính vì lẽ đó, các tổ chức bảo tồn đã hợp tác với chính phủ Việt Nam để khởi động chiến dịch kéo dài 3 năm, nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với giá trị thực của sừng tê giác.
Việc thay đổi nhận thức của người trưởng thành là một thách thức không nhỏ, chính vì vậy, kế hoạch này nhằm giáo dục nhận thức cho trẻ em về mối họa tuyệt chủng mà loài tê giác đang phải đối mặt. Cuốn sách mang tên “Tôi là con tê giác nhỏ” đã và đang được chuyển tới tay của trẻ em Hà Nội và các tỉnh thành khác.
Những người thực hiện chiến dịch hi vọng, việc giáo dục nhận thức của trẻ em sẽ tác động tích cực những người lớn trong gia đình, giúp lan truyền những kiến thức về giá trị thực của sừng tê giác. Mục tiêu cuối cùng nhằm giúp những người tin vào loại “biệt dược” sừng tê giác hiểu rằng, họ đang lãng phí tiền bạc và đẩy loài động vật này tới bước đương cùng.
Thậm chí, chương trình này còn cho biết một số sừng tê giác được tiêu thụ ở Việt Nam có khả năng ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người sử dụng. Cụ thể, người ta nhắc đến nỗ lực trong tuyệt vọng của các nhà bảo tồn động vật hoang dã Nam Phi khi buộc phải bơm các loại hóa chất độc hại vào sừng tê giác. Tuy các chất độc không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con vật nhưng nó sẽ tác động xấu tới sức khỏe người sử dụng.
Theo TRI THỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét