Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ

Kết quả các cuộc nghiên cứu xã hội cho chúng ta một cái nhìn thực tế và khách quan hơn về cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.
Từ mấy chục năm qua, đã có rất nhiều bài viết trên các phương tiện truyền thông đề cập đến sự thành đạt của người Việt đang sinh sống ở khắp thế giới. Đa phần những người Việt ấy là người đã thành danh ở đất khách, đặc biệt là tại Hoa Kỳ. Mặc dù vậy, con số này không phải là nhiều so với cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Mỹ.
Mới đây, một số bài viết của các tác giả ở nước ngoài cũng như kết quả các cuộc nghiên cứu xã hội cho chúng ta một cái nhìn thực tế và khách quan hơn về cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. 
Bài viết sau đây tổng hợp từ các nguồn thông tin vừa nói. 

Một vài con số
"Nghiên cứu về cộng đồng người Mỹ" (American Community Survey - ACS) là bộ phận quan trọng của chương trình điều tra dân số thập niên 2010, do chính phủ Mỹ thực hiện từ năm 2005, với sự tham dự của khoảng ba triệu đơn vị gia cư. Công bố của ACS cách đây hơn một năm cho thấy người Việt đang sống tại Hoa Kỳ chiếm khoảng 10,5% tổng số người Mỹ gốc châu Á, là cộng đồng lớn thứ tư sau người Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines; đông hơn các cộng đồng Nhật Bản, Lào, Pakistan, Campuchia, Thái Lan và Đài Loan. Trong tổng số gần 1,3 triệu người Việt đang sống tại Mỹ thì hơn 50% nhập cư vào nước này từ sau năm 1990.
Nghiên cứu cho thấy người Việt tại Hoa Kỳ là cộng đồng Á châu trẻ thứ hai sau người Ấn Độ với 73,5% dưới 44 tuổi, trong số này có gần một phần tư là thanh thiếu niên dưới 18.
Về mặt xã hội, tài liệu ACS cho chúng ta một số thông tin rất đáng quan tâm. Chẳng hạn về khả năng sinh sản, cứ 1.000 phụ nữ Việt ở Mỹ thì có đến 71,8 lần sinh trong một năm, cao hơn nhiều so với phụ nữ Hàn Quốc (chỉ 45,9 lần). Nhưng điều đáng nói là phụ nữ Việt Nam đứng đầu về tỷ lệ "single mom" với 18,6% không chồng mà có con, vượt xa mức trung bình của phụ nữ các nước Á châu khác ở Mỹ.
Điều này đặt ra cho các bậc làm cha mẹ người Việt - vốn còn ràng buộc ít nhiều tập quán phương Đông - một sự lo lắng và cần phải quan tâm hơn nữa về vấn đề giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên.
Về tổ chức gia đình thì gia đình người Việt đông thứ nhì sau người Philippines, nhưng tỷ lệ gia đình có đầy đủ chồng-vợ lại thấp nhất trong cộng đồng người châu Á. Phải chăng đây là con số biểu thị tình hình ly dị của người Việt thuộc loại cao, qua danh sách số phụ nữ Việt phải cưu mang gia đình (không có đàn ông) xếp hạng nhì sau người Philippines; đặc biệt số đàn ông Việt làm.
Khả năng nói tiếng Mỹ và học vấn chưa cao
Mặc dù cộng đồng người Việt có tỷ lệ đến 79,1% sinh ra tại Mỹ và có cha hay mẹ là dân Mỹ hoặc đã trở thành công dân Mỹ, nhưng về khả năng Anh ngữ thì bảng phân tích cho thấy đây là cộng đồng gìn giữ tiếng quê nhà cao nhất trong sinh hoạt gia đình, chỉ có 11,8% dân Việt nói tiếng Mỹ ở nhà so với 16,9% ở người Hàn hay 53% ở người Nhật. Trong chừng mực, chính điều này đã hạn chế khả năng giao tiếp xã hội khi mà cộng đồng người Việt ở Mỹ có tỷ lệ người kém khả năng Anh ngữ cao nhất, lên đến 55,1% so với 47,6% người Trung Quốc và 48,9% người Hàn Quốc.
Chính khả năng về ngôn ngữ còn thấp khiến cho cộng đồng người Việt ở Mỹ có tỷ số người học lực dưới trung học nhiều nhất (30%). Con số người Việt tại Mỹ tốt nghiệp cử nhân và có bằng cấp sau đại học cũng thấp nhất trong cộng đồng người Mỹ gốc Á châu (23,5%), dưới mức trung bình của toàn nước Mỹ.
Nghề nghiệp và mức sống
Số liệu về phân bố nghề nghiệp, thu nhập trung bình cho thấy tỷ lệ người Việt ở Mỹ làm nghề lao động xí nghiệp và vận tải hàng hóa cao nhất trong cộng đồng châu Á với 21,0%, so với 10% của người Philippines và Hàn Quốc, hai sắc dân có tỷ lệ hành nghề lao động cao đứng ngay sau Việt Nam.
Cũng theo thống kê được công bố, tỷ lệ người Việt tại Mỹ làm việc trong ngành quản trị và chuyên nghiệp thấp nhất so với những sắc dân gốc châu Á khác với 29,2% so với 60,6% người Ấn (mức cao nhất).
Người Việt ở Mỹ có lợi tức gia đình trung bình hằng năm là 45.980 USD và tỷ lệ nghèo là 14%, chỉ cao hơn cộng đồng người Hàn Quốc (có lợi tức gia đình trung bình 43.195 USD và tỷ lệ nghèo 14,9%). Tất nhiên đây là mức nghèo theo tiêu chuẩn Mỹ: chẳng hạn, một gia đình ba người có một trẻ dưới 18 tuổi được xem là nghèo nếu lợi tức gia đình ít hơn 14.974 USD/năm.
Trong hoàn cảnh nghèo hoặc khó khăn nhưng người Việt, cũng như đa phần những người gốc châu Á khác, vẫn thích mua nhà hơn là ở nhà thuê. Có 61,3% người Việt sở hữu nhà tại Mỹ, đứng đầu bảng thống kê. Cho dù không ít người Việt làm ăn thành công tại Mỹ sở hữu những căn nhà vài triệu USD, thì trị giá trung bình của gia cư người Việt chỉ ở mức 207.577 USD, thấp hơn nhiều so với các sắc dân châu Á khác (300.000 USD).
Có thể nói, sau mấy chục năm tạo dựng cuộc sống mới nơi xứ người, cộng đồng người Việt tại Mỹ đã có những phát triển tích cực và thành đạt nhất định.
Tuy nhiên, thống kê của ACS cũng đã cho thấy một vài điều đáng lưu ý: tỷ lệ nghèo cao nhất nhì; số lượng người làm nghề lao động cao nhất, tỷ lệ thuận với trình độ học vấn và khả năng Anh ngữ kém nhất; tỷ lệ phụ nữ độc thân sinh con gấp đôi trung bình của người gốc Á châu và gần bắt kịp người Mỹ da trắng.
Đó chính là những vấn nạn cần được các tổ chức xã hội của người Việt quan tâm hầu có những phương án khả thi và hiệu quả để điều chỉnh.
Ông Nguyễn Xuân Vinh, giáo sư danh dự ngành Kỹ thuật không gian của Đại học Michigan - Hoa Kỳ, trong quyển sách về người Việt tại Mỹ đã viết với tất cả tâm tình của mình rằng: "...Tôi mong rằng thế hệ của tôi chỉ là lớp người đi trước đặt những viên đá sơ sài lót đường... Sau này các bạn sẽ đạt được những thành công rực rỡ xây nên một đại lộ thênh thang cho toàn thể những người Việt cùng tiến bước, cho non sông được mở mặt với đời....".
Đó có lẽ cũng là mơ ước của tất cả những người Việt, không chỉ ở đất Mỹ mà ở trên toàn thế giới. 
Theo Phạm Thành Sơn (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)
Người gốc Việt sống biệt lập ở Mỹ?
Người Mỹ gốc Việt sống tách biệt ở Hoa Kỳ, dù tới định cư tại quốc gia này hàng chục năm nay. Kết quả của một cuộc nghiên cứu do Đại học Brown thực hiện cho thấy rằng đây là một sự lựa chọn của người nhập cư gốc Việt, vốn đa phần xuất thân là người tỵ nạn.
Tình trạng sống tách biệt như vậy thể hiện rõ nét nhất tại các địa hạt thuộc thành phố Los Angeles và quận Cam, nơi có Little Saigon – địa điểm cư ngụ đông đảo nhất của người Việt.

Trả lời VOA Việt Ngữ, ông John Logan, giáo sư bộ môn xã hội học của Đại học Brown, một trong các tác giả của nghiên cứu, nói rằng đã hàng chục năm kể từ khi những người Việt đầu tiên đặt chân tới Mỹ sau Chiến tranh Việt Nam, và giờ là thời điểm thuận lợi để đánh giả đầy đủ sự hội nhập của họ tại Mỹ.
Ông nói: “Trong vòng 10 năm qua, con số người Việt tại Mỹ đã tăng 60% - 70%, và phần đông số này là dân nhập cư. Nhưng phần lớn sự gia tăng này là thế hệ thứ hai và thứ ba của người Mỹ gốc Việt. Cộng đồng người Việt là một trong những sắc dân thuộc loại lớn nhất ở Hoa Kỳ”.
Cuộc nghiên cứu của Đại học Brown được tiến hành đối với 6 nhóm dân châu Á gồm Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.
Một trong những chỉ số đánh giá vị thế kinh tế xã hội của các sắc dân châu Á là giáo dục. Mọi sắc dân được tiến hành nghiên cứu, trừ người gốc Việt, có trình độ giáo dục cao hơn người da trắng không thuộc gốc Mỹ Latin.
Ông Logan cho biết, người gốc Việt nằm trong nhóm có nhiều điểm bất lợi.
Ông nói: “Nhìn chung, so với các nhóm sắc dân châu Á khác như Philippines, Triều Tiên hay Trung Quốc, người Việt có trình độ học vấn thấp hơn, thu nhập thấp hơn và có tỷ lệ người thất nghiệp cao hơn. Nhưng người gốc Việt lại khá hơn cộng đồng người Mỹ gốc Phi hoặc gốc Mỹ Latin.  Đây là đánh giá chung. Tôi phải nhấn mạnh rằng sự đa dạng tồn tại trong bất kỳ sắc dân nào ở Hoa Kỳ, và tôi chắc rằng trong cộng đồng người Việt có những người hết sức thành công”.

Theo cuộc nghiên cứu, người Việt cũng là nhóm có tỷ lệ nghèo khổ và số lượng người nhận trợ cấp xã hội cao. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch tổ chức có tên gọi Nghị hội Toàn quốc của người Việt ở Hoa Kỳ, tán đồng ý kiến này.
“Các dân khác như người Ấn Độ hay là người Trung Hoa sau này họ sang bên Mỹ với rất nhiều tiền. Họ là di dân nên họ tính được trước và họ để dành tiền mang đi. Người Việt đa phần khi sang Mỹ là những người tỵ nạn, với rất ít tiền nong nếu họ có. Vì thế họ phải túm tụm, tập trung lại để dựa vào kinh tế gia đình mà lợi tức rất thấp", ông Bích nói.
"Cái cách đó là cách có thể tồn tại được. Chúng ta dựa vào nhau, sống chật chội một chút trong một gia đình. Chứ bấy giờ chúng ta đi mượn của ngân hàng Mỹ thì không có đủ tài sản để thế chấp cho món nợ. Thành ra đó là một thứ chiến lược để tồn tại. Tôi cho rằng người Việt đã rất khôn khéo để đi qua được các bước đầu rất là khó khăn”.

Giáo sư Logan cho biết, trên toàn nước Mỹ, cộng đồng người gốc Việt sống tách biệt như cộng đồng người gốc Mỹ Latin hay gốc Phi.
Ông nói đây là điều đáng ngạc nhiên vì các nhà nghiên cứu nghĩ rằng người gốc châu Á dễ dàng hòa nhập vào các cộng đồng bản địa. Ông nhận định có hai yếu tố lý giải cho điều này.
“Một là, có thể người Mỹ gốc Việt có nhiều lựa chọn về mặt văn hóa tại khu vực sinh sống không khác gì ở Việt Nam. Một lý do khác có thể là người Việt không có nhiều lựa chọn về nơi họ sinh sống thế nên họ phải ở nơi mà giá cả có thể chấp nhận được. Đối với nhiều người nhập cư, điều đó đồng nghĩa với việc sống tại cộng đồng gồm người di dân với giá nhà cửa rẻ, hợp túi tiền cùng cơ hội tìm được việc làm cần tay nghề thấp từ những người đồng hương khác trong cộng đồng”.
Trong khi đó, ông Bích thừa nhận có hiện tượng người Việt sống tập trung như ở quận Cam, nhưng ông cho rằng ‘không nên tổng quát hóa quá’ vì ở nhiều nơi người Việt cũng sống rải rác trong cộng đồng người Mỹ da trắng.

Giáo sư Đại học Brown cũng cho biết rằng hiện cộng đồng người Việt hiện phải đối mặt với tình trạng thế hệ con cháu sinh ra ở Mỹ chỉ thích nói tiếng Anh và không muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.
Có những người sinh ra tại Việt Nam và di cư sang Mỹ vẫn giữ những nếp sống kiểu Việt Nam”, ông Logan nói thêm.
Hiện có hàng triệu người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ, và là cộng đồng người Việt lớn nhất trên thế giới ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tại các bang như ở Virginia, nơi có hàng chục nghìn người Mỹ gốc Việt sinh sống, không khó để mua được mọi mặt hàng phục vụ cho đời sống của người Việt giống như ở trong nước. Ở đây, người gốc Việt có thể sử dụng tiếng Việt để đọc báo, nghe đài, mua nhà, đi chợ, hay đi thăm khám bác sỹ. 
Theo VOA Việt Ngữ
Trong số 6 cộng đồng gốc châu Á đông dân nhất tại Mỹ, người Việt Nam có "tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, thu nhập thấp nhất và học vấn ít nhất ". Nhận định trên đây trong một công trình nghiên cứu được trường Đại học Brown có uy tín tại Mỹ công bố ngày 26/06/2013 có thể gây bất bình và sửng sốt cho người Việt. Tuy nhiên, thực tế trên có thể được giải thích từ nguồn gốc xuất thân là người tỵ nạn của đại đa số người Việt tại Mỹ.
Trong công trình nghiên cứu mang tựa đề « Separate but Equal : Asian Nationalities in the U.S. (Biệt lập nhưng ngang hàng : Các sắc dân châu Á tại Hoa Kỳ), hai tác giả John R.Logan và Weiwei Zhang thuộc khoa Xã hội học, Đại học Brown University, đã khảo sát 6 cộng đồng gốc châu Á có hơn một triệu dân tại Mỹ : Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Triều Tiên, Trung Hoa và Việt Nam.
Dựa trên các dữ liệu thống kê từ các cuộc điều tra dân số của chính quyền Mỹ tại ba thời điểm 1990, 2000 và 2010, bài nghiên cứu đã xem xét và so sánh sự phát triển cũng như các đặc điểm về mặt xã hội và kinh tế của từng nhóm người châu Á nói trên. Công trình đã đi đến hai kết luận chính :
Trước hết là ngoại trừ người Nhật, tất cả năm sắc dân châu Á còn lại thường sống tập trung trong những khu tách biệt với người Mỹ da trắng. Ngoài ra, toàn bộ sáu cộng đồng gốc châu Á này đều có mức sống ngang bằng, thậm chí còn cao hơn người Mỹ da trắng.
Riêng về người Việt, bản nghiên cứu cho thấy là vào năm 2010, số dân Việt Nam tại Mỹ lên đến 1.737.433 người, tăng gần gấp ba so với số 614.547 người của năm 1990. Đông dân nhất vẫn là cộng đồng người Hoa - hơn 4 triệu người - theo sau là người Philippines (hơn 3,4 triệu) và người Ấn (3,1 triệu). Đông gần bằng người Việt là dân Hàn Quốc (1,7 triệu), và người Nhật (1,3 triệu).
Về nơi cư trú, dĩ nhiên là cộng đồng người Việt sống đông đảo nhất tại hai tiểu bang California (647.589 người), và Texas (227.968 người). Đứng phía sau, nhưng rất xa, là bang Washington (75.843 người), Florida (65.772 người), Virginia (59.984)…
Thu nhập ít nhất
Yếu tố gây ngạc nhiên nhất là các dữ liệu kinh tế xã hội, theo đó các nhóm châu Á nói chung đều có những chỉ số tương đương – thậm chí tốt hơn - so với cộng đồng người Mỹ da trắng, và như vậy là cao hơn người Mỹ da đen hay người Mỹ gốc châu Mỹ La Tinh (Hispanics). Tuy vậy, trong số 6 cộng đồng châu Á được xem xét, người Việt lại bị xếp vào diện yếu thế nhất, cả về kinh tế lẫn học vấn.
Về kinh tế chẳng hạn, tỷ lệ người không có công ăn việc làm trong cộng đồng người Việt cao nhất, lên đến 10,6% năm 2010, trong lúc các cộng đồng còn lại chỉ bị từ 4,7% (Nhật) cho đến 8,4% (Triều Tiên).
Thu nhập bình quân hàng năm của một hộ gia đình người Việt cũng thuộc loại thấp nhất, với mức 52.830 đô la, chỉ hơn được người Triều Tiên (50.000 đô la) nhưng thua xa 4 cộng đồng còn lại.
Sự yếu kém về kinh tế còn thể hiện qua tỷ lệ 1,8% người Việt nhận trợ cấp xã hội của chính phủ, cao nhất trong số 6 nhóm châu Á, cho dù đã giảm rất đáng kể từ mức 10,7% (năm 1990), hay 4,3% (năm 2000).
Thứ hạng thấp nhất về mặt « học vấn »
Điều có thể gây băn khoăn nhiều nhất tuy nhiên không phải là các chỉ số kinh tế, xã hội như trên, mà lại là thứ hạng thấp nhất của cộng đồng người Việt về phương diện « học vấn » – tính theo số năm học trong trường. Với số năm học bình quân 11,8 năm vào năm 2010, người Việt còn thua cả người Hoa (13,9 năm), người Philippines (14,1 năm) và thua xa người Ấn (15,5 năm).
Điểm đáng buồn là về mặt « học vấn », người Việt Nam là cộng đồng châu Á duy nhất có trình độ thấp hơn người Mỹ da trắng (13,6 năm), trong khi năm nhóm còn lại đều cao hơn.
Tình trạng yếu kém của cộng đồng người Việt tại Mỹ trong tương quan với các nhóm châu Á chủ chốt khác có thể được giải thích ra sao, giá trị của bản nghiên cứu vừa được Đại học Brown công bố như thế nào ? Đó là những câu hỏi mà RFI đã đặt cho ông Ngô Nhân Dụng, bình luận gia báo Người Việt tại California (Hoa Kỳ).
Nghiên cứu tiến xa hơn các công trình khác
Phần lớn các nghiên cứu trước đây gộp chung những người Á châu, hai tác giả này muốn phân biệt là trong số người Á châu, có những nhóm khác nhau…
Riêng đối với người Việt, điểm đặc biệt là người Việt thuộc loại lợi tức thấp nhất, trình độ học vấn thấp nhất so với những người châu Á khác ở trong nhóm 6 nước. Đây có lẽ là điều hơi ngạc nhiên nếu ta quan sát bề ngoài sự thành công của người Việt trên đất Mỹ, cũng như sự thành công về học vấn của trẻ em người Việt tại Mỹ...
Mang lại gì mới cho việc hiểu biết thêm về cộng đồng người Việt tại Mỹ ?
Người Việt có rất nhiều điểm tương đồng so với các giống dân Á châu khác.
- Nói chung, tất cả những người Á châu có mức sống cao hơn những cộng đồng di dân khác, và hai nhóm thiểu số là người da đen và người Hispanics (tức là gốc từ Mỹ La Tinh)… So với nhóm người Mỹ da đen và người Hispanics, người gốc Á châu nói chung có thể nói là có đời sống khá giả, trình độ học vấn hơn hẳn ; còn so với người Mỹ da trắng – tức là gốc Âu châu – thì có thể nói là ngang bằng hoặc là hơn về phương diện lợi tức cũng như học vấn…
- Một điểm giống nhau nữa là tất cả các nhóm dân thiểu số ở Mỹ đều hay tìm cách sống tụ tập lại sống gần nhau. Người Việt cũng như người Hàn, người Trung Hoa, thường sống chung trong những khu đông người đồng chủng, đồng tiếng nói với mình. Chỉ có người Nhật Bản là sống rải rác hơn, có lẽ vì họ đã sang nước Mỹ sớm nhất.
- Phần lớn những người Nhật sang Mỹ từ thế kỷ 18, 19 để làm công nhân, rồi sau đó, số người Nhật di cư giảm bớt đi, thành ra trong tất cả các nhóm dân Á châu, người Nhật là cộng đồng có số thành viên sinh trưởng ngoài nước Mỹ rất thấp – 35% năm 1990, 40% năm 2010. Một trong những lý do khiến cho số người sinh trưởng ở Nhật ít là vì có một thời gian, nước Mỹ hạn chế, không nhận di dân người Nhật. Trong lúc đó, người Việt và người Hàn khác hẳn : 80% sinh trưởng ở quê hương mình rồi di cư sang Mỹ.
Các yếu tố đáng chú ý nhất nơi cộng đồng người Việt
Điểm đáng chú ý nhất là tình trạng người Việt Nam so sánh với 5 sắc dân kia thì lại có lợi tức trung bình thấp nhất, cũng như là trình độ học vấn – tức là số năm đã đi học – thấp nhất. Tại Mỹ, khi làm thống kê, về học vấn, họ không hỏi đến bằng cấp, mà chỉ hỏi « đi học chính thức ở trường bao nhiêu năm ». Trên bình diện này, người Việt thuộc loại thấp nhất.
Ngược lại, cộng đồng giầu nhất, lợi tức cao nhất và có số năm học nhiều nhất là di dân gốc Ấn Độ, với các số liệu còn cao hơn cả người Mỹ da trắng. Trung bình người Ấn ở Mỹ có số năm đi học khoảng từ 15 đến 16 năm, tức ít nhất có một bằng Đại học. Người Ấn Độ cũng là giống dân có lợi tức cao nhất, bình quân một năm là 89.000 đô la, cao hơn cả mức bình quân của người Mỹ da trắng (khoảng 54.000 đô la)…
Ngoài ra, người ta còn ghi nhận : Tỷ lệ cao của người Việt tại Mỹ sống nhờ trợ cấp xã hội, chương trình y tế của chính phủ, cao hơn cả người Mỹ da trắng. Điều đáng ngạc nhiên là tỷ lệ này lại thấp nơi các cộng đồng châu Á khác, so với người Mỹ da trắng.
Vì sao người Việt lại thuộc diện yếu kém hơn các nhóm châu Á khác ?
Các tác giả cũng đã giải thích về tình trạng vì sao người Việt không chỉ sống nhờ trợ cấp xã hội nhiều hơn, mà cả có số năm học ít hơn và lợi tức thấp hơn.
Nói chung, cả ba yếu tố được đều được quy vào chung một nguyên nhân : Người Việt là người tỵ nạn chính trị. Nhìn lại năm cộng đồng kia, họ đều sang Mỹ sống với tính cách di dân, chứ không phải là người tỵ nạn. Còn đại đa số người Việt Nam, có thể nói là hầu hết, đều là người tỵ nạn.
Người di dân với người tỵ nạn khác nhau về tài sản và lợi tức
Khác biệt giữa người di dân với người tỵ nạn trước hết là về tài sản và lợi tức : Người di dân đi trong một kế hoạch có chuẩn bị, và khi đến xứ mới, họ có vốn liếng để bắt đầu lại cuộc đời, họ có nghề nghiệp mà họ biết trước là có thể được sử dụng ở đất mới…
Ngay cả khi chọn di dân một cách bình thường, nước Mỹ chỉ ưu tiên cho những người làm những nghề mà nước Mỹ đang thiếu, ví dụ như có thời chuyên viên về y tế (bác sĩ, dược sĩ, nhất là y tá), được sang Mỹ dễ dàng hơn. Do đó khi đến Mỹ, những người này rất dễ kiếm việc, vì đáp ứng đúng những nhu cầu về nhân dụng của nước Mỹ.
Điều khiến họ đáp ứng được, đó là vì họ đã được huấn luyện, được đi học, thành ra những người tốt nghiệp đại học được nước Mỹ nhận vô đông hơn là những lao động thuần túy, không có nghề nghiệp hoặc chuyên môn rõ ràng.
Người di dân khi sang Mỹ được chuẩn bị kỹ, người tỵ nạn thì không
Những người di dân khi sang Mỹ đã được chuẩn bị rất kỹ, còn những người tỵ nạn thì khác hẳn.
Người tỵ nạn là thuyền nhân sang nước Mỹ, khi ra đi có khi chỉ có hai bàn tay trắng, hoặc là tài sản đã bị mất hết, hay là đi đường bị cướp cũng mất hết, thành ra đến nước Mỹ, họ là những người nghèo, lợi tức thấp.
Mặt khác, người tỵ nạn vốn không có ý định di cư, họ bị bắt buộc phải di cư để chạy trốn chế độ Cộng sản mà họ không thích, thành ra họ không chuẩn bị đi học nghề gì để khi sang Mỹ sinh sống cho phù hợp.
Khi đến Mỹ, số người có thể đi làm ngay rất là ít, tìm được việc rất khó, có người mất cả năm trời mới có việc, trong thời gian chờ tìm được việc, họ phải sống nhờ trợ cấp xã hội.
Nhiều người Việt Nam sang Mỹ ở độ tuổi khá cao
Một thanh niên sang đến Mỹ, không làm việc này thì cũng làm được việc khác rất nhanh chóng. Còn những người Việt Nam sang đây, ngay cả trong những chương trình đoàn tụ gia đình sau này, phần đông là những người lớn tuổi, có thể nói là từ 50 tuổi trở lên. Ở tuổi đó, chính người Mỹ da trắng ở nước Mỹ này, nếu bị mất việc, cũng gặp khó khăn, vì các nơi luôn ưu tiên cho người trẻ khi tuyển dụng.
Thành ra người tỵ nạn bị thiệt thòi là khi tới nước Mỹ, họ đã lớn tuổi nên rất khó kiếm việc. Trong tình trạng việc làm không kiếm ra, tài sản cũng không có để làm vốn liếng kinh doanh, rồi lại không thông thạo ngôn ngữ, tất cả những yếu tố đó làm cho vai trò xã hội của người Việt tỵ nạn gặp khó khăn, và đó có lẽ là lý do khiến cho nhiều người Việt phải sống nhờ vào trợ cấp của chính phủ, đặc biệt là về y tế. …
Những người trong tình trạng đó bắt buộc phải sống nhờ bảo hiểm y tế của chính phủ, thành ra tỷ lệ người Việt hưởng những lợi ích về xã hội đó, cao hơn so với những sắc dân Á châu khác.
Trường hợp người Philippines
Nước Philippines không phải là một nước giàu ở Á châu. Nhưng trong số 6 nhóm dân Á châu mà hai tác giả này nghiên cứu, người Philippines giầu có ở bậc thứ hai, và số năm học cũng cao ở mức thứ hai, chỉ thua người Ấn Độ mà thôi.
Người Việt có thể ngạc nhiên là sao người Việt và người Philippines, cùng từ những nước nghèo sang Mỹ, mà người Việt lại thua kém như vậy ? Chúng ta phải hiểu là người tỵ nạn khác với người di dân. Người Philippines di dân sang Mỹ, rất nhiều người làm nghề trông nom người già, hay làm y tá. Họ được tiếng là những người làm rất giỏi và rất tận tâm, được thân chủ rất quý trọng.
Những người đó thường phải có một bằng cấp đại học thì mới làm nghề trông nom người già hay làm y tá ở nhà thương. Ngoài ra, họ làm một cái nghề chắc chắn, có lợi tức chắc chắn.
Hơn nữa, trong nhóm người Philippines, một số rất lớn sống ở Hawaii, một nơi rất đông người Á châu, họ đến Hawaii từ nhiều thế hệ rồi, và có thể bây giờ họ là địa chủ rất lớn hay là những chủ xí nghiệp lớn.
Mình có thể ngạc nhiên là tại sao người Việt lại có thể thua kém người Philippines như vậy. Nhưng mà khi xét kỹ về nguồn gốc, một bên là di dân, một bên là người tỵ nạn, chúng ta thấy rõ là nếu người Việt Nam bị thua kém, điều đó cũng có lý do.
Có học vấn thấp không có nghĩa là không thông minh hiếu học
Cần phân biệt giữa trình độ học vấn mà theo thống kê, tính theo số năm học, với óc thông minh và tinh thần hiếu học. Hai điều này không nhất thiết luôn luôn đi đôi với nhau. Có thể tin đuợc là sở thống kê Mỹ làm ăn rất đứng đắn... Số năm học được nêu ra (đối với người Việt) có thể tin được.
Người Việt Nam là giống dân thông minh, hiếu học, thế nhưng khi sống trong thời chiến tranh thì cơ hội đi học thấp hơn là ở những nước bình an. Chiến tranh ở Việt Nam khiến cho trường học nhiều khi phải đóng cửa, và làm cho nhiều người khi 18 tuổi phải gia nhập quân đội, cho nên cũng không đi học được nữa.
Hơn nữa, số trường học của mình không được nhiều. Thì đấy là lý do khiến cho số năm học của người Việt Nam nó thấp hơn.
Một nguyên do nữa là số người Việt sang Mỹ tỵ nạn chính trị, thường đã lớn tuổi, là những người sinh ra và lớn lên trong thời chiến tranh, rồi lớn tuổi mới qua Mỹ. Họ bị thiệt thòi, nhiều khi chỉ học hết bậc trung học chứ không học hết được bậc đại học. Trong khi đó thì các sắc dân khác mà sang đây lâu hơn, đã có cơ hội đi học nhiều hơn. 
Thí dụ trong một gia đình Việt Nam có ông bà, cha mẹ với hai đứa con. Hai ông bà có thể hồi còn ở Việt Nam không thể học hết bậc trung học, do đó số năm học thấp. Mấy đứa con nhiều khi cũng chưa lớn để học hết bậc trung học, thì số năm học của con cũng thấp. Thế còn bố mẹ ở giữa, có thể là những người đã tốt nghiệp đại học... Thì khi cộng lại đem chia ra trung bình, tự nhiên số năm học của mình nó thấp…
So với người Ấn Độ chẳng hạn thì chúng ta biết là ở tại nước Ấn Độ, trình độ biết chữ của họ, trình độ học vấn của họ thua người Việt Nam ở Việt Nam. Thế nhưng những người Ấn Độ được tuyển sang Mỹ, phần lớn là những người có ít nhất một cái bằng đại học, và rất nhiều người đã đậu bằng tiến sĩ. Lý do là vì Ấn Độ là nước sản sinh ra rất nhiều tiến sĩ, rất nhiều kỹ sư, nhưng do nền kinh tế chưa sử dụng hết, còn nước Mỹ thì đang cần, cho nên Mỹ ưu tiên tuyển những người Ấn Độ đó qua.
Và người Philippines cũng vậy. Họ được tuyển sang đây để làm những nghề chuyên môn, và nghề chuyên môn đó đòi hỏi họ phải học xong đại học. Cho nên khi nói đến việc người di dân Ấn Độ, Philippines có trình độ học cao nhất thì chúng ta nên nhớ rằng điều đó được chính chính phủ Mỹ, chính sách di dân của Mỹ tuyển chọn trước rồi.
Trong khi đó người Việt Nam không đến Mỹ theo diện di dân, mà là người tỵ nạn, và ngay những người sau này gọi là đi đoàn tụ gia đình, thì gốc cũng là do những người tỵ nạn.
Thành ra có thể nói rằng hình ảnh người Việt thông minh, hiếu học thì lúc nào cũng đúng. Khi so sánh trẻ em ở trong các trường học, từ tiểu học đến trung học ở nước Mỹ này, thì trẻ em Việt Nam rất xuất sắc. Và có thể nói là đối với người Á Đông, thì mình cũng ngang chứ không thua kém.
Để nói về sự thông minh và hiếu hoc, chúng ta phải nhìn vào các trẻ em nhiều hơn là vào các con số trung bình (về năm học trong trường), bởi vì trong số trung bình đó, có rất nhiều người không có cơ hội đi học.
Theo Trọng Nghĩa - viet.rfi.fr


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét