Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Phương pháp dạy học P5: Người Mỹ dạy con thói quen đọc sách

Supernanny dạy Charlie ăn tốiSupernanny là một chương trình truyền hình thực tế về cách các gia đình ở Anh dạy dỗ những trẻ hư đốn. Hãy xem họ làm thế nào để 1 đứa trẻ hư đốn ăn hết bữa tối một cách ngoan ngoãn! Bí quyết ở đây là sự nghiêm khắc và sự lờ đi. Khi những hành vi hư đốn của trẻ bị lờ đi, chúng sẽ bị lạc lõng và tự phải thay đổi để được mọi người chấp nhận. Đây là cách giáo dục trẻ em rất phổ biến ở phương Tây: không dỗ dành, cưng nựng, bế ẵm mà có phạt, có khen và lờ đi (ignore) khi cần.
https://www.facebook.com/1641752056081136/videos/1676566365933038/

Thử xem nền giáo dục Mỹ, nền giáo dục được coi là tiên tiến và hiện đại bậc nhất thế giới dạy trẻ em mẫu giáo như thế nào nhé! Một nhà khoa học đoạt giải Nobel khi được hỏi, ở đâu ông học được những kiến thức khiến ông trở nên vĩ đại như vậy? đã trả lời rằng: Nơi tôi học được nhiều nhất đó là vườn trẻ, vì rằng, ở đó người ta dạy tôi cách biết tuân thủ các quy định, biết nói xin lỗi khi mình sai...
Bí quyết nuôi dạy con của những bà mẹ Mĩ
Dạy trẻ từ tính tự lậpNgười Mỹ rất coi trọng tinh thần độc lập, tự lực cánh sinh của mỗi người. Vì thế, ngay từ khi trẻ một tuổi rưỡi, họ đã bắt đầu dạy cho trẻ các kỹ năng tự phục vụ bản thân. Họ cho rằng, nắm bắt các kỹ năng tự phục vụ có thể giúp trẻ tăng cường tính độc lập và cảm giác về sự thành công, nó không chỉ có lợi cho sự phát triển của trẻ mà còn giúp ích rất nhiều cho chính những người lớn.
Những người làm công tác giáo dục mẫu giáo ở Mỹ đều được nhấn mạnh việc giáo dục cho trẻ những kỹ năng tự phục vụ. Bất cứ sự chăm sóc nào từ phía người lớn cũng phải tạo cho trẻ những cơ hội để rèn luyện cho trẻ các kỹ năng này. Đồng thời, họ cũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của gia đình để giúp các kỹ năng mà trẻ được dạy ở lớp được rèn luyện và thực hành ngay tại nhà.
Các kỹ năng tự phục vụ của trẻ bao gồm: Buộc dây giầy, mặc quần áo, cài cúc áo, rửa mặt, đánh răng, chải đầu, ăn cơm…
day-con-kieu-Mi-3
(Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Những giáo viên mẫu giáo Mỹ khi rèn luyện cho trẻ khả năng tự lập thường dùng phương pháp là: Đồng thời với việc đề ra nhiệm vụ, họ cũng đưa ra những điều kiện để trẻ có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách dễ dàng hơn. Chẳng hạn, để dạy trẻ tự mang giày, họ thường đưa cho trẻ những đôi giày to hơn một chút so với cỡ chân của các em. Hoặc để dạy trẻ tự rót nước sữa, họ đưa cho trẻ những bình sữa có miệng to giúp trẻ thực hiện công việc một cách dễ dàng hơn. Cách làm như vậy sẽ gây cho trẻ hứng thú cũng như tự tin trong việc hoàn thành các “nhiệm vụ”.
Dạy trẻ sự lễ phép
day-con-kieu-Mi-4
(Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Ở các trường mẫu giáo ở Mỹ, ngoài việc khơi mở trí lực giai đoạn đầu cho trẻ, người ta rất coi trọng việc dạy cho trẻ các quy tắc lễ nghi. Yêu cầu đối với mỗi em là phải nghe theo lời chỉ bảo của các giáo viên, học cách tham gia các hoạt động tập thể cùng với những học sinh khác. Trong các trường mẫu giáo ở Mỹ, mỗi khi có một bạn nhỏ hắt xì, sẽ phải nói với những người bạn xung quanh của em rằng: “Xin lỗi!”, ngược lại, những người bạn của em sẽ nói: “Chúc phúc cho cậu!”. Điều này đã trở thành một hành vi tự giác của trẻ.
Đối với những trẻ em phạm lỗi, không nghe lời,… người ta thường dùng phương pháp “phạt ở một mình”. Lý do là, trẻ em ở độ tuổi này sợ nhất là việc phải ở một mình. Hơn nữa, phương pháp này cũng có tính khoa học của nó. Khi trẻ bình tĩnh trở lại, mới giảng giải điều hay lẽ phải cho trẻ hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều.
Sự tôn trọng: Chất “dinh dưỡng” đặc biệt
day-con-kieu-Mi
(Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Ở Mỹ, việc tôn trọng trẻ em không chỉ vì chúng nhỏ tuổi, cần sự ưu ái, quan tâm, chăm sóc mà còn vì trong quan niệm của họ, mỗi đứa trẻ ngay từ khi ra đời đã là một cá thể độc lập, có cá tính và những mong muốn độc lập của mình. Người Mỹ rất chú ý đến phương pháp cũng như giọng điệu khi nói chuyện với trẻ. Khi nói chuyện với trẻ, người lớn không chỉ phải chăm chú nghe mà có lúc còn phải quỳ xuống để nói chuyện với trẻ một cách “bình đẳng”, khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng. Khi trẻ ăn cơm, không thể ép, khi trẻ phạm lỗi không nên quở mắng quá lời, khi muốn trẻ thay quần áo, cũng không thể to tiếng quát nạt,… nếu không, sẽ làm cho trẻ cảm giác nặng nề và tự ti.
Hai mươi phút quan trọng trong ngày
Nhiều nhà giáo dục Mỹ kêu gọi các bậc cha mẹ dành 20 phút mỗi ngày để đọc sách cho con cái của mình nghe. Hai mươi phút là thời gian không dài nhưng sẽ rất hữu ích với trẻ. Qua giọng đọc rủ rỉ của cha mẹ mỗi ngày, hứng thú về việc đọc sách sẽ dần được hình thành trong trẻ. Bên cạnh đó, thực tiễn đã chứng minh, việc trẻ được nghe đọc sách thường xuyên có thể giúp trẻ tăng cường khả năng chú ý, vốn từ vựng, kích thích, khơi gợi trí tưởng tượng, mở rộng tầm nhìn và kiến văn cho trẻ,… Vì thế, ở Mỹ các chuyên gia đều khuyên các bậc phụ huynh đọc sách cho trẻ nghe càng sớm càng tốt.
day-con-kieu-Mi-2
(Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Lâu nay, người ta nói nhiều, bàn nhiều đến giáo dục Mỹ với một sự ngưỡng vọng về một nền giáo dục hiện đại và phát triển nhất thế giới. Điều gì tạo nên thành công của nền giáo dục Mỹ? Nguyên nhân thì có rất nhiều, song, có lẽ một trong những nguyên nhân quan trọng là người Mỹ đã quan tâm một cách thực sự đến việc giáo dục và đào tạo con người ngay từ giai đoạn đầu tiên. Cách mà người Mỹ dạy trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo có lẽ sẽ cho chúng ta nhiều gợi ý về một sự quan tâm đúng mức trong việc giáo dục trẻ ở giai đoạn này.

Hãy xem người Mỹ dạy con thói quen đọc sách thế nào

Một người mẹ Mỹ chia sẻ, nếu muốn con bạn thật hứng thú với việc đọc sách thì bạn phải thật sự vui thích và thoải mái khi chơi cùng với con.
Hôm ấy, tôi dẫn cháu bé nhà tôi đến thư viện chơi thì vô tình gặp người bạn Mỹ đồng nghiệp cũng dẫn con đến. Chúng tôi trò chuyện trong khi tụi nhỏ thì chơi đùa. Trong lúc chơi, con trai của người bạn tôi gọi mẹ lại, vừa nói vừa chỉ tay lên trên tường: “Mommy, this is Yesterday, the day happened before Today”. (Mẹ ơi, đây là Ngày hôm qua, ngày đã xảy ra trước Ngày hôm nay). Tôi liếc nhìn theo thì thấy trên tường có một vòng tròn xoay đính vào có ghi chữ Yesterday. Tôi ngạc nhiên tròn xoe mắt hỏi bạn: “Ủa, con của mày biết đọc à”?. “Ừ, cháu nó biết đọc được một ít” bạn tôi khiêm tốn trả lời. Lúc ấy con người bạn tôi mới được 2 tuổi. Thực ra sau này tôi mới biết là cháu bé con bạn tôi lúc đó đã có thể đọc được hàng trăm từ. Thế là chúng tôi bắt hào hứng nói về chuyện dạy đọc cho các con…
 Kể từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về việc người Mỹ dạy trẻ biết đọc và yêu thích việc đọc sách như thế nào. Tôi có một thuận lợi là nhà tôi ở gần thư viện công cộng của thành phố (Columbia Public Library) nên tôi có dịp thường xuyên sang chơi và chứng kiến được những câu chuyện thực tế về việc người Mỹ dạy trẻ đọc sách.
Mỗi lứa tuổi đều có những cuốn sách với cách thiết kế và nội dung phù hợp. Có những cuốn sách có thể sờ để rèn luyện xúc giác…
Không bao giờ là quá sớm khi đọc sách cho con nghe
Tôi thấy ở thư viện người ta dẫn trẻ đủ mọi lứa tuổi đến đây đọc sách, từ vài tháng tuổi đến vài tuần tuổi, thậm chí có rất nhiều bà mẹ đang mang bầu cũng đến đây tham gia đọc sách. Điều thú vị là ở đây người ta luôn tìm thấy được các thể loại sách phù hợp với mọi lứa tuổi của trẻ.
Tắt thiết bị điện tử để mở cửa sổ tâm hồn
Mặc dù công nghệ phát triển nhưng các nhà giáo dục Mỹ khuyến cáo không cho trẻ em dưới 2 tuổi tiếp xúc với Tivi hoặc iPad (hoặc các thiết bị điện tử có màn hình khác). Đối với trẻ từ 3-5 tuổi thì chỉ nên xem tivi tối đa 1 h và phải hoàn toàn không có cảnh bạo lực. Còn đối với trẻ từ 6-12 tuổi thì tối đa là 2 h cũng không được có cảnh bạo lực. Những thiết bị điện tử thường được cài đặt chương trình phần mềm giới hạn thời gian sử dụng cho trẻ. Thay vào việc xem tivi và sử dụng iPad, các gia đình Mỹ thường cho trẻ vận động ngoài trời và đọc sách trong thư viện.
Thay vì sử dụng flash card thì kể những câu chuyện
Ở đây, tối thấy rất ít người Mỹ sử dụng các thẻ ghi nhớ nhanh (flash card), kể cả trong gia đình và tại trường học mẫu giáo. Tôi hỏi một vài giáo viên ở đây thì họ nói flash card không giúp được trẻ có trí sáng tạo (creativity) và liên kết (connection) tốt. Tôi tìm hiểu thì được biết ở đây họ có cả hội “No Time for Flash Cards” giúp các bố mẹ và giáo viên có thêm các ý tưởng về tổ chức trò chơi sáng tạo dành cho trẻ thay vì chỉ sử dụng flash cards. Theo họ thì những câu chuyện kể sẽ có tính kết nối và liên tưởng cao hơn khi chỉ sử dụng flash card rời rạc.
Đọc to và diễn cảm, giả giọng làm trẻ tập trung cao hơn
Để ý việc đọc sách của người Mỹ cho trẻ, tôi thấy họ đọc khá to, rõ ràng, diễn cảm, thậm chí là giả giọng các nhân vật.  Tôi tìm hiểu thì được biết đặc biệt với trẻ dưới 5 tuổi, việc đọc to và giả giọng giúp trẻ tập trung cao hơn và tăng trí nhớ tốt hơn. Ở thư viện hàng tuần đều có chương trình “Family Story Time” hay “Baby and Toddler Time” chuyên kể chuyện, đọc sách có ngữ điệu và hát những bài hát có vần.
Chuẩn bị tủ sách cho con
Các gia đình Mỹ thường có phòng riêng cho các con. Trong phòng riêng ấy, luôn có một không gian làm tủ sách nhỏ cho con trở thành hành trang trong suốt tuổi thơ của trẻ. Mặc dù sách ở Mỹ mua mới thì khá đắt, chẳng hạn những cuốn sách nhỏ dành cho trẻ mẫu giáo thôi đã khoảng $15 -20. Nên phần lớn những gia đình thường mua sách đã qua sử dụng, giá rất rẻ chỉ còn $1-2 mà chất lượng vẫn còn rất tốt vì sách in ở Mỹ khá là bền. Ở Mỹ có nhiều tổ chức cho sách miễn phí, chẳng hạn như Dolly Parton’s Imagination Library phát sách miễn phí hàng tháng dành cho trẻ em từ 0 đến 5 tuổi, đặc biệt sách phù hợp theo đúng độ tuổi của trẻ. Ngoài sách mua và sách được cho miễn phí, thì các gia đình còn có thể mượn sách ở thư viện cũng miến phí luôn. Mỗi lần đi thư viện, các gia đình mượn sách cho con đến cả 20-30 cuốn, được giữ sách được 3 tuần và gia hạn thêm sau đó mỗi tuần.
Dẫn con đến thư viện thường xuyên
Thư viện công cộng ở Mỹ được đầu tư xây dựng khá quy mô và sạch đẹp. Bên trong thư viện luôn khu vực dành riêng cho trẻ nhỏ vui chơi, được thiết kế rất sáng tạo và có tính giáo dục rất cao. Ngoài các loại sách được phân theo cái độ tuổi khác nhau (Baby, Toddler, Preschool, Kindergarten, K-12….) thì cũng có những đồ chơi phong phú dành cho trẻ. Điểm đặc biệt là các thư viện luôn có các chương trình đọc sách cho trẻ và các chương trình giao lưu đọc sách làm cho việc đọc sách trở nên tương tác và hứng thú hơn rất nhiều. Các gia đình có con nhỏ mới sinh ra chừng một vài tháng cũng dẫn con đến đây chơi rất đông vui. Nhờ vào việc thư viện ở đây mở cửa từ 9 sáng đến 9 giờ tối các ngày trong tuần và mở nửa ngày vào ngày cuối tuần, nên hầu như rất thuận tiện cho các ông bố bà mẹ nếu bận rộn giờ đi làm vẫn có thể dẫn con đến thư viện chơi vào buổi tối hoặc cuối tuần.
Đọc sách như việc tưới nước hàng ngày chăm sóc cây
Nếu nhà chúng ta trồng cây, chúng ta sẽ tưới nước vào thời gian nào? Thường là vào buổi sáng sớm và buổi chiều tối phải không. Thì việc đọc sách cho trẻ cũng giống vậy. Ở Mỹ người ta thường đọc sách cho các bé vào sáng sớm và trước khi đi ngủ. Sáng sớm thức dậy sau một đêm ngủ sâu và dài, đầu óc bé khá tỉnh táo và nhạy bén, bé có thể ghi nhớ và hấp thụ rất nhanh các từ ngữ, câu chuyện mới mà chúng ta kể bé nghe. Còn vào buổi tuổi, trước gì đi ngủ, các bé thích được các ba mẹ đọc cho nghe những câu chuyện êm dịu, để đưa bé vào giấc ngủ. Những thói quen này có thể kéo dài từ lúc bé mới sinh ra cho đến lúc bé vào bước vào tuổi trung học (13-15 tuổi). Như vậy, thời gian đọc sách mà những cha mẹ người Mỹ dành cho con khá là dài và đều đặn.
Theo Tri thức trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét