Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Bài thuyết trình 8 triệu lượt xem về chìa khóa của thành công - tác giả Angela Lee Duckworth

Bài thuyết trình “Chìa khóa của thành công?” của tác giả Angela Lee Duckworth trên diễn đàn TED tính tới nay đã thu hút 8 triệu lượt xem.

Bài thuyết trình là sơ lược kết quả nghiên cứu của nhóm cô về yếu tố chung quyết định thành công của nhiều người thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Angela Lee Duckworth hiện là Tiến sĩ Tâm lý học ở ĐH Pennsylvania và đang là giáo sư ở khoa Tâm lý của trường.
Khi tôi 27 tuổi, tôi từ bỏ một công việc yêu cầu rất khắt khe trong ngành tư vấn quản lý để làm một công việc còn đòi hỏi khắt khe hơn: dạy học. Tôi dạy toán lớp 7 ở các trường công của thành phố New York. Và giống như những giáo viên khác, tôi làm các bài kiểm tra, trắc nghiệm. Tôi giao bài tập về nhà, chấm điểm.
Điều khiến tôi ấn tượng là IQ không phải là khác biệt duy nhất giữa những học sinh xuất sắc nhất và những học sinh kém nhất. Một số học sinh xuất sắc nhất của tôi không có chỉ số IQ cao vót. Một số đứa thông minh nhất thì lại không phải là những học sinh xuất sắc nhất. Và điều đó khiến tôi suy nghĩ. Những thứ mà bạn cần học trong môn toán lớp 7, dĩ nhiên là khó: tỷ số, số thập phân, diện tích hình bình hành. Tuy vậy, những kiến thức này không phải là không thể học được. Tôi tin chắc rằng tất cả học sinh của mình đều có thể tiếp thu được những kiến thức này nếu chúng học tập đủ chăm chỉ và đủ lâu.
Sau vài năm dạy học, tôi rút ra kết luận rằng, thứ mà chúng ta cần trong giáo dục là việc học sinh hiểu bài và học tập tốt hơn. Trong giáo dục, có một thứ mà chúng ta có thể đo lường chính xác nhất là IQ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu việc thành công ở trường học và thành công trong cuộc sống phụ thuộc vào một yếu tố khác thay vì khả năng học tập nhanh và dễ dàng?
Vì thế tôi đã rời bục giảng để học tập và trở thành một nhà tâm lý học. Tôi bắt đầu nghiên cứu cả những đứa trẻ và người lớn đang học tập và làm việc ở những nơi thách thức nhất. Và trong mọi nghiên cứu, câu hỏi của tôi là ai là người thành công ở đây và tại sao.
Nhóm nghiên cứu của tôi đã tới Học viện Quân đội West Point. Chúng tôi cố gắng đoán xem học viên nào sẽ theo học đến cùng và học viên nào sẽ bỏ giữa chừng. Chúng tôi tới National Spelling Bee và thử đoán xem đứa trẻ nào sẽ tiến xa nhất trong cuộc thi. Chúng tôi tìm hiểu những giáo viên trẻ đang làm việc ở những khu vực khó khăn, hỏi xem giáo viên nào tiếp tục dạy cho đến cuối năm học, và ai là người làm việc hiệu quả nhất? Chúng tôi hợp tác với các công ty tư nhân, khảo sát xem những nhân viên bán hàng nào gắn bó với công việc, ai là người có thu nhập cao nhất?
Và điểm chung của những người thành công trong tất cả những công việc này không phải là IQ, không phải là ngoại hình đẹp, không phải là thể chất hay khả năng hoạt động xã hội, mà là sự bền bỉ.
Sự bền bỉ là niềm đam mê, là tính kiên trì với những mục tiêu dài hạn. Bền bỉ là sức chịu đựng. Bền bỉ là gắn bó với công việc, không phải tính theo tuần, tháng, mà là năm. Bền bỉ là làm việc chăm chỉ để biến tương lai trở thành sự thật. Bền bỉ là sống một cuộc đời giống như một cuộc chạy marathon, chứ không phải là chạy nước rút.
Cách đây vài năm, tôi bắt đầu nghiên cứu về sự bền bỉ trong các trường công của Chicago. Tôi đã hỏi hàng ngàn học sinh trung học để xác định sự bền bỉ của họ, sau đó đợi hơn 1 năm sau để xem ai sẽ tốt nghiệp.
Với tôi, điều gây “sốc” nhất là việc chúng ta biết quá ít về nó, khoa học biết quá ít về nó và cách để phát triển đức tính này. Hằng ngày, các bậc phụ huynh và giáo viên hỏi tôi rằng “Tôi phải làm gì để phát triển tính cách này ở trẻ?”. Câu trả lời thành thật là, tôi không biết. (Cười)
Điều mà tôi biết chắc chắn là tài năng không giúp bạn thành người bền bỉ. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy rất rõ rằng có nhiều cá nhân tài năng không đủ kiên trì thực hiện những cam kết của mình. Thực tế, theo dữ liệu của chúng tôi, tính bền bỉ thường không liên quan hoặc thậm chí trái ngược với mức độ tài năng.
Cho đến nay, ý tưởng hay nhất mà tôi từng nghe về việc xây dựng tính bền bỉ ở trẻ nhỏ là cái gọi là “tư duy trưởng thành” (growth mindset) - một ý tưởng được phát triển ở ĐH Stanford bởi Carol Dweck và đó chính là niềm tin khẳng định rằng khả năng học tập là không giới hạn, rằng nó có thể thay đổi nhờ nỗ lực của bạn.
Tiến sĩ Dweck đã chỉ ra rằng khi trẻ đọc và học về bộ não và cách mà nó thay đổi, phát triển để đáp ứng những đòi hỏi, trẻ sẽ kiên trì hơn nếu chúng thất bại, bởi vì chúng không tin rằng thất bại là một tình trạng vĩnh viễn.
Vì thế “tư duy trưởng thành” là một ý tưởng hay để xây dựng tính bền bỉ. Nhưng chúng ta cần nhiều hơn thế. Đó là việc mà chúng ta phải làm. Chúng ta cần đưa ra những ý tưởng hay nhất của mình, những trực giác mạnh nhất của mình và chúng ta cần kiểm tra chúng. Chúng ta cần phải biết mình có thành công hay không, có sẵn sàng thất bại hay sai lầm hay không để bắt đầu lại với những bài học được rút ra.
Nói cách khác, chúng ta cần bền bỉ trong việc giúp trẻ xây dựng tính cách bền bỉ.
  • Nguyễn Thảo(Theo TED)
  • Thành tựu ấn tượng của nữ GS thuyết trình về thành công

  • Tác giả bài thuyết trình "Chìa khóa của thành công" gây ấn tượng trên diễn đàn TED là Angela Lee Duckworth (sinh năm 1970) - một nhà tâm lý học người Mỹ gốc Trung.
    Angela Lee Duckworth, chìa khóa thành công, người thành công
    Angela Lee Duckworth sinh năm 1970 - một nhà tâm lý học người Mỹ gốc Trung

  • Duckworth tốt nghiệp cử nhân ngành Sinh học thần kinh, ĐH Harvard năm 1992, lấy bằng Thạc sĩ ĐH Oxford năm 1996, sau đó là bằng Tiến sĩ Tâm lý, ĐH Pennsylvania năm 2006.
    Sau khi tốt nghiệp đại học, Duckworth từng làm công việc tư vấn quản lý ở công ty tư vấn McKinsey, sau đó là giáo viên dạy toán ở San Francisco, Philadelphia, New York. Sau 5 năm gắn bó với nghiệp giảng dạy, bà quay lại trường đại học để hoàn thành bằng Tiến sĩ Tâm lý, ĐH Pennsylvania – nơi mà bà hiện đang là giáo sư khoa Tâm lý học.
    Lĩnh vực nghiên cứu của bà là: tâm lý phát triển, sự khác biệt cá nhân và gien hành vi, tâm lý tích cực. Trong đó bà tập trung vào 2 vấn đề nghiên cứu cụ thể là tính bền bỉ - xu hướng duy trì mối quan tâm và nỗ lực hướng tới những mục tiêu dài hạn và sự tự kiểm soát – các quy định về hành vi, cảm xúc mang tính tự nguyện.
    Tại ĐH Pennsylvania, bà Duckworth nghiên cứu về hai khái niệm này để xác định xem chúng tác động như thế nào tới thành tích học tập và thành công trong sự nghiệp sau này.
    Angela Lee Duckworth, chìa khóa thành công, người thành côngĐối tượng nghiên cứu của bà rất đa dạng, từ học sinh tới các học viên của Học viện West Point danh tiếng, các nhân viên kinh doanh. Nghiên cứu của bà khẳng định rằng “sự kiên trì, bền chí mới là chìa khóa của thành công, thay vì chỉ số IQ hay thu nhập gia đình”.
    Năm 2013, bà giành giải thưởng MacArthur Fellowship – hay còn gọi là “Genius Grant”, một giải thưởng được trao thường niên bởi Qũy John D. và Catherine T. MacArthur, thường là cho các cá nhân từ 20-30 tuổi.
    Đối tượng trao giải của Qũy này là những cá nhân làm việc trong bất cứ lĩnh vực nào, những người cho thấy “những cống hiến và tính độc đáo phi thường trong các hoạt động sáng tạo của mình, một năng lực đáng kể cho sự tự định hướng, và là công dân đang định cư ở Mỹ”.
    Người nhận giải MacArthur được tặng số tiền 625.000 đô la. Số tiền này được trao trong vòng 5 năm. Giải thưởng MacArthur được đánh giá là “một trong những giải thưởng cao quý nhất mà không có bất cứ ràng buộc nào”.
  • Duckworth nhận giải thưởng MacArthur năm 43 tuổi nhờ những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực của mình
  • Ngoài ra, bà Duckworth có nhiều bài báo xuất hiện trên các ấn phẩm như PNAS, Tạp chí Tâm lý giáo dục, Tạp chí Khoa học giáo dục và Tạp chí Tính cách và Tâm lý xã hội.
    Tổng số trích dẫn các công bố quốc tế của bà là 6789, nếu tính từ năm 2011 đến nay là 5920. Chỉ số h-index của bà là 29 (chỉ số đánh giá tính hiệu quả và mức độ tác động của nghiên cứu), trong khi chỉ số i10-index của bà là 50 (số lượng ấn phẩm học thuật có ít nhất 10 trích dẫn được xác nhận bởi công cụ Google Scholar).
    Cuốn sách đầu tiên của Duckworth có tên “Grit: The Power of Passion and Perseverance” (tạm dịch: Tính bền bỉ: Sức mạnh của đam mê và kiên trì), sẽ được xuất bản vào tháng 5/2016.
    • Nguyễn Thảo (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét