Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Tuấn Ngọc chia sẻ sự trải nghiệm đời trong giới nhạc sang ở Việt Nam và hải ngoại



Tuan Ngoc

Tuấn Ngọc - giọng hát vượt thời gian

Tuấn Ngọc ngoài đời với áo quần giản dị và ánh mắt chăm chú đến mọi việc diễn ra xung quanh, lời nói khiêm nhường và thường rất cẩn trọng khi cần phải bày tỏ 1 quan điểm nào đó. Anh là một người cởi mở.

Nhạc sĩ Phạm Duy trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí đã nói, ông tự hào vì có con rể là ca sĩ Tuấn Ngọc (vợ Tuấn Ngọc là ca sĩ Thái Thảo - con gái nhạc sĩ Phạm Duy). Còn Tuấn Ngọc thì bộc bạch: "Tôi thích nhạc Phạm Duy từ bé, khi là thành viên của gia đình tôi càng hiểu thêm về ca từ và giai điệu của nhạc Phạm". Anh còn nói đùa: "Trở thành con rể của nhạc sĩ Phạm Duy có cái lợi là hát nhạc Phạm Duy... không phải trả tiền". Tuấn Ngọc là như vậy, rất dí dỏm, hài hước.
Ca sĩ Tuấn Ngọc. Ảnh: Quốc Huy.
Tuấn Ngọc tên thật là Lã Anh Tuấn, người thân vẫn gọi anh là Tuấn chứ không gọi là Tuấn Ngọc. Những ai ở miền Nam trước 1975 đều còn nhớ ban nhạc hài hước ATV mà cha anh - nghệ sĩ Lữ Liên - là một thành viên. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống âm nhạc với cha là nhạc sĩ Lữ Liên, ngọn cờ đầu của nền tân nhạc Việt Nam, ông có 6 người con mà khi trưởng thành họ đều gắn bó với âm nhạc và được công chúng trong và ngoài nước yêu mến là: Tuấn Ngọc, Bích Chiêu, Anh Tú, Khánh Hà, Thúy Anh, Lan Anh và Lưu Bích.

Tuấn Ngọc đi hát từ hồi 4 tuổi, trong những chương trình thiếu nhi trên đài phát thanh. Vào cuối thập niên 60 khi phong trào nhạc trẻ đang cực thịnh, Tuấn Ngọc bắt đầu được biết đến nhiều với những ca khúc tiếng Anh. Sau đó anh tham gia hai ban nhạc lớn nhất lúc đó là The Strawberry Four và The Top Five. Sau 1975, anh rời nước sang định cư tại California, có thời gian sống tại Hawaii rồi lại trở về Cali.
Từ 4 tuổi đến nay, Tuấn Ngọc chưa bao giờ ngừng hát. Bề dày khổ luyện đã giúp anh đứng vững trên sân khấu nửa thế kỷ nay. Có thể nói anh đã chinh phục khán giả bằng giọng ca trời cho và phong cách đĩnh đạc tự tin. Bên cạnh đó, Tuấn Ngọc còn làm khán giả thích thú bởi tự làm MC, với những lời dẫn thông minh, ngắn gọn và có duyên. Anh giới thiệu và khen ngợi ban nhạc Hoài Sa rồi ví von: "Tôi đi tìm ban nhạc cho mình rất khó, giống như phụ nữ đi shopping vậy, rất nhiều hàng nhưng không dễ tìm hàng tốt".
Để vào đầu ca khúc Riêng một góc trời, anh tâm sự: "Chị tôi khi buồn là chui vào phòng nằm vật vã trên giường, tôi gọi đó là "riêng một góc giường", còn tôi khi buồn kiếm một quán rượu ngồi một mình, tôi gọi đó là "riêng một góc bàn" còn nhạc sĩ Ngô Thụy Miên thì viết về nỗi buồn đó lớn lao hơn, đó là Riêng một góc trời".
Khi hát ca khúc của nhạc sĩ Duy Cường phối nhạc, anh giới thiệu Duy Cường là người phối nhạc anh ưng ý nhất và "đây là người gần với tôi nhất sau... vợ tôi". Khi con gái anh lên tặng hoa, anh cũng vừa đùa vừa giới thiệu: "Khán giả tặng hoa này là... con gái tôi, việc lên tặng hoa chắc là do... mẹ nó xui".
Hát bài Ghen của Nguyễn Bính, anh cũng đùa "không hiểu sao cứ nói đến ghen là người ta lại nói đến con gái mà không nói đến đàn ông...". Hát bài Áo lụa Hà Đông anh kêu, chỉ có ông Nguyên Sa thích Áo lụa Hà Đông thôi chứ anh hồi còn nhỏ nghe trong xóm nói toàn về sư tử Hà Đông... Khi nói về mình, anh thường tự trào: "Người ta bảo tôi nếu có căng da mặt cho trẻ lại thì đừng... xỉa răng, vì miệng rộng thế này xỉa răng có nguy cơ làm... thủng tai".
Với chất giọng sâu lắng ấy, phong cách tự sự và tự trào khi làm MC ấy, có thể nói ca sĩ Tuấn Ngọc đã chiếm lĩnh sân khấu một cách nhẹ nhàng và chinh phục được ngay cả khán giả khó tính nhất trong những đêm diễn đầu tiên tại quê hương. Có lần đi trên đường Đồng Khởi, một em bé bán báo nhận ra anh và khoe: "Cháu có nhiều băng đĩa của chú". Điều đó làm anh vô cùng xúc động.
Tuấn Ngọc tâm sự: "Ở mình có quá nhiều chương trình ca nhạc, tụ điểm ca nhạc... Các ca sĩ chạy sô dữ quá nên ít có thời gian đầu tư chiều sâu". Tuấn Ngọc dí dỏm nhưng có vẻ cũng là người kỹ tính, thận trọng. Anh suốt đời chỉ hát nhạc trữ tình. Trong lòng khán giả, người đàn ông này mãi là một giọng hát da diết vượt thời gian.
(Theo Lao Động)

Tuấn Ngọc mất thời cơ vì kỹ tính

Ca sĩ của "Riêng một góc trời" trở về quê hương, ấm nồng hơn trong tưởng tượng vì ngay cả bản thân, anh cũng không nghĩ giọng hát của mình đã thành một tượng đài.

- Nhiều người có cảm giác ngại tiếp xúc vì thấy anh đứng trên đỉnh cao, cẩn trọng và lịch lãm đến mức có khoảng cách, anh thấy thế nào?
  Tôi không có nhiều điều kiện để chứng tỏ sự thân thiện. Dù rất nhiều lúc tôi muốn nói, muốn pha trò với khán giả từ vị trí của mình nhưng nhà tổ chức còn thận trọng hơn tôi. Nếu mọi người đi xem tôi hát trong chương trình nhỏ tại phòng trà, họ có thể thấy tôi cũng vui tính ra trò đấy.
- Khi trở về VN, anh đã nghĩ thế nào về sự chào đón của khán giả?
  Làm nghệ thuật nhiều khi phải có sự may mắn. Mình vẫn là mình cả thôi nhưng vì lý do gì đó khán giả lại ủng hộ và đứng về phía mình. Chứ người nào không thích là họ lại thấy mình kỳ ngay. Nghề hát rất dễ "tẩu hỏa thập ma" nếu như không kiên quyết đi theo con đường riêng, cá tính và khả năng của mình.
- Anh là người có giọng hát buồn nhưng vẫn có gì đó lãng mạn, anh nghĩ sao về nhận xét này?
  Bạn là người đầu tiên nhìn ra tôi lãng mạn đấy. Tôi nghĩ, nghệ sĩ phải có sự lãng mạn, nó ẩn sâu bên trong để tạo ra cảm xúc. Nhưng đối với tôi, lãng mạn nhưng không thích bừa bãi đâu nhé. Là một sự lãng mạn về tâm hồn.
- Vậy vì sao mà từ một cậu ca sĩ nhí hát nhạc Mỹ đến thời thanh niên, anh lại quay sang hát nhạc lãng mạn VN?
  Nhiều người cũng đã hỏi tôi tại sao hát nhạc Mỹ. Lúc 5 tuổi, tôi bắt đầu hát với những phòng trà nghèo nàn chỉ có một cây đàn piano để đệm nhạc. Ngay từ khi ấy tôi đã nhận thức rằng một bài hát hay phải có đủ 3 yếu tố: giai điệu, hòa âm và kỹ thuật viết nhạc như nhịp điệu chẳng hạn. Giống như một người con gái đẹp vậy, sắc vóc trời cho, phục sức bên ngoài và cái duyên trong giao tiếp tạo nên một tổng thể người đẹp.
Đúng là bài hát trước tiên phải có giai điệu, đó là điều quan trọng nhất nhưng chưa đủ. Nhạc Việt thời tôi còn bé mới chỉ được nhạc sĩ để tâm đến giai điệu mà chưa có nhưng yếu tố khác. Tôi hát nhạc quốc tế để cho đến năm 11 tuổi mới được hiểu sâu rằng, thời ấy nhạc Việt cũng đang chỉ học theo nhạc nước ngoài, nó là thứ văn minh ngoại lai. Và tôi cần phải tiếp cận văn minh ấy.
- Điều may mắn nữa anh chưa nhắc đến là mình sinh ra trong cái nôi âm nhạc, anh nghĩ sao?
  Đó là một điều tự hào. Sau này nhìn nhận lại các anh chị em trong gia đình đều thành danh lại càng tự hào hơn.
- Ngay từ ngày nhỏ anh đã được gọi là thần đồng, cảm giác của anh thế nào?
  Mỗi tuần, tôi cũng có được đi hát 2 bài cho đài phát thanh. Tất cả bạn bè tôi được gọi là thần đồng nhưng riêng tôi thì không. Chỉ có thần đồng Kim Chi, thần đồng Thắng mà không có thần đồng Anh Tuấn (tên thật của Tuấn Ngọc là Lã Anh Tuấn). Danh xưng thần đồng ngày đó chỉ là một cách gọi vui của những nhóm tạp kỹ mà thôi, có cả thần đồng ảo thuật gia, tài tử đi hát...
- Nhiều người rất ngưỡng mộ và tiếc nuối giọng ca của người em trai quá cố của anh, ca sĩ Anh Tú. Anh có thể chia sẻ cảm xúc về người em của mình?
  Tôi rất yêu thương Tú. Tú là em tôi và Tú mất đi khiến tôi cảm thấy sững sờ và đau hơn nhiều sự ra đi của mẹ tôi. Mẹ tôi tuổi gần đất xa trời, nằm xuống cũng là một hạnh phúc trọn vẹn. Còn Tú, quá trẻ để vĩnh biệt mọi thứ. Trong gia đình, chỉ mình tôi là thích nhạc jazz thôi. Tú thích những gì trẻ trung nhẹ nhàng. Tôi và Tú khá đối lập. Tú thích những gì không khó khăn và hưởng thụ, còn tôi lại thích những điều khó. Đó chính là căn bản của nghề hát sau này, Tú đã chọn nhạc Pháp để hát nhẹ nhàng, bay bướm. Có rất nhiều bản nhạc của Tú, mãi mãi Tú là người hát hay nhất. Tôi hát cũng không hay bằng Tú được.
- Anh trở về và thành công trong nước, còn những người thân trong gia đình anh thì sao?
  Bên gia đình vợ tôi là nhạc sĩ Phạm Duy thì mọi người đều đã về và sinh sống hoạt động tại VN. Còn gia đình tôi thì Khánh Hà và Lưu Bích cũng có mong muốn trở về tham gia các hoạt động biểu diễn.
- Các con anh có theo nghệ thuật?
  Chúng tôi tôn trọng những sở thích riêng của các con. Chúng còn nhỏ để khẳng định hướng đi lâu dài. Mặt khác, thế hệ trẻ khác chúng tôi, chúng sống trong môi trường đa văn hóa và đa phương tiện nên ảnh hưởng gia đình không nhiều. Tôi có lần nhìn thấy chúng theo dõi buổi biểu diễn của tôi tại VN, tận lúc đó tôi mới cảm thấy sự tự hào về gia đình trong mắt chúng. Tôi thoáng nghĩ, nếu tự hào thì có nhưng chắc để lựa chọn đi theo con đường của tôi chắc là không đâu.
- Nghe nói anh là người đàn ông của gia đình, đổ rác, đi chợ và nghiện máy tính. Thực hư ra sao?
  Cuộc sống của tôi khá đơn giản, đi hát cuối tuần và hàng ngày sẵn sàng giúp vợ con làm việc nhà. Ngoài ra nghe nhạc, lên mạng và làm việc trong phòng thu tại gia, tôi cũng đâu có ngại ngùng khi phải giúp vợ làm việc nhà. Quanh tôi hàng xóm cũng là người Việt cả. Họ cũng biết và tôn trọng mình là một nghệ sĩ. Chỉ hơi bất tiện một chút là tôi muốn ăn mặc thật phủi nhưng không được vì họ chê là bình dân. Đôi khi cũng cần phải giữ hình tượng như trên sân khấu vậy.
- Có phòng thu tại nhà nhưng sao 10 năm nay anh không ra album nhạc nữa?
  Không hẳn là tôi không làm đâu mà chưa làm xong. Tất cả cũng do cái tính cẩn thận quá của tôi và cũng vì là mình có phòng thu nên cứ thu đi thu lại mà vẫn chưa ưng ý. Làm hoài không xong quay đi quay lại mất chừng đó năm rồi. Quả thực đúng là chẳng ai khó tính bằng mình hết, đôi khi mất cả thời cơ. Nhưng mà nghĩ lại thì không khó với mình không được. Trước đây nghèo thu kiếm tiền thì càng nhanh càng nhiều càng tốt. Giờ có điều kiện để làm khó mình thì tại sao không? Ngẫm nghĩ lại, nếu chỉ vì tiền tôi đã giàu có lâu rồi.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

Tuấn Ngọc: 'Đàn ông phóng khoáng mới hấp dẫn'

Người đàn ông được coi là tượng đài trong số những giọng ca vàng không quá cao lớn, nhưng vẫn dễ làm người đối diện bị lung lay. Anh điềm đạm, bình thản, đôi khi có những cái nhìn đầy lãng mạn… Sự thanh lịch của Tuấn Ngọc đã lý giải những cảm xúc quyến rũ mà anh từng mang đến cho những bài hát của mình.
- Anh nhận xét thế nào về những ca sĩ đang kiên nhẫn đi theo con đường của anh?
  Tôi cũng có nghe nói nhiều đến điều này và để ý, nhưng thực ra có nhiều người không đến nỗi bị gọi là bản sao. Đến vĩ nhân còn chịu ảnh hưởng người đi trước. Mỗi ca sĩ mới khởi đầu đều cố gắng tìm một hình tượng thành công để học hỏi, điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Tôi cũng khởi đầu như vậy, nhưng lúc đó tôi thuận lợi hơn là học hỏi và bắt chước ca sĩ nước ngoài nên không bị đánh giá.
Học hỏi và chọn lọc cái hay, để từ đó tìm ra thế mạnh và khẳng định phong cách riêng cho mình, điều đó không đơn giản nhưng cần thời gian và sự thông minh. Còn nếu mãi mãi là bản sao, thì người nghe cứ đi tìm bản chính là điều hiển nhiên rồi. Ngày còn ở Việt Nam, tôi cứ nghĩ hát nhạc Mỹ càng giống người Mỹ thì càng hay, nhưng sang đấy rồi thì thấy như thế giống… thằng hề. Ở Mỹ người ta chuộng sự đặc biệt.
- Giọng hát của anh không phải không có nhược điểm, ví dụ như cách phát âm chẳng hạn, nhưng anh đã khéo léo biến thành dấu ấn cá nhân. Anh nghĩ sao khi nhiều ca sĩ trẻ không có tật lại cố bắt chước nhược điểm đó của anh?
d  Tôi hát nhạc Mỹ từ bé nên đọc và hát rất hay nuốt âm, vì thế xem ra đọc và hát tiếng Việt không chuẩn, không tròn trịa lắm. Ai chẳng có nhược điểm nên ca sĩ trẻ phải rất cẩn thận. Họ phải nhìn ra được nhược điểm và tránh chứ không thể dập khuôn cả sự thiếu sót được.
Tôi nghe nhạc nước ngoài từ bé, chủ yếu là nhạc Mỹ, đủ các thể loại từ jazz đến đồng quê. Thuận lợi là gia đình tôi đều sinh hoạt văn nghệ và có nhóm nhạc riêng. Tôi không bỏ một thể loại nào, miễn là tìm được một bài nhạc hay. Tôi hát nhạc Tây như một bản sao từ năm 11 tuổi và học hỏi cách lấy hơi nhả chữ kiểu Mỹ. Sau một thời gian chỉ hát nhạc Mỹ, tôi mới quay trở lại nhạc Việt Nam. Tôi đã học rất nhiều thày là những giọng ca Mỹ để có được cách xử lý và cảm âm nhạc phù hợp với tân nhạc Việt Nam. Tân nhạc Việt hay còn gọi là nhạc tiền chiến đều là những tác phẩm ảnh hưởng nặng nề nhạc nước ngoài. Tôi cho rằng mình đã tìm đúng thày trước khi khẳng định được phong cách của mình. Tôi thấy mình giống Trương Vô Kỵ, cũng tôn một bức tượng đá làm thày. Nhưng ở đời là vậy, học được ai cái gì thì mình cũng là trò người ta rồi.
Ca sĩ Tuấn Ngọc. Ảnh: Phạm Hồng Phúc.
- Tân nhạc Việt Nam đã góp gì trong việc khẳng định vị trí và đẳng cấp cho giọng hát Tuấn Ngọc?
  Tôi yêu thích dòng nhạc tiền chiến, thực sự thích và hiểu những cảm xúc của bài hát. Các tác giả thuộc dòng tân nhạc và nhạc lãng mạn sau này có thế mạnh về ca từ, rất đẹp và sâu sắc nên tôi tìm thấy bản thân mình trong mỗi ca khúc. Ngay từ bé, bài nào tôi phải thích thì mới hát và sau này cũng vậy. Mình phải là mình trước hết. Nhưng phải công bằng mà nhận xét, nhạc Việt của chúng ta vẫn chú ý quá nhiều đến giai điệu mà còn thiếu nhiều về tiết tấu.
- Trong sự biến chuyển cấp tiến của âm nhạc, vậy mà anh vẫn ung dung và ở trên đỉnh cao không lay chuyển. Nhờ yếu tố nào vậy?
  Cũng phải vừa làm vừa để ý đến người nghe cả đấy. Nghề hát cũng là một nghề nhiều cảm xúc, hát không người nghe thì chẳng bằng độc thoại à? Như ông Van Gogh, cả đời vẽ tranh mà không được ai chú ý, phải sống cô đơn cả đời, đâu có biết hậu thế sau này ngưỡng mộ đâu. Tôi rất mê nhạc jazz, nhưng nhạc jazz càng đỉnh cao càng xa với quần chúng. Có những sở thích là của riêng mình nhưng cũng phải biết cái gì dành cho người nghe.
- Khi ở vị trí của một thần tượng, chiều chuộng khán giả đối với anh còn bao nhiêu phần quan trọng?
  Người nổi tiếng có vai trò quan trọng, phải hướng dẫn khán giả chứ không nên đua theo và chiều chuộng khán giả được. Khán giả chỉ là những người thưởng lãm, không có thời giờ để học hỏi hay nghiên cứu âm nhạc đâu. Người làm nghệ thuật, nhất là những người được ngưỡng mộ, theo tôi phải nên học hỏi nhiều hơn để giúp công chúng nhìn thấy những sự phát triển đi lên.
- Cho nên cũng như anh nói, tại Việt Nam, Mỹ Linh là một người làm được điều này. Cô ấy phủ nhận thành công và thuyết phục được công chúng đến với một Mỹ Linh thuộc miền âm nhạc mới. Vì sao anh nói thế?
  Mỹ Linh là một giọng hát xuất sắc. Tôi thích giọng hát và cách làm việc của cô ấy. Mỹ Linh hát sang trọng và trân trọng ca từ. Nghe và nhìn Mỹ Linh làm việc, tôi thấy cô ấy bộc lộ một giọng hát có văn hóa. Nghe đâu đời sống của Linh cũng rất chuẩn mực.
- Trong những lần về nước, anh có hay tìm đến các chương trình ca nhạc để nhìn nhận đời sống âm nhạc trong nước?
  Tôi không thích ra ngoài nhiều, về nước thường tranh thủ đi du lịch khắp nơi, đó là sở thích riêng của cả gia đình. Nếu đi nghe nhạc, tôi thích đến phòng trà 2B của ca sĩ Mỹ Hạnh. Tuy vậy, tôi không cảm thấy thoải mái lắm khi lần nào cũng bị lôi lên hát.
- Tại phòng trà Văn nghệ của bố vợ anh, ca sĩ Tùng Dương đã nhìn thấy anh ngồi nghe từ đầu đến cuối. Anh nhận xét gì về giọng hát này?
  Tùng Dương là ca sĩ trẻ giỏi nhất trong số những người tôi đã gặp. Ở tuổi của Dương mà đã bộc lộ những cá tính, thích làm khác mọi người, đáng quý lắm. Cậu ấy đã là một nghệ sĩ đặc biệt, hoàn toàn độc lập không giống ai. Điều tối quan trọng ở Dương, là cậu ấy cần thêm thời gian để biết tiết chế cảm xúc riêng.
- Lần trở về này, anh xuất hiện cũng rất ít dù thời gian ở lại khá dài. Mục tiêu của anh là gì?
  Ngay từ lần về nước đầu tiên năm 1992, tôi vẫn nghĩ khán giả của mình chỉ tương đối thôi, không nhiều và không bao giờ bằng các ca sĩ nhạc pop đương thời. Tuy vậy tôi vẫn mong mỏi những lần được đứng trên quê hương và hát. Lần trở về này, tôi có nhiều cơ hội được hát trên những sân khấu sang trọng và đàng hoàng, đó là quá đủ. Trước đây tôi muốn hát song vẫn phải thận trọng tìm ban nhạc và người tổ chức tốt. Bây giờ tôi đã hoàn toàn tâm phục với nhạc sĩ Hoài Sa và ban nhạc của anh ấy. Tôi sẽ tiếp tục trình diễn cùng họ khi cần thiết. Mới đây tôi gặp và thực sự mê tiếng kèn của nghệ sĩ trẻ Hồng Kiên. Anh ấy và khán giả Hà Nội khiến tôi nghĩ đến một chương trình riêng tại Hà Nội. Tôi còn trở về nhiều lần nên không cần thiết phải vội vàng.
- Điều gì đã nhắc anh phải từ tốn như vậy, bởi nhiều khán giả luôn mong được nhìn thấy anh nhiều hơn?
  Càng trưởng thành tôi càng thấy sự cẩn thận sẽ tốt hơn. Trong việc gì cũng vậy, nếu có thất bại cũng đỡ ân hận mình đã không cẩn trọng. Mình không còn con nít để làm sai và hồn nhiên nói xin lỗi được. Bản tính của tôi là cẩn trọng, nhưng không phải là người kỹ tính. Tôi không thích sự kỹ tính, đàn ông thì nên phóng khoáng một chút, thế sẽ hấp dẫn hơn.
- Anh rõ ràng rất cởi mở chứ không kiệm lời như hình dung ban đầu của khá nhiều người. Con người đời thường của anh thế nào?
  Tôi cũng chẳng có gì đến mức phải cẩn thận với báo giới cả, luôn cố gắng trò chuyện một cách không khách sáo. Phải tránh kiểu nói thì chí lý mà ngẫm nghĩ lại không ra gì… (Cười).
(Theo Thể Thao Văn Hóa Đàn Ông)
- Ở hải ngoại, anh là người khá đắt show, có bao giờ anh bị quỵt tiền cát-xê chưa? Hay từng bị đối xử tệ bạc trong quá trình đi diễn?
Chuyện này khi đi lưu diễn ai cũng bị ít nhiều. Có lần tôi hát xong, chả thấy ông bầu ở đâu để lấy tiền. Nhưng tôi bị như vậy cũng ít thôi, có thể nhìn tôi thấy tội nghiệp nên người ta thương! (cười)
- Vậy còn chuyện người hâm mộ cuồng quấy rối đời sống danh ca, anh có thường xuyên bị khó xử với những chuyện này không?
Ca sĩ khi đã nổi tiếng thì phải có người thích mình (cười), việc thích người nổi tiếng theo tôi chả có gì đặc biệt cả, chỉ có ý nghĩ  mình mới có fan cuồng thì đó mới là nguy. Bản thân tôi, tôi nghĩ chắc tôi có ít fan cuồng thôi. Fan cuồng cũng chẳng quấy rối, chẳng làm phiền nhiều đến tôi cả. Bởi mình đi hát, được yêu thương, mến mộ nhờ tiếng hát của mình là may mắn. 
Với tôi, đi hát cũng như tôi nói chuyện vậy đó, mình nói chuyện, trải lòng mà có người chịu khó ngồi nghe, đồng ý với mình là may mắn và hạnh phúc rồi, nên chẳng có lý do gì để khó chịu với fan cả.
Tuy nhiên, nghề nào cũng vậy, cũng có lúc gặp được người này, người kia, thi thoảng cũng có người quá đáng, có người quá lố nhưng đã là công việc thì phải chấp nhận. Cũng như việc thích đẹp thì phải có xấu, chấp nhận cái xấu. Cũng có người hỏi tôi: “Anh đi hát như vậy có thấy mệt không?". Thực ra, ngày thường cả tuần tôi ở nhà, cuối tuần tôi mới đi hát mà còn kêu mệt nữa thì làm cái gì?

Tuan Ngoc
Với tôi, đi hát cũng như tôi nói chuyện vậy đó... 
- Ca sĩ Quang Lê mỗi lần về Việt Nam đi hát, rất hay được fan hâm mộ tặng tiền mặt ngay trên sân khấu. Anh có được nhận quà giống Quang Lê không?
Hình như không có thì phải. Có lẽ khán giả thích dòng nhạc tôi hát họ cũng không thích cho tiền hay sao đó (cười)!
Phải hát những bài như “Nhẫn cỏ cho em", người ta thấy tội, người ta mới cho tiền chứ, mà cái dòng nhạc tôi hát vốn dĩ bị mang tiếng là nhạc sang, đã sang rồi còn ai cho tiền nữa. (cười). Nói thực, tôi cũng không thích cái tiếng sang đó đâu. Đối với tôi, âm nhạc hay phải nói về giá trị, chẳng hạn như một ca khúc bình dân mà có giá trị,  có tình cảm ở trong đó chân thật làm cho mình cũng thấy hay, cảm động còn hơn một bài làm ra vẻ sang mà lại không sang. Mặc đồ sang, mà con người không sang chỉ làm ra vẻ thì tôi không thích, ở nghệ thuật, luôn cần tình cảm nhiều hơn và cả sự chân thật nữa.
- Đã khi nào anh cảm thấy mệt mỏi phải đi hát để kiếm tiền chưa?
 Ai đi hát cũng có lúc mệt mỏi, buồn chán nhưng thích hay không thích thì công việc vẫn là công việc.
- Khán giả yêu nhạc Tuấn Ngọc lúc nào cũng đông và ổn định nên cát-xê của anh khi về nước diễn hẳn cũng phải vào hàng top?
Cũng phải làm sao để mình sống, người ta cũng phải sống với chứ. Vì thế, cát-xê của tôi không lớn như người ta nghĩ đâu, vì đâu phải đêm nào cũng đông. Đêm diễn nào vắng là tôi tự bớt tiền cho bầu sô.
- Sau một vài game show truyền hình thực tế về âm nhạc, một số giọng ca nhí được xem là tài năng trẻ hát về dòng nhạc dân ca đã nổi lên, như cái tên Phương Mỹ Chi chẳng hạn. Bản thân anh nhận xét thế nào về giọng hát này?
Tôi chưa nghe cô bé Phương Mỹ Chi này hát bao giờ, chỉ nghe nói cô bé ấy thắng cái giải gì đó thôi. Cũng thấy nhiều người khen ngợi cô bé lắm. Thực ra, tôi cũng không có thì giờ để nghe nhiều đâu, lúc nào rảnh thì tôi học thêm thanh nhạc, với lại tôi ít nghe nhạc Việt lắm.
Chuyện tôi nổi tiếng với nhạc Việt, tôi cũng không ngờ luôn, bởi tôi học hỏi từ nhạc Mỹ là chính. Tuy nhiên, học là một chuyện và áp dụng nó như thế nào lại là chuyện khác, tôi chỉ lựa chọn những gì phù hợp để áp dụng cho bản thân mình thôi.
Âm nhạc luôn thay đổi nên mình không thể đứng yên. Tôi chỉ nghe nhạc Mỹ vì quan niệm tân nhạc là của người da trắng, vì thế mình phải đến cái nôi của tân nhạc để học và thấy cái gì hay, hợp cho nhạc Việt thì mình dùng.
- Phương Mỹ Chi là một cô bé mới chỉ hơn 10 tuổi, theo anh, cô bé này đã đủ độ chín để cảm nhận được hết màu âm thanh cuộc sống để thổi hồn vào bài hát hay chưa?
Trừ khi cô bé đó là một thiên tài, còn không thì làm sao mà cảm được! Đúng không? Mình phải cần thời gian để sống, trải nghiệm nữa chứ, đằng này, cô bé ấy còn bé, còn phải ở nhà nhiều nữa... Hoặc trừ khi... cô ấy có đầu óc tưởng tượng rất phong phú, coi phim ảnh nhiều.
Nhưng mà tôi tưởng tượng một cô bé nhỏ tuổi như vậy, hát một bài về tình yêu, làm sao mà tưởng tượng hết ra được. Thành ra tôi không hiểu, không biết, không nhận xét được! Khi tôi 8 - 9 tuổi, tôi cũng hát vững lắm nhưng cũng chỉ là một đứa bé thôi, làm sao mà trải nghiệm được.
- Nếu như vậy, bắt trái non chín theo anh kết quả sẽ thế nào?
Sẽ không tốt thôi! Có nhiều trường hợp là những thần đồng bắt “chín ép”, làm quá, kết quả đâu có tốt. Ngay như Michael Jackson ở cái thời trẻ, có nhiều bài cậu ấy hát quá cao, làm quá sức của cậu ấy. Hay một trường hợp khác, cũng là một cậu bé, tôi không nhớ tên, cũng hát tốt lắm, nhưng cậu ấy cũng cố hát những câu chói lên, hơn người, được nhiều người khen ngợi lắm, bản thân tôi lại không thích.
- Với Phương Mỹ Chi, hiện tại đang được ca sĩ Quang Lê dìu dắt, nâng đỡ. Theo anh, Quang Lê nên đầu tư cho cô ấy để sau này “hái quả” hay là “ăn xổi” bây giờ thì tốt hơn?
Tại tôi chưa nghe Phương Mỹ Chi hát nên thành ra không có ý kiến. Tôi phải nghe trực tiếp Quang Lê đứng hát live với Phương Mỹ Chi thì tôi mới nhận xét được. Một giọng hát hay vẫn chưa đủ, bởi nhiều người có chất giọng tốt lắm, nhất là ca sĩ trẻ mới vào nghề, giống như một chiếc xe mới vậy, trước khi vận hành kiểu gì cũng phải để cho máy móc chạy thử rốt-đa (rà máy - PV). Không thể nào có chuyện một em bé kể cả hơn 10 tuổi, chưa trải nghiệm hát đã hay, trừ khi em bé đó có sống vội mà mình không biết.
- Những cô bé, cậu bé đi hát sớm như vậy, theo anh sau này có bị mất giọng, vỡ giọng hát hay không?
Giọng hát có được là nhờ thanh quản, cứ tưởng tượng dây thanh quản giống như một sợi dây thun của mình, khi bạn dùng hết sức để kéo nó thì nó sẽ mất đi tính đàn hồi. Thậm chí, một khi nó mất đi là sẽ mất luôn, vì vậy nếu không biết giữ gìn cẩn thận thì uổng lắm. Nhất là ở trẻ, cái dây thanh quản đang còn yếu, rất mỏng manh.
- Có ý kiến cho rằng, hát được hay không còn do Tổ đãi nữa. Theo anh, điều này có đúng không?
Tôi tin ở tôi thôi. Tôi tin những gì mình có hay không có đều do mình lựa chọn. Tôi nghĩ, cái số của mình nó ăn thua vào con người mình nhiều lắm, không thể nào có chuyện anh lười biếng mà thành công được hết. Trừ khi anh đó trúng số thôi, nhưng trường hợp trúng số thì ít lắm (cười).
Quyên Ly (Chuyện đời)
Tuấn Ngọc cho biết, trên sân khấu anh là người lãng mạn để lấy cảm xúc hát, nhưng ngoài đời anh suy nghĩ rất thực tế.  

Tuấn Ngọc làm đêm nhạc chung với 2 em gái

Lần đầu trên sân khấu TP HCM, Tuấn Ngọc cùng Khánh Hà, Lưu Bích hội ngộ trên sân khấu. Đích thân nam danh ca biên tập chương trình.

Ý tưởng làm đêm nhạc được Tuấn Ngọc ấp ủ từ sau những lần hát chung với Khánh Hà được khán giả trong nước đón nhận nồng nhiệt hồi tháng 5/2012.
hatuanluu-jpg-1357610885_500x0.jpg
Từ trái qua: Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Lưu Bích.
Nam danh ca chia sẻ: "Đã lâu rồi anh em tôi mới có dịp lại hát cùng nhau trên sân khấu, điều đó khiến tôi cảm thấy vừa có chút háo hức, vừa xúc động. Hát cùng gia đình bao giờ cũng là vui nhất. Dù mỗi người đều bận rộn với lịch diễn khác nhau, ai cũng đều cố gắng sắp xếp để về tham dự". Ca sĩ Khánh Hà từng bày tỏ vui rằng nhiều lúc cô ước gì Tuấn Ngọc không phải anh trai để được phiêu hơn khi kết hợp hát tình ca. 
Tuấn Ngọc là người biên tập kiêm vai trò người dẫn chuyện cho chương trình này. Anh nói, dù chỉ là một đêm diễn phòng trà, các tiết mục phải được kết nối chặt chẽ để đáp lại tình cảm của người nghe. Ngoài những ca khúc gắn liền với tên tuổi của từng người, chương trình còn được dàn dựng với những ca khúc song ca, hợp ca. Khánh Hà và Lưu Bích sẽ hát lại ca khúc Lòng mẹ từng được họ biểu diễn thành công trên sân khấu hải ngoại. Nhạc sĩ Hoài Sa sẽ là người đệm đàn trong suốt chương trình.
Đêm hội ngộ của Tuấn Ngọc, Khánh Hà và Lưu Bích với khán giả TP HCM diễn ra từ 10-12/1 tại phòng trà We, TP HCM. Đến với đêm nhạc, khán giả sẽ được trò chuyện với các ca sĩ, cũng như có cơ hội để lắng nghe những câu chuyện nhỏ gắn liền sự nghiệp ca hát của họ.
Trung Sơn

3 nam danh ca hải ngoại hát nhớ thập niên 70

Tuấn Ngọc, Anh Khoa và Đức Huy hội ngộ trên sân khấu để đệm đàn và hát cùng nhau.
Đêm nhạc kỷ niệm 3 năm thành lập phòng trà We tôn vinh 3 giọng hát nam trữ tình thành danh từ trong nước ra hải ngoại. Đây vốn là những giọng ca chủ lực cho các phòng trà nghe nhạc Sài Gòn xưa. Mời cả Tuấn Ngọc, Anh Khoa và Đức Huy vào một đêm nhạc, địa chỉ văn hóa này muốn dựng lại không gian quen thuộc cho khán giả.
Đức Huy chia sẻ: "Chuyện kết hợp lần này khiến tôi rất thích thú vì đã lâu rồi không gặp gỡ, không chia sẻ sân khấu cùng những người bạn cũ. Ba anh em sẽ tự đệm đàn và hát, mang đến những ca khúc quen thuộc như Và tôi cũng yêu em, cùng các bài kinh điển của Lobo, Beatles - dòng nhạc nổi tiếng thập niên 60-70".
nam-ca-si-jpg-1364887704_500x0.jpg
Từ trái qua: Anh Khoa, Đức Huy, Tuấn Ngọc.
Ca sĩ Anh Khoa, người vừa được cấp phép biểu diễn trong đợt về nước ăn Tết vừa rồi, hào hứng nhận lời khi được đích thân Tuấn Ngọc mời. "Tuấn Ngọc là bạn đồng nghiệp cùng thời với tôi. Chúng tôi từng kết hợp với nhau trong các chương trình ca nhạc nước ngoài nên tôi lấy làm hạnh phúc khi hội ngộ cùng anh trên sân khấu quê nhà. Đây là cơ hội ôn lại kỷ niệm xưa cũ, cùng nhau cống hiến cho khán giả một đêm nhạc thật sự của một thời hoàng kim".
Ngoài các bài hát chung, mỗi người sẽ tự thể hiện các ca khúc gắn liền tên tuổi của mình. Tuấn Ngọc hát Riêng một góc trời, Khúc Thụy Du... những bài hát mà mỗi lần xuất hiện, khán giả chưa bao giờ ngừng yêu cầu. Đức Huy mang đến những sáng tác của anh được yêu mến Bay đi cánh chim biển, Để quên con tim, Yêu em dài lâu... Trong khi đó, Anh Khoa sẽ thể hiện khả năng hát nhạc ngoại từng khiến anh trở thành giọng hát đặc trưng với thế hệ khán giả ngày trước. Love story, How do I stop loving you... cũng là các ca khúc đã đánh dấu bước đi đầu tiên của Anh Khoa vào con đường ca hát.
Trung Sơn

Tuấn Ngọc: ‘Lấy vợ là để giữ, không phải để thay đổi’

Nam ca sĩ nổi tiếng hải ngoại có cuộc hôn nhân bình an và hạnh phúc với Thái Thảo - con gái nhạc sĩ Phạm Duy. Nhiều phụ nữ hâm mộ nhưng Tuấn Ngọc chung quan niệm với tài tử Mỹ Paul Newman: “Tại sao phải ra ngoài tìm hamburger khi đã có bít tết ở nhà?”.

Tuấn Ngọc
Tuấn Ngọc sinh năm 1948 trong một gia đình nghệ sĩ. Cha của Tuấn Ngọc là nghệ sĩ Lữ Liên, thành viên ban nhạc hài ATV. Các anh chị em của Tuấn Ngọc đều là những ca sĩ tên tuổi: Bích Chiêu, Anh Tú, Khánh Hà, Thúy Anh, Lan Anh, Lưu Bích.
- Từ cái tên Lữ Anh Tuấn, điều gì khiến anh quyết định đổi thành Tuấn Ngọc?
  Tôi sinh ra ở thành phố Đà Lạt và hát trên đài phát thanh Đà Lạt với tên thật của tôi từ năm 4 tuổi. Năm 6 tuổi, gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn. Lúc đó Sài Gòn có một diễn viên kịch tên là Anh Tuấn nên bố tôi quyết định đặt cho tôi nghệ danh Tuấn Ngọc. Tôi cám ơn bố về điều này. Cái tên Tuấn Ngọc đã theo tôi hơn 50 năm nay và tôi rất yêu thích nó.
- 4 tuổi bắt đầu đi hát, 13 tuổi theo chân các nghệ sĩ biểu diễn ở những câu lạc bộ, việc vào nghề quá sớm khiến anh thấy mình được - mất những gì?
  Đối với tôi, hát là hạnh phúc. Tôi chưa bao giờ thấy mất mát hay thiếu thốn gì cả. Ngược lại, tôi còn thấy mình quá may mắn. Nếu có phép màu quay ngược thời gian, trở về điểm xuất phát, chắc tôi vẫn chọn ca hát. Tôi chẳng thích làm gì ngoài nghề này.
- Cuối những năm 1960, anh nổi tiếng với những ca khúc tiếng Anh nhưng khi sang Mỹ, anh lại chuyển sang hát nhạc phẩm trữ tình. Vì đâu anh có lựa chọn này?
Tuấn Ngọc  Hồi tôi còn trẻ, kỹ thuật hòa âm, phối khí của nhạc Việt Nam rất kém nên tôi chọn nhạc Mỹ. Khi sang Mỹ tôi lại quay trở về nhạc Việt Nam vì lúc ấy, âm nhạc Việt Nam đã tiến xa. Dù sao, tôi cũng là một người Việt Nam.
- Những bài hát anh thể hiện chủ yếu là về thân phận tình yêu, thân phận con người. Khi tuổi đời ngày càng nhiều, sự trải nghiệm ngày càng dày, cách hát của anh biến chuyển thế nào?
- Lẽ dĩ nhiên, cảm xúc của một cậu bé phải thay đổi ít nhiều khi trở thành một thanh niên, rồi là một người đàn ông từng trải. Mặc dầu cảm xúc là thứ rất cần thiết cho một nghệ sĩ ở bất cứ độ tuổi nào, vẫn cần đặt nó đúng chỗ và hợp lý. Tình cảm của tôi bây giờ chín chắn hơn hồi trẻ, kỹ thuật hát cũng vậy. Có điều, người ca sĩ rất cần đầu óc thẩm mỹ để diễn tả bài hát của mình.
Với giọng ca và cách diễn tả đặc biệt, anh nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn cũng như sự hâm mộ của công chúng yêu nhạc. Những nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng... nhận xét rằng giọng ca Tuấn Ngọc rất thích hợp với những sáng tác của họ. Trịnh Công Sơn cũng xem Tuấn Ngọc là giọng ca nam hát những nhạc phẩm của ông thành công nhất.
- Điều gì khiến anh luôn trung thành với dòng nhạc này?
  Đây là dòng nhạc mà tôi đã nghe suốt cuộc đời tôi, từ khi tôi ý thức được thế nào là nhạc. Theo tôi, một bài hát hay phải có giá trị cao về nhạc và lời hát, chạm đến tâm hồn người nghe. Nhạc tình của người Việt phần lớn buồn nhiều hơn vui. Tôi chỉ cố gắng diễn tả lại một cách trung thực ý nghĩa của bài hát. Dĩ nhiên là tôi không thích buồn đâu, nhất là ở tuổi tôi bây giờ.
- Được xem như tượng đài của nền tân nhạc Việt Nam, xây dựng lên cả một trường phái làm ảnh hưởng tới không ít ca sĩ như Nguyên Khang, Trần Thái Hòa, Quang Dũng, Xuân Phú..., anh đánh giá thế nào về những gì mình đã làm?
  Trong mọi lĩnh vực hoạt động, kể cả nghệ thuật, chẳng có ai không chịu ảnh hưởng ít nhiều của những người đi trước. Nếu điều này không xảy ra với tôi thì cũng sẽ đến với một nghệ sĩ khác. Riêng cá nhân tôi, mỗi ngày tôi vẫn phải tự tìm kiếm và học hỏi về âm nhạc. Càng học lại thấy mình cần phải học nhiều hơn nữa - thành ra tôi chẳng muốn đánh giá gì về tôi cả. Tôi chỉ là kẻ may mắn mà thôi.
- Tuấn Ngọc thường hát một mình và cảm giác khi anh hát một mình, sự diễn tả cũng như giọng hát của anh điêu luyện hơn, làm khán giả say hơn. Lần này về nước tham gia chương trình Không gian âm nhạc, anh chuẩn bị thế nào cho sự kết hợp với giọng ca Nguyên Thảo?
  Tôi và Nguyên Thảo sẽ song ca cùng nhau trong đêm nhạc “Cỏ hồng” diễn ra tối 28-29/5 ở Hà Nội. Tôi thực sự chưa hát cùng cô ấy bao giờ và điều mà tôi đang chờ đợi chính là phần biên tập âm nhạc sẽ sắp xếp tôi và Thảo trong một không gian âm nhạc như thế nào. Điểm chung duy nhất giữa tôi và Thảo là cùng sinh ra ở thành phố sương mù, nên hy vọng sẽ dễ tìm được tiếng nói chung. Tất nhiên là chương trình nào cũng cần một thời gian tập luyện nghiêm túc để chuẩn bị cho ngày trình diễn. Cả hai chúng tôi cùng ban nhạc sẽ phải nỗ lực hết mình để có thể mang tới cho khán giả những gì mà họ đang mong đợi. 
Tuấn Ngọc bén duyên với Thái Thảo khi gặp nhau tại một phòng trà vào năm 1991. Từng có tin đồn hai người chia tay nhưng Tuấn Ngọc cho biết, tình cảm của anh và vợ rất bền vững.
- Ngoài hát, anh còn là MC khá duyên trong các chương trình của mình. Với “Cỏ hồng”, anh có định gây bất ngờ cho khán giả Hà Nội bằng điều này không?
  Tôi làm MC chỉ vì hoàn cảnh thôi. Tôi không nghĩ mình là một MC duyên dáng - lý do là tôi chỉ nói khi tôi thích nói, và im khi thích im. Bởi vậy mà tôi đi hát. Tôi mong rằng trong hai đêm trình diễn ở Hà Nội sắp tới, tôi và khán giả sẽ đến với nhau trong một không gian thân mật và ấm cúng. Và tôi sẽ hát với tất cả khả năng của tôi, bằng những bài hát đã mang tôi đến gần họ. Chỉ vậy thôi.
- Trước “Cỏ hồng” ở Hà Nội, anh có hai đêm nhạc ở TP HCM. Vì sao vợ anh - ca sĩ Thái Thảo - không về nước tham dự những hoạt động này?
  Vợ tôi cũng rất muốn nhưng cô ấy đang bận việc gia đình. Dù không có mặt Thái Thảo, tôi vẫn có cảm giác cô ấy luôn ở bên cạnh động viên mình. Khi trở về nhà, tôi sẽ kể với cô ấy về những đêm nhạc đáng nhớ tôi đã có ở Việt Nam - đó sẽ là một trong những kỷ niệm lớn của chúng tôi.
- Hàng triệu người phụ nữ say mê anh, làm sao anh vẫn giữ mãi được tình yêu với một người?
   Tôi không biết có hàng triệu phụ nữ say mê tôi thật hay không, vấn đề là tôi lấy vợ để giữ chứ không phải để thay đổi. Câu hỏi này làm tôi nhớ đến cố tài tử người Mỹ Paul Newman. Khi gặp tình huống tương tự, ông ấy đã nói nguyên văn như sau: “Why fool around with hamburger when you have steak at home?” (Tại sao phải ra ngoài tìm hamburger khi đã có bít tết ở nhà).
- Để có một Tuấn Ngọc danh tiếng, vợ anh phải hy sinh rất nhiều sự nghiệp của mình. Anh thấy cô ấy đã hậu thuẫn gì cho mình?
  Anh Trịnh Công Sơn đã nói, anh chỉ là một kẻ hát rong. Tôi nghĩ tất cả ca sĩ đều là những kẻ hát rong. Đối với tôi, trong cuộc đời này, tài năng chẳng phải cái đáng nói tới nhiều. Núi cao thì có núi cao hơn. Tôi chỉ là anh hát rong may mắn được nhiều người thương mến. Và tôi cho rằng, vợ tôi cũng nghĩ như vậy thôi.
Xin nhắc lại một câu rất cũ: Sau thành công của người đàn ông là hình bóng người đàn bà.
Ngọc Trần thực hiện

Thái Thảo - vợ ca sĩ Tuấn Ngọc, vui trong an phận

bnvSở hữu ngoại hình đẹp, giọng ca truyền cảm và một "điểm tựa" dễ bật - là thành viên của gia đình Phạm Duy, Duy Quang, Thái Hiền..., nhưng nửa đường ca hát, Thái Thảo tự nguyện lui về làm hậu phương cho sự nghiệp của chồng, ca sĩ Tuấn Ngọc. Chị tâm sự về cảm xúc của một nghệ sĩ ở vị trí... "hậu trường".
- Đứng giữa ngưỡng của một người vợ phải tất bật vun vén cho hạnh phúc gia đình và một người nghệ sĩ với sự lộng lẫy của ánh đèn sân khấu, tình cảm của khán giả, chị cảm nhận điều gì?
- Ông trời không cho con người ta tất cả. Tôi hiểu được điều ấy và thấy rằng hạnh phúc của mình là chấp nhận cái đang có. Tôi ít khi đặt mình trong vị trí của ánh sáng sân khấu nên là không bao giờ cảm thấy stress cả. Nếu có ít hơn những gì đã có trong nhiều năm đi hát, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc.
Tất nhiên, tôi không tự phụ với bản thân vì bước lùi của mình không phải là vào bóng tối mà bước vào một ánh sáng khác, đó chính là hạnh phúc gia đình.
- Khi đã tự nhận là yên phận với vai trò người phụ nữ của gia đình, chị nghĩ gì về nghề hát?
  Nghề nào cũng cần phải có sự tranh đấu và nhất là trong nghề ca hát thì chuyện này càng khó khăn hơn. Đã là ca sĩ thì không thể chân trong chân ngoài mà phải thực sự sống chết với nghề thì sự nghiệp mới có những bước chuyển. Sự quyết tâm, mãnh liệt là vô cùng cần với một ca sĩ.
Hiện nay, tôi không còn nghĩ mình là ca sĩ tên tuổi bước ra đi hát mà dành nhiều thời gian cho chồng, con. Lên sân khấu hát nếu có chỉ là để góp thêm "màu sắc" cho cuộc sống của mình. Anh Tuấn (tên thật của ca sĩ Tuấn Ngọc) hoạt động nhiều thì tôi rút lui, đó là lý do chính, nhưng có lẽ mình cũng đã qua thời gian hoạt động hăng hái rồi.
- Chị cũng là một nghệ sĩ được yêu mến, khi đứng cạnh những thành công vang dội hơn của bố, anh, chị, chồng... thì cảm giác thế nào?
- Không phải là nghệ sĩ nổi tiếng mới hạnh phúc. Nhiều người đã hỏi tôi rằng có bố, anh, chị và chồng là người nổi tiếng cùng nghề tôi có tủi thân không? Thật lòng tôi không bao giờ cảm thấy như thế mà ngược lại thấy mình được quá nhiều vì niềm tự hào trước những thành công của họ.
Nghề nào cũng thế, có người trong gia đình tài giỏi, được nhiều người quý mến là một điều vô cùng đáng quý. Cho dù anh Tuấn không là ca sĩ mà là một người thợ điện giỏi được cả xóm yêu quý tôi vẫn cảm thấy rất vui.
- Riêng phương diện làm phu nhân của một giọng ca được coi là đậm chất "si tình", nhiều fan nữ, chị thấy sao?
l  Dĩ nhiên nghề nào cũng có cám dỗ, đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật. Anh Tuấn là người của đám đông và mình là người đứng phía sau thì buộc phải có lòng tin. Nó được xây dựng từ nền tảng của những ngày bắt đầu lập gia đình, chính tình cảm và sự chu đáo của anh ấy luôn cho tôi niềm tin.
Người nghệ sĩ có tài thì có tật mà. Nhưng đối với tôi, đã tin thì rất thoải mái. Lúc nào mình cũng lo chồng đang làm gì với ai ở đâu thì chắc chắn sẽ rất khổ. Tôi may mắn có lòng tin thế chỗ cho những chuyện đó.
Cặp song ca ăn ý Tuấn Ngọc - Thái Thảo.
- Chị từng tâm sự Tuấn Ngọc cũng chính là thần tượng của mình. Lấy chồng là thần tượng thì sướng hay khổ?
  Anh Tuấn lớn hơn tôi đến 14 tuổi. Tôi cũng từng là một fan của anh ấy, từ hát cùng, đến yêu và lập gia đình..., 2 đứa trải qua cả một quãng thời gian dài. Với tôi, chắc bạn cũng cảm nhận được, hát cùng thần tượng là cái "sướng" đầu tiên, yêu lại là cái "sướng" thứ hai và người ấy lại trở thành người đàn ông của đời mình thì hạnh phúc gấp mấy lần.
Đó là tôi đùa với bạn về cảm giác của một cô gái khi yêu cách đây mấy mươi năm thôi (cười). Thật ra, với tôi, anh Tuấn chính là người đàn ông giản dị nhất và không bao giờ cho mình cảm giác xa cách, dù tôi luôn xem anh ấy vẫn là thần tượng, cả trong âm nhạc và cuộc sống.
- Nếu bây giờ trở lại những ngày đầu, được "chồng bảo" hãy bắt đầu tạo dựng tên tuổi trong nghề hát, chị nghĩ thế nào?
  Tôi cũng không biết được, nhưng tôi cảm thấy mình là mẫu người tương đối an phận, không vòi cao quá. Đi hát là máu trong người, một phần cũng do truyền thống của gia đình đưa đẩy, nhưng tính tôi rất hay mắc cỡ. Ra sân khấu là mắc cỡ, nói chuyện trước đám đông cũng mắc cỡ. Có lẽ vị trí đúng của mình là người phụ nữ trong gia đình.
Tuy nhiên, tôi cảm thấy mình là một người khá may mắn. Đã tạm khép mình với ánh đèn sân khấu nhưng thỉnh thoảng cũng được "chiếu sáng" khi máu nghệ sĩ trỗi dậy. Thỉnh thoảng cũng hát cùng anh Tuấn trong những chương trình được yêu cầu. Với tôi, hát cùng, làm cố vấn hay khán giả của anh ấy đều là niềm vui.
Q.T. thực hiện

Tuấn Ngọc cho biết, trên sân khấu anh là người lãng mạn để lấy cảm xúc hát, nhưng ngoài đời anh suy nghĩ rất thực tế.

- Một ngày bình thường của anh bắt đầu thế nào?
  Tôi chỉ thích một chút thể thao như đánh tennis, đi ra biển chơi. Thời gian nghiên cứu về âm nhạc chiếm hầu hết. Tôi bận lắm, không có thì giờ làm những việc khác. Âm nhạc luôn thay đổi nên mình không thể đứng yên. Ngoài ra, tôi còn cần học cách trình diễn nữa.
- Anh được xem như một tượng đài của dòng nhạc trữ tình, vậy anh còn học hỏi ai?
  Tôi chỉ nghe nhạc Mỹ. Từ nhỏ tôi đã nghe các ca sĩ Mỹ vì tôi quan niệm, âm nhạc gốc là từ Mỹ châu, Âu châu. Cái khó khăn nhất của người nghệ sĩ là sau khi học hỏi, bạn phải tìm hướng đi riêng cho mình.
- Bố anh là nghệ sĩ Lữ Liên nổi tiếng. Anh thừa hưởng gì từ ông?
  Âm nhạc của hai bố con khác nhau nên tôi cũng không ảnh hưởng gì từ bố, dù ông là người dẫn tôi vào con đường âm nhạc. 5 tuổi, ông đã đưa tôi lên đài phát thanh hát. Tôi bước vào thế giới âm nhạc nhờ bố, nhưng những gì tôi biết bây giờ đều là tự học hết. Cái gì mình thấy đúng thì mới theo. Nghĩ lại tôi thấy, bố mẹ người Việt không hay nói chuyện với con cái. Khi nào mình làm trái ý các cụ thì mình bị la, bị đánh, còn ít khi nào được ngồi nói chuyện, bảo ban.
Bố mẹ tôi đều có tính khôi hài nên con cái cũng ảnh hưởng ít nhiều. Tôi nghĩ chúng ta nên có nụ cười, vì bản chất cuộc đời là buồn. Mình vui được phút nào là quý phút đó.
- Điều đó di truyền tới các con anh ra sao?
  Sống trong một gia đình thì chuyện ảnh hưởng là đương nhiên. Nhiều khi không cần dạy nhưng mình là cái gương, con cái nhìn vào đó mà theo. Con cái tôi cũng thích sự khôi hài. Tôi sợ khô khan lắm.
- Anh có ba con gái. Đàn ông Việt thường thích con trai, còn anh thế nào?
  Tôi chẳng là gì để cần nối dõi tông đường. Tôi nhớ Đức Phật có câu: "Tu 7 kiếp mới thành đàn ông", nhưng tôi thấy rất nhiều người đàn ông mà nếu phải tu 7 kiếp để thành như họ thì tôi nguyện làm đàn bà hơn. Con trai, con gái đều dễ thương. Hồi trẻ, có thể mình nghĩ có con cho vui nhưng đến tuổi này tôi lại nghĩ, không có con là điều tốt hơn.
- Nói vậy nhiều người dễ nghĩ anh không thương con. Anh giải thích sao?
  Tôi rất thương con tôi, hơn tất cả mọi thứ. Nhưng tôi cũng khuyên các con tôi không nên có con.
Tuấn Ngọc và vợ - ca sĩ Thái Thảo, con gái nhạc sĩ Phạm Duy.
Tuấn Ngọc và vợ - ca sĩ Thái Thảo, con gái nhạc sĩ Phạm Duy.
- Vì sao anh có suy nghĩ lạ lùng như vậy?
  Càng sống, tôi càng thấy sự tồn tại của mình trên trái đất này không giúp ích gì ai hết. Ngược lại, mỗi chúng ta đang góp phần tàn phá trái đất.
- Nhưng anh đem đến niềm vui cho khán giả. Đó là gì nếu không phải là một sự có ích?
  Tôi được khán giả yêu mến - đó là điều may mắn cho tôi, nhưng thực ra tôi thấy mình cũng chẳng là cái gì. Nó chỉ an ủi tôi rằng, ít ra tôi không tồi tệ cho lắm.
- Nghĩ như thế, có khi nào anh buông xuôi cuộc đời?
  Không. Vì sống trên cuộc đời này đâu dễ dàng gì. Lúc nào cũng phải cố gắng, nhất là khi bạn đã có gia đình. Với tôi, không gì quan trọng trên đời bằng gia đình, thành ra khi mình dám nhận trách nhiệm một người chủ gia đình thì mọi gánh vác không hề nhỏ. Nhất là khi bạn có con. Có con là mình phải lo cho nó suốt đời chứ không phải tới tuổi 18 như luật Mỹ. Đó là cái khổ. Mà tôi không muốn con tôi khổ nên tôi xui nó đừng có con giống tôi.
- Phản ứng của con anh khi nghe lời khuyên này?
  Con gái đầu tiên đã theo ý tôi rồi. Giờ tôi đang lo dụ hai đứa nhỏ. Các con tôi cứ lấy chồng, cứ yêu để kiếm tìm hạnh phúc. Nhưng đừng có con. Hay nhất là vợ tôi cũng tán thành lời khuyên của tôi.
- Anh có cho rằng như thế, con gái anh hơi ích kỷ với người đàn ông của cô ấy?
  Không có con cũng tốt cho người đàn ông đó luôn. Như thế anh ta đỡ trách nhiệm. Người ta nói con là nợ mà.
- Tôi lại nhớ người Việt chúng ta nói “con cái là của để dành”. Anh đã lường trước đến việc, khi anh không còn đồng hành cùng con trên cuộc đời này, con cái anh sẽ không ai chăm sóc lúc tuổi già xế bóng?
  Như thế còn sướng hơn là có con mà con không lo cho mình. Mà điều đó thì xảy ra rất nhiều. Nếu con tôi không nghe lời tôi mà sinh con, tôi cũng yêu cháu. Tôi chỉ khuyên chứ không phản đối. Đối với tôi, con người hơn thú vật ở sự tự do. Tôi tôn trọng tự do của mỗi người. Nhưng mình có bổn phận của bố mẹ nên mình phải khuyên chúng theo những gì mình cho là đúng.
- Bản thân anh là người có nhiều ảnh hưởng, tại sao anh không kêu gọi mọi người chung tay làm gì đó?
  Tôi không nghĩ tôi là một cái gì để có thể kêu gọi ai. Ngay cả gia đình tôi, nếu tôi kêu gọi con tôi còn chưa biết có được hay không. Tôi chỉ sống và làm những gì tôi nghĩ mình có khả năng thôi. Tôi rất muốn ăn chay nhưng ăn chay không có dễ đâu. Những ngày trình diễn tôi không thể ăn chay vì cần nhiều sức. Vấn đề ăn uống thật khiến người ta bất tiện.
Ngọc Trần ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét