Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Đại gia siêu giàu và người Việt siêu nghèo cùng tăng mạnh

Đại gia siêu giàu và người Việt siêu nghèo cùng tăng mạnh

Theo nghiên cứu của công ty tư vấn tài sản Wealth-X và ngân hàng Thụy Sỹ UBS, số người siêu giàu tại Việt Nam tăng nhanh thứ 2 Đông Nam Á với 195 người, có tổng giá trị tài sản 20 tỷ USD. Trong khi đó, có đến 8,01 triệu dân Việt Nam sống trong cảnh nghèo đói, thiếu thốn trăm bề, và phải tìm đến cái chết để thoát cảnh nghèo.

Số lượng người siêu giàu và siêu nghèo cùng tăng
Hãng tư vấn Wealth-X ở Singapore và ngân hàng UBS Thụy Sỹ vừa công bố báo cáo cho biết, Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước Đông Nam Á có số người siêu giàu tăng mạnh trong vòng một năm qua.
Cụ thể, theo báo cáo, 6 nước Đông Nam Á gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam đều có lượng người siêu giàu gia tăng trong một năm qua. Wealth-X và UBS cho biết, tiêu chuẩn để xếp hạng người siêu giàu là các cá nhân đó sở hữu khối tài sản trị giá từ 30 triệu USD trở lên.
Đứng đầu là Thái Lan, với số người siêu giàu tăng 15,2%, từ 635 người năm 2012 lên 720 người trong 2013. Tổng giá trị tài sản của người siêu giàu Thái Lan cũng tăng từ 95 tỷ USD năm 2012 lên 110 tỷ USD năm nay. Việt Nam được xếp thứ hai với mức tăng 14,7%, tiếp theo là Indonesia với mức tăng 10,2%.
Số người Việt gia nhập câu lạc bộ siêu giàu hiện là 195 người, với tổng tài sản 20 tỷ USD. Trước đó một năm, Việt Nam chỉ có 170 triệu phú USD, với tổng giá trị tài sản 19 tỷ USD. 
Nhiều gia đình phải sống trên đò vì không có đất dựng nhà 
Bên cạnh đó, theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), mặc dù những năm gần đây Việt Nam có nhiều thành tựu nổi bật trong công cuộc xoá đỏi giảm nghèo, nhưng tính đến năm 2010, vẫn có 8,01 triệu dân Việt Nam sống trong cảnh nghèo đói, thiếu thốn trăm bề.
Thậm chí, nghèo đói đến mức nhiều người dân Việt Nam phải tìm đến cái chết để tự giải thoát cho mình. Điển hình là vụ việc của chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (48 tuổi, ngụ xã An Xuyên, TP Cà Mau - Cà Mau) đã treo cổ tự tử vào đầu tháng 5/2013 để gia đình được cấp sổ hộ nghèo và các con được đi học.
Để lại bức thư tuyệt mệnh, chị Nhân bày tỏ mong ước cuối cùng: "Xin các cấp chính quyền thấu hiểu cho hoàn cảnh không lối thoát của chúng tôi hiện nay mà cấp sổ hộ nghèo cho chồng con tôi để sống những ngày tháng còn lại..."
Hay trước đó, vào tháng 4/2012, chị Lê Thị Ngọc Nhãn (khóm 2, phường 1, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cũng vì nghèo đói, hết gạo, hết tiền, trong khi phải nuôi 6 đứa con nhỏ đã bức bí tìm đến chết để các con được vào trại trẻ mồ côi, còn hơn sống ở nhà mà bữa no, bữa đói.
Trong bức thư tuyệt mệnh, chị Nhãn cũng chỉ để lại đúng một dòng: “Chú Diện (trung tá Trần Văn Diện, Trưởng Công an phường 1, TP Cà Mau - PV)! Cháu chết rồi chú hãy giúp đưa các con của cháu vào cô nhi viện. Cháu đội ơn chú suốt đời!”. 
Người giàu được phục vụ
Số lượng người siêu giàu tăng nhanh, còn lượng người "siêu nghèo" cũng tăng chẳng kém. Trong khi đó, nhiều dịch vụ đáng lẽ phải đảm bảo sự công bằng cho mọi công dân thì lại đang hướng đến những người giàu có.
Có thể lấy ví dụ như trong giáo dục. Hà Nội vừa đề xuất xây dựng 35 ngôi trường công chất lượng cao với mức học phí đắt đỏ bởi lý do: phục vụ cho nhu cầu của các bậc phụ huynh.
Theo lý giải của UBND TP.Hà Nội, khi học sinh được học tập trong môi trường đầy đủ, trang thiết bị hiện đại thì sẽ có thành tích học tập tốt hơn. Song, đây cũng chính là sự bất bình đẳng, phân biệt giàu nghèo.
"Lấy tiền Ngân sách để cung ứng dịch vụ công chỉ cho một bộ phận người giàu là không công bằng" - TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết.
Theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng, trước đây, chúng ta cũng đã từng tạo ra sự bất bình đẳng khi hình thành lên hệ thống trường chuyên, lớp chọn. Tuy nhiên, đây chỉ là sự bất bình đẳng giữa những học sinh có năng khiếu so với những học sinh ít có năng khiếu hơn. Và có vẻ như xã hội chấp nhận một sự phân biệt đối xử như vậy. Nhưng lần này câu chuyện lại khác, đó sự phân biệt đối xử giữa những người giàu có và những người nghèo khó.
"Tôi nghĩ, một sự phân biệt đối xử như vậy rất khó được chấp nhận, đặc biệt trong một nước mà công bằng xã hội được coi là một trong những giá trị lớn nhất của chế độ" - TS. Dũng nói.
Hay ngay cả trong việc tăng giá điện vào ngày 1/8 vừa qua cũng có sự phân biệt rõ giữa người giàu và người nghèo.
Sự phân biệt này được chính Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá: "Đối với người thu nhập thấp và người nghèo, khi giá điện tăng, các đối tượng này không bị ảnh hưởng gì".
Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về đánh giá tác động xã hội của việc điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện ở Việt Nam đã cho thấy thực tế không hoàn toàn đúng như vậy.
Tính chung cho 2 triệu hộ dưới chuẩn nghèo, mỗi khi tăng giá xăng dầu hay giá điện thì chi phí trợ cấp từ ngân sách nhà nước ước khoảng 114,2 tỷ đồng/tháng (tức 1.370,4 tỷ đồng/năm) trong ngắn hạn, và khoảng 125,8 tỷ đồng/tháng (tức 1.509,6 tỷ đồng/năm) trong dài hạn.
Kết quả nghiên cứu trên của CIEM cho thấy, chi phí bảo đảm an sinh cho hộ nghèo thực chất chính là chi phí mà ngân sách nhà nước gián tiếp bù lỗ cho doanh nghiệp trong các ngành kinh doanh hàng hóa có vị thế độc quyền. Và như vậy, không khác gì việc những người vốn đã nghèo càng phải đóng góp thêm tiền để giúp người giàu ngày càng giàu thêm.
Vậy, chúng ta nên mừng hay nên lo vì việc đất nước của chúng ta thành đất nước của người giàu?
Báo cáo của Cục thống kê Quốc gia Việt Nam cho thấy, khoảng cách thu nhập giữa người giàu và nghèo tại Việt Nam đã tăng từ 8,9 lần trong năm 2008 lên 9,2 lần trong năm 2011.
Thu nhập trung bình của khu vực thành thị như thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2012 là 300 đôla/tháng, cao hơn gần gấp 10 lần thu nhập trung bình dao động ở mức 30 đôla/tháng của nhóm thu nhập thấp.
Khảo sát của Tổng cục thống kê cũng cho thấy, chi tiêu giáo dục của tầng lớp giàu có tại Việt Nam cao hơn 6 lần, khoản chi tiêu cho y tế cao hơn 3,8 lần và các khoản chi tiêu vào giải trí, thể thao, văn hóa cao hơn đến 131 lần so với tầng lớp thu nhập thấp.
Khu vực nông thôn luôn phải chịu những bất cập về nguồn nước sạch, giáo dục, cơ sở hạ tầng và diện tích đất canh tác cũng như việc làm ngày càng bị thu hẹp trong quá trình công nghiệp hóa.
Thống kê của Bộ Lao Động Thương binh Xã hội cho biết, Việt Nam những năm qua đã mất khoảng 200.000 ha đất cho các dự án công nghiệp, sân golf, căn hộ, biệt thự. Điều này có nghĩa là gần 2,5 triệu lao động mất việc làm và người nông dân có tới 3-4 tháng nông nhàn mỗi năm.
Theo Duyên Duyên - Đất Việt
Người siêu giàu ở Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á?   
Tỉ lệ người siêu giàu ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, với tài sản từ 30 triệu đôla trở lên vẫn tăng trong năm 2012. Đó là kết luận của một phúc trình của công ty tư vấn và đánh giá tài sản cá nhân Wealth-X và ngân hàng UBS có trụ sở ở Thụy Sĩ.
Trong số 6 nước Đông Nam Á được nêu trong phúc trình, Thái Lan có số người siêu giàu tăng cao nhất, tiếp đến là Việt Nam với tỷ lệ tăng 14.7% và sau đó là Indonesia.
Phúc trình nói số người siêu giàu ở Việt Nam hiện nay là 195 người với tổng tài sản ước tính là khoảng 20 tỷ đôla.
Con số một năm trước ở Việt Nam là 170 triệu phú.
Phúc trình cho rằng Việt Nam và Miến Điện tiếp tục là những thị trường triển vọng với giới tiêu dùng tăng trưởng ổn định và tầng lớp người giàu gia tăng.
Đánh giá của Wealth-X và UBS không nêu rõ số người siêu giàu ở Việt Nam có khối tài sản khổng lồ như vậy nhờ các hoạt động kinh doanh như thế nào.
Năm nay, trong danh sách tỉ phú thế giới do tạp chí Forbes công bố, lần đầu tiên có một người Việt Nam.
Ông Phạm Nhật Vượng, chủ tập đoàn Vingroup, đứng thứ 974 với tài sản là 1,5 tỷ đôla.
Nguồn: WSJ, Wealth-X, UBS

Tiến sĩ Alan Phan giật mình với thu nhập của người VN nhưng “Suy thoái không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo”

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore.
Thu nhập trung bình của người Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất xa so với các nước trong ASEAN và Trung Quốc, dù đã được cải thiện nhiều do đổi mới và mở cửa cách đây hơn một phần tư thế kỷ.
Trong khi đó, cơ hội để Việt Nam đuổi kịp Trung Quốc và các nền kinh tế ASEAN sẽ vẫn là viễn cảnh xa vời, nếu thiếu đi những động lực cải cách hơn nữa.
Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam bằng 80% của Trung Quốc năm 1991 đã giảm xuống còn 43% năm 2010. Bên cạnh đó, so với các quốc gia ASEAN khác, dù thu nhập của người Việt Nam đã dần được thu hẹp trong 20 năm qua, khoảng cách vẫn còn rất lớn ở vào thời điểm hiện tại.
Tiến sĩ Phạm Hồng Chương và các đồng sự ở ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo PPP chưa bằng 1/2 của Philippines, hay Indonesia, khoảng 1/5 của Thái Lan, 1/10 của Malaysia năm 1991. Con số này đã vượt qua mức 3/4, 1/3 và 1/5 của các nước trên sau gần 20 năm.
Tóm lại, quy mô GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2010 đạt 1.061 USD tính theo tỷ giá hối đoái, và 2.948 USD theo PPP
Tiến sĩ Phạm Hồng Chương nhận xét: “Đây là những chỉ số còn thấp xa so với mức bình quân chung của khu vực, của châu Á và thế giới”. Ông nhận xét, sau hơn một phần tư thế kỷ đổi mới và mở của, Việt Nam đã chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm thu nhập trung bình, theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, theo ông Chương, xét về nhiều mặt, động thái tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa thể hiện rõ quyết tâm và khả năng thoát khỏi nguy cơ tụt hậu phát triển. Trong khi đó, trong một vài năm gần đây, nền kinh tế còn bộc lộ nhiều rủi ro tiềm ẩn về tính bền vững của quá trình tăng trưởng.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn (8/5/2012)

“Suy thoái không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo”

“Theo các chuyên gia kinh tế thì lạm phát cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nghèo”.
Nhìn vào con số 1,76% của báo cáo đến 9 tháng và 2,16% chỉ sau 3 tháng (đến hết tháng 12/2012), Phó chủ tịch đặt câu hỏi, làm sao mà có thể giảm nhanh đến thế? “Địa phương báo cáo lên thế nào, chứ đi thực tế thì thấy người nghèo tăng lên chứ không có giảm”, ông Sơn quả quyết.
Cho rằng nếu báo cáo ra Quốc hội thì nhiều đại biểu sẽ không đồng tình với chi tiêu này bởi không có cơ sở, ông Sơn đề nghị xem xét lại tỷ lệ giảm hộ nghèo đạt hay không đạt. “GDP là chỉ tiêu quan trọng nhất, lớn nhất không đạt kéo theo hàng loạt vấn đề khác, chỉ tiêu giảm nghèo đạt cao thế cần xem lại xem có đúng không, nếu không đúng không nên đưa vào làm gì”, ông Sơn phát biểu.
Được mời giải thích, Thứ trưởng Hòa cho biết, tỷ lệ hộ nghèo dược báo cáo từ địa phương lên, số liệu được rà soát hàng năm từ xã trở lên, mỗi xã có danh sách hộ nghèo của từng thôn. Vẫn theo Thứ trưởng Hòa thì những năm qua ngân sách gặp khó khăn nhưng nhìn chung các dự án, chương trình mục tiêu giảm nghèo dều được quan tâm bố trí kinh phí tương đối đảm bảo theo yêu cầu. Bên cạnh đó là các chính sách trợ giúp người nghèo mấy năm vừa qua đến thời điểm gần đây đã phát huy nhiều tác dụng hơn.
Lý do tiếp theo được ông Hòa nhấn mạnh là “theo các chuyên gia kinh tế thì lạm phát cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nghèo”.
Dù khẳng định lại là “theo chúng tôi thì có các nguyên nhân như thế” để lý giải cho con số giảm nghèo nhanh vùn vụt như vậy, song Thứ trưởng Hòa cũng thừa nhận còn có sự chưa thống nhất giữa số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và báo cáo của các địa phương.
Theo Nguyên Thao _ VnEconomy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét