Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Chuyện lượm lặt thú vị về xã hội ở Việt Nam

Hà Nội: Hai phụ nữ “cố thủ” trên cây để phản đối chặt cây

(Dân trí) - Khi lực lượng chức năng đưa phương tiện, máy móc đến chặt cây trước cửa nhà số 64 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), 2 người phụ nữ trong ngôi nhà này đã phản đối bằng cách mang bánh mỳ, nước lọc leo lên cây “cố thủ”.

Hai người phụ nữ cố thủ một cách khá... thoải mái trên cây.Vụ việc bắt đầu vào khoảng 8h40 sáng nay, 8/10, tại khu vực trước cửa nhà số 64 Nguyễn Văn Cừ (hướng từ nội thành sang Gia Lâm). Thời điểm trên, đoạn đường này bất ngờ bị tắc nghẽn. Đội CSGT số 5 và Công an phường Bồ Đề đã có mặt tại hiện trường, giải tỏa giao thông, xác định nguyên nhân vụ việc.
Hai người phụ nữ "cố thủ" một cách khá... thoải mái trên cây.
Theo đó, hai phụ nữ ở số nhà 64 Nguyễn Văn Cừ phản đối lực lượng chức năng chặt câu muỗng trước cửa nhà mình nên đã có hành động kỳ quặc là trèo lên cây muỗng, ngồi vắt vẻo, nhai bánh mì và uống nước lọc.
Qua tìm hiểu được biết, sáng nay, các đơn vị chức năng quận Long Biên tiến hành chặt bỏ những cây xanh có dấu hiệu mục ruỗng và tiềm ẩn nguy cơ gẫy cành, bật gốc vào mùa mưa bão trên phố Nguyễn Văn Cừ. Sau khi chặt bỏ một số cây trên đường Nguyễn Văn Cừ, lực lượng chức năng đưa phương tiện máy móc đến trước cửa số nhà 64 thì vấp phải sự phản đối của một số người dân.
Vắt vẻo.
Vắt vẻo.
Thản nhiên ăn bánh mỳ lấy sức.Trong đó, hai người phụ nữ, một mặc bộ đồ xanh, một mặc bộ đồ màu đỏ, bất ngờ trèo thoăn thoắt lên cành cây cao, ngồi vắt vẻo, “cố thủ” trên đó. Để tỏ rõ quyết tâm không cho chặt cây, hai người phụ nữ này còn mang theo bánh mỳ và nước lọc để ăn uống luôn trên cây, bất chấp sự hiếu kỳ của người đi đường.
Theo quan sát của chúng tôi, cây muỗng trước cửa nhà số 64 còn khá xanh tốt, đang ra nhiều lá non.
Thản nhiên ăn bánh mỳ "lấy sức".
Đến khoảng 11h30' cùng ngày, khi lực lượng chức năng rút khỏi hiện trường, hai người phụ nữ này đã tự động trèo xuống.
Tiến Nguyên

Đòi xét nghiệm ADN... bò vì tranh chấp

Hai ông già, vốn là láng giềng thân thiết nhưng nay lại tranh chấp nhau, đòi xét nghiệm ADN cho một con bò.
Nhiều năm qua, khu đất hoang hóa thuộc sở hữu của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng trở thành điểm chăn thả gia súc của 9 hộ dân ở Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Trong số đó, có hộ ông Nguyễn Văn Phẩm và Trần Văn Toan (cùng ở khối phố Đà Sơn).
Vào giữa tháng 4, Ban Tư pháp và Công an phường Hòa Khánh Nam nhận được đơn trình báo của ông Nguyễn Văn Phẩm về việc người hàng xóm là ông Trần Văn Toan đã tự ý chiếm đoạt và xẻ thịt một con bê đực của ông. Ông Phẩm kiện đòi con bê và đòi xét nghiệm ADN để tìm ra con bê chính chủ.
Vào ngày 10/4, khi được thương lái tên Cường ngã giá hời một con bê thịt giá 8,2 triệu đồng, ông Toan đồng ý bán ngay. Ông Toan dắt lái Cường đến nơi chăn thả và chỉ ngay vào một con bê đực rất béo khỏe đang gặm cỏ cùng với đàn bò 6 - 7 con của ông. Đám trẻ chăn bò thấy ông Toan cho lái Cường dắt con bê đực vội chạy lại can ngăn, bảo rằng con bê này là của ông Phẩm. Từ đó, hai ông tranh giành và ông Phẩm kiện ông Toan đã bắt bê của mình. Cũng từ hôm đó, hai ông không thèm nhìn mặt nhau.



Con bò mà ông Phẩm và ông Toan tranh chấp
Ngày 9/5, Ban Tư pháp của UBND phường Hòa Khánh Nam mời 2 ông Phẩm, Toan đến giải quyết. Ông Bùi Trung Khánh, Phó CT UBND phường Hòa Khánh Nam, cùng các đơn vị chức năng đã nỗ lực hòa giải.
Sau cuộc họp, các bên ra biên bản thống nhất đề nghị: "Ông Toan (bị đơn) tạm thôi giữ con bê trong quá trình tranh chấp để chờ hướng xử lý tiếp theo. Còn theo yêu cầu của ông Phẩm (nguyên đơn), sẽ chịu trách nhiệm mời cơ quan chức năng để giám định ADN cho con bò trên, nhằm tìm ra mẹ của nó. Nếu sau khi xét nghiệm ADN, bên nào thua sẽ phải chịu bồi hoàn toàn bộ chi phí làm xét nghiệm, cũng như trả lại con bê cho chủ của nó”.
Nhiều ngày sau đó, ông Phẩm đã huy động các con cháu trong nhà, nhờ cậy khắp nơi để tìm chỗ xét nghiệm ADN cho con bê, nay đã thành con bò lực lưỡng. Về việc này, ông Phẩm cũng chịu không ít lời gièm pha, xì xầm bàn tán của người dân khắp khu Đà Sơn về việc làm có một không hai của ông.
Thế nhưng, trong khi chưa kịp làm ADN cho bò thì vào giữa tháng 9, ông Phẩm nhận được tin là con bò đang tranh chấp lăn đùng ra chết và ông Toan xẻ thịt bán mất. Ngay lập tức, ông Phẩm chạy qua nhà ông Toan giận dữ trách móc và đâm đơn kiện lên phường.
Ngày 24/9, UBND phường Hòa Khánh Nam tổ chức hoà giải nhưng bất thành. Ông Phẩm cho biết sẽ làm đơn kiện đến TAND quận Liên Chiểu. “Cho dù chỉ còn khúc xương bò khô tui cũng đem đi xét nghiệm ADN để lấy lại chút danh dự tuổi già”, ông Phẩm tuyên bố.

Mặc dù vậy, vào giữa tháng 10 vừa qua, hai ông Toan và ông Phẩm đã thỏa thuận chia đôi con bò đã chết, mỗi người một nửa. Ông Phan Châu Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, nói: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi phải xử lý một vụ kiện kỳ cục vì không thể xác định được chủ của tài sản đặc biệt này. Càng bế tắc hơn khi đang tiếp tục hòa giải, thì vật chứng chết. Rồi bị đơn lại tự ý mổ thịt đem bán, gây căng thẳng giữa hai gia đình”.
Theo Dân Việt

Những cái kết bất ngờ vì xét nghiệm ADN

Nghi ngờ cháu nội không phải máu mủ của con mình, ông Bình bí mật lấy mẫu của bố con bé đi xét nghiệm ADN thì kết quả đúng như ông nghĩ. Nhưng kiểm tra máu của cháu và chính ông lại xác nhận quan hệ ông cháu.   
Đây là một trong những trường hợp mà bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (Thụy Khuê, Hà Nội) nhớ mãi.
Lần đầu mang mẫu đến nhờ trung tâm phân tích ADN xác nhận có phải quan hệ cha con không, ông Bình (Ba Đình, Hà Nội) kể, dịp Tết, vợ chồng anh con cả đưa cháu nội về thăm ông bà. Ông thấy lạ vì hễ ôm hay xoa đầu cháu là thằng bé đẩy ra. Sau này, chính nó thủ thỉ "mẹ cháu dặn không được để ai xoa đầu, nhổ tóc hay cắt móng tay". Nghi ngờ thằng bé không phải huyết thống nhà mình nên mẹ nó mới dặn dò thế, ông bàn với vợ tìm cách lấy mẫu của con trai và cháu đem đi xét nghiệm. Kết quả khiến hai ông bà chết lặng: không có quan hệ cha con.
Mất ăn, mất ngủ, ông bà liền gọi điện cho anh con trai thứ hai tên Đức đang làm việc tại TP HCM về kể lại mọi chuyện và bàn cách xem nên làm thế nào. Không hề tỏ ra bất ngờ hay sốc, anh Đức trấn an bố mẹ, thuyết phục bố làm lại xét nghiệm lần nữa, lấy mẫu của chính ông và cháu trai, vì rất có thể có sự nhầm lẫn trong lần trước. Nghe lời con, ông Bình lại đến trung tâm ADN. Và kết quả xác nhận "quan hệ ông - cháu" khiến ông nửa vui nửa ngờ. Ông đến gặp giám đốc và không kìm được tức giận, lớn tiếng cho rằng một trong hai kết quả sai, không thể có chuyện một thằng bé không phải giọt máu của con trai ông lại là cháu nội ông.
"Chúng tôi phải khẳng định với bác ấy rằng cả hai kết quả đều hoàn toàn chính xác, và khuyên nên bình tĩnh về nói chuyện để có được sự hợp tác, chia sẻ trung thực của tất cả người đàn ông trong gia đình, nếu không sẽ xét nghiệm từng người với cháu bé sẽ tìm ra ai là cha của nó", bà Nga kể lại.
Dù không tin những lời này, ông Bình vẫn về hỏi lại anh con trai thứ, còn đòi đi kiện trung tâm ADN. Thấy không thể giấu sự thật, anh Đức mới kể lại, sau vài năm cưới mà không có con, vợ chồng anh cả vào TP HCM nhờ anh dẫn tới một bệnh viện phụ sản làm thụ tinh trong ống nghiệm. Anh đã lo mọi thủ tục và nhờ bác sĩ quen làm sao để anh chính là cha đứa trẻ được sinh ra trong ống nghiệm. Việc này vợ chồng anh cả không biết. Bí mật này anh định giữ kín suốt đời nhưng nay bỗng "bị lộ" vì kết quả ADN. Ông bà Bình mừng mừng tủi tủi, càng thương con, thương cháu và nguyện cùng anh Đức mãi giữ kín bí mật này. 
Bà Nguyễn Thị Nga cho biết, mỗi khách hàng tới đây đều có hoàn cảnh, số phận đặc biệt khiến ngay cả người làm công tác khoa học cũng trăn trở. Với công nghệ phân tích ADN, có những kết quả có thể làm vợ chồng rạn vỡ hay một người đang có tất cả bỗng mất hết khi sự thật giấu kín bị bại lộ, nhưng cũng có kết quả mang lại sự hàn gắn, minh oan cho những người bị hiểu lầm, nghi kỵ. Bên cạnh đó, cũng có kết quả làm chính người trong cuộc, cũng như người thực hiện phân tích phải bất ngờ. "Cuộc sống thực sự quá phong phú và có những điều nằm ngoài tất cả dự đoán người ta có thể nghĩ ra", bà Nga chia sẻ.
Một trong số này là câu chuyện của người đàn ông có đứa con lưỡng tính. Vô tình phát hiện bằng chứng vợ ngoại tình ngay trước thời điểm có con, anh Huy (Bắc Ninh) vô cùng đau khổ và nghi ngờ cậu con trai mình chăm chút yêu thương mấy năm qua không phải là ruột thịt.
Trong tâm trạng ủ ê, anh mang vài sợi tóc của con đi xét nghiệm ADN với mẫu của mình. Hôm nhận kết quả, anh và vị giám đốc đã khẩu chiến, vì phân tích cho thấy hai mẫu có quan hệ bố con, nhưng con anh là một bé gái chứ không phải bé trai. Người thực hiện xét nghiệm cho là có thể anh lấy nhầm mẫu, hoặc ghi sai giới tính con trong bản khai, trong khi anh kiên quyết khẳng định không thể nhầm, nếu sai là do trung tâm. Cuối cùng, vị giám đốc đề xuất người cha đưa đứa con tới trung tâm và lấy mẫu máu trực tiếp của hai bố con để xét nghiệm lại.
"Hôm đứa trẻ tới, tôi đã cảm thấy cháu rất lạ. Bề ngoài, cháu giống như những bé trai khác, và cũng rất nghịch ngợm nhưng hành động của cháu có vẻ thiếu chủ đích - một biểu hiện của những người bị rối loạn hành vi", bà Nga kể lại.
Và kết quả xét nghiệm lần này giống y hệt lần trước: Hai mẫu có quan hệ cha con, và bé có giới tính nữ. Ngay khi đó, mẫu máu của đứa trẻ được đem đi phân tích bệnh và cho thấy cháu mắc hội chứng Klinefelelter. "Bình thường, con trai mang nhiễm sắc thể XY. Em bé này bị bệnh rối loạn nhiễm sắc thể giới tính vì thừa một X, tức mang nhiễm sắc thể XXY. Hầu hết nam giới mắc Klinefelter thường chỉ được chẩn đoán ở tuổi trưởng thành khi thấy xuất hiện các dấu hiệu như vô sinh, vú to, mệt mỏi, khó khăn trong học hành, khoái cảm tình dục dưới mức bình thường…", bà Nga giải thích.
Bà cho biết, ông bố vô cùng đau khổ khi được thông báo tin này. Anh còn hỏi bà những cách nào có thể giúp con. "Cháu sẽ cố gắng làm những điều tốt nhất cho con", là câu cuối cùng người đàn ông nói tại trung tâm. "Có lẽ anh ấy đã quên chuyện vợ ngoại tình, hoặc điều đó không còn đáng bận tâm bằng căn bệnh quá đặc biệt đứa con mình đang mang", giám đốc trung tâm ADN chia sẻ.
Một trường hợp khác cũng khiến bà Nga khó quên là một cặp vợ chồng tới trung tâm xét nghiệm tới 3 lần. Lần đầu, chị vợ đưa hai mẫu tới và cho biết gần đây một phụ nữ bỏ một đứa trẻ mới sinh trước nhà chị. Chồng chị khi ấy đang đi công tác, gọi về thú nhận đó là con anh, kết quả của một lần trót dại hơn một năm trước. Anh mong vợ tha thứ và đón nhận đứa trẻ. Vì hai vợ chồng hiếm hoi, cố gắng mãi mới có được mụn con, chị đồng ý nuôi đứa bé với điều kiện nó đúng là con anh. Trong lúc chồng chưa về, chị lấy mẫu của đứa trẻ với mẫu đứa con ruột của mình mang đi xét nghiệm, kết quả chúng không phải anh em.
Lần thứ hai, cặp vợ chồng bế theo một đứa nhỏ mấy tháng tuổi, trong khi ông chồng nằng nặc đòi kiểm tra ADN xác nhận quan hệ cha con giữa mình và em bé, người vợ giận dỗi "Thằng lớn 100% là con mình, kết quả xét nghiệm hai đứa không phải anh em, vậy là rõ ràng thằng bé không phải con anh. Em cũng đâu có hẹp hòi gì. Nếu là con anh, em cũng mừng, vì nhà hiếm con, nhưng không phải con mình mà cứ vơ vào thì thiên hạ họ cười cho".
Nhưng kết quả lần này khiến cả người vợ và trung tâm phân tích đều ngạc nhiên: Quan hệ bố - con. Lần này, ông bố lại thổ lộ "Có lẽ phải phiền các chị lần nữa, mai tôi đưa cháu lớn đến đây làm xét nghiệm quan hệ bố - con".
"Đây là trường hợp khiến tôi đau đầu nhất. Tôi không thể lý giải được mối quan hệ trong gia đình họ. Người chồng bị cắm sừng làm sao lại bình tĩnh và thanh thản đến vậy? Còn người vợ - rất thông minh và sắc sảo - sao lại thản nhiên đưa con riêng của mình đi xét nghiệm với chồng", bà Nga cho biết.
Ngay ngày hôm sau, ông bố đi cùng đứa con lớn 3 tuổi đến. Và kết quả phân tích lần này cho thấy, đứa trẻ không phải là con của anh. Người đàn ông hơi buồn nhưng không tỏ ra quá thất vọng hay bị sốc. Lúc này, anh mới chia sẻ chuyện gia đình. Khó đậu thai, mấy năm trước, anh chị làm thụ tinh trong ống nghiệm và có bé đầu. "Có lẽ họ không thành công trong việc kết hợp giữa trứng của mẹ và tinh trùng của bố nên đã sử dụng một phôi khác, vì thế đứa con không mang gene của hai chúng tôi", anh giải thích. Đứa con thứ hai là con nuôi của gia đình, nhưng thực chất là do anh đi "kiếm" để bé đầu có em.
Khi được hỏi về ý định có quay trở lại bệnh viện kiện vì sự sai sót này không, anh bày tỏ: "Chúng tôi đã mất một khoản tiền không nhỏ cho ca thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng cái mất lớn hơn rất nhiều nếu xảy ra kiện cáo, là chúng tôi có thể sẽ mất đứa con này. Chúng tôi không muốn vậy. Chúng tôi đã yêu thương, chăm bẵm và đặt nhiều kỳ vọng về cháu. Công dưỡng nặng hơn công sinh. Giờ chúng tôi chỉ muốn để tâm chăm sóc dạy dỗ các con nên người, sao cho hai anh em chúng biết yêu thương, gắn bó với nhau", người đàn ông chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, trong phân tích ADN, để xác định quan hệ bố con hay mẹ con cần xét nghiệm trực hệ bộ gen với tối thiểu 16 gen. Còn xét nghiệm quan hệ huyết thống giữa những người đàn ông trong một dòng họ thì sử dụng phương pháp phân tích dòng gen Y (nhiễm sắc thể giới tính nam). Tất cả người đàn ông trong một dòng họ (nếu không có đột biến gen) sẽ có dòng Y giống nhau. 
Vương Linh - YahooNews 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét