Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Sharing Việt Nam - VN góc nhìn của Việt Kiều P1 - Trần Hùng John

Chàng trai Mỹ gốc Việt đánh cược sinh mạng vì Việt Nam

Một người Mỹ gốc Việt đang quyết định thực hiện kế hoạch xuyên Việt mà không mang theo một đồng tiền, cắc bạc nào chỉ để chứng tỏ cho thế giới thấy người Việt Nam vô cùng tốt bụng và dễ mến.
Gần đây, trên mạng có nhiều bài viết của những du khách nước ngoài cho rằng Việt Nam không phải là điểm lý tưởng để du lịch vì sự thiếu an toàn và người Việt Nam không thật sự thân thiện. Với mong muốn xóa bỏ những ý nghĩ sai lầm đó, John Trần, một người Mỹ gốc Việt, đã quyết định thực hiện kế hoạch xuyên Việt để khám phá cảnh đẹp quê hương dọc từ Bắc đến Nam mà "không một xu dính túi". Đây là một ý tưởng điên rồ, ẩn chứa nhiều nguy hiểm, thế nhưng John Trần vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch này. Anh mong nhận được sự giúp đỡ của những người anh sẽ gặp và những địa phương nơi anh sẽ đi qua trong suốt hành trình từ Hà Nội đến Tp. Hồ Chí Minh. Dưới đây là chia sẻ của John Trần về hành trình khám phá và chứng minh cho thế giới thấy "người Việt Nam vô cùng tốt bụng và dễ mến".
"Tên tôi là John Trần, tôi là một người Mỹ gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Tôi đã tốt nghiệp đại học California-Berkeley năm ngoái và hiện nay đã sống và làm việc ở Việt Nam được 9 tháng. Tôi đã làm MC truyền hình tại VTC10 và gần đây tôi mới chuyển qua làm việc cho VTV4.
Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình và kế hoạch đi khám phá từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh. Điều này có thể nghe qua rất bình thường vì không ít người đã làm việc này. Nhưng trong chuyến đi này, tôi sẽ không mang theo tiền, mà chỉ dựa vào sự hiếu khách và lòng tốt của những người Việt Nam tôi gặp trên đường đi, với mong muốn họ sẽ giúp đỡ tôi kiếm đồ ăn, chỗ ngủ, phương tiện đi lại,v.v... Gần đây đã có rất nhiều bài viết từ những người nổi tiếng và các bloggers người nước ngoài cho rằng Việt Nam không phải địa điểm lý tưởng để đi du lịch bởi vì sự thiếu an toàn và những người bản xứ không thật sự thân thiện. Điều đó đang đem đến tiếng xấu cho Việt Nam. Ngay cả một vài người bạn Việt Nam mà tôi chia sẻ ý tưởng này cũng nghĩ rằng nó thật điên rồ và chắc chắn sẽ nguy hiểm hoặc quá khó khăn đến mức khiến tôi từ bỏ cố gắng. Nhưng không, tôi sẽ không từ bỏ bởi vì tôi sẽ đến được TP.HCM hoặc tệ hơn là bỏ mạng.
Tôi thực sự rất buồn khi người Viêt Nam không tin vào lòng tốt của nhau. Trong thực tế trước khi tới Việt Nam, rất nhiều người Mỹ gốc Việt nói với tôi đừng đặt chân đến việt Nam bởi vì người dân ở đây nguy hiểm và rất giỏi trong việc lợi dụng người khác. Và bây giờ khi đang ở đây tôi biết rằng điều họ nói hoàn toàn không đúng, và tôi rất muốn chứng minh cho cả thế giới biết rằng người Việt Nam vô cùng tốt bụng và dễ mến.
Tôi cần sự giúp đỡ của các bạn trong việc đưa câu chuyện này đến với mọi người và theo dõi từng bước của tôi trong hành trình đi vào Nam. Tôi sẽ viết những câu chuyện tôi được trải nghiệm qua nhật kí và cập nhập thường xuyên khi tôi có thể sử dụng internet nhưng có lẽ sẽ không được đều đặn. Chuyến đi của tôi sẽ bắt đầu vào chiều ngày 12 tháng 6. Tôi chỉ đi một mình cùng chiếc camera cầm tay để ghi lại những bước đi của mình. Những gì tôi mang theo chỉ là một chiếc túi du lịch cùng vài bộ quần áo với chiếc điện thoại di động và hoàn toàn không đem theo một chút tiền nào. Tôi sẽ nhờ những người Việt Nam tôi gặp để giúp đỡ về vấn đề sinh hoạt và phương tiện đi lại.
Tôi hiểu rằng chuyến đi sẽ rất nguy hiểm và nhiều điều có thể xảy ra, và điều đáng sợ nhất là cái chết. Mọi thứ sẽ không được sắp đặt trước và tôi phải hoàn toàn dựa vào bản thân trong quãng đường đến thành phố Hồ Chí Minh. Tôi hiểu sẽ có những lúc không có thức ăn, nước uống, không có chỗ để nghỉ ngơi nhưng tôi sẵn sàng đánh cược tính mạng của mình. Mặc dù nhiều người không đồng tình, nhưng tôi tin rằng tôi có thể thành công. Tôi tin những người Việt Nam sẽ giúp đỡ tôi trong nhiệm vụ mà ai cũng tin rằng là bất khả thi này. Tôi sẽ chứng tỏ với mọi người rằng người Việt Nam rất thân thiện và sẵn lòng giúp đỡ những ai cần sự hỗ trợ".
Theo anninhthudo.vn

Chàng trai Mỹ hối thúc thanh niên Việt dám nghĩ dám làm

Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, sa đà vào những dại dột của tuổi trẻ trước khi về Việt Nam, có lẽ Hùng sẽ chẳng bao giờ nổi tiếng nếu không có cú quyết định quay về quê hương. Việc miệt mài đi dọc Việt Nam, không một đồng xu dính túi trong ví, thực chất thoạt đầu cũng chỉ là ý tưởng ngông cuồng tuổi trẻ. Nhưng thời buổi của sự hấp dẫn dễ dàng về những hành động gây "sốc” trên mạng internet, đã khiến cư dân mạng đủ mọi lứa tuổi bị thu hút bởi một ý tưởng "gần như ngông cuồng” và khó hiểu. Thế rồi, Hùng cập nhật hành trình của mình mỗi ngày trên blog và thu hút sự quan tâm của nhiều người theo dõi hành trình của Hùng. Vậy là từ trước khi ra mắt cuốn sách "John đi tìm Hùng”, hành trình "đi dọc Việt Nam với chiếc ví rỗng” của Trần Hùng John đã tạo được sự chú ý trong dư luận mạng.
Cuốn sách ra đời ngay lập tức được đón nhận nhiệt thành từ nhiều tầng lớp độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ bởi ăn theo sức nóng từ cộng đồng mạng. Đương nhiên, không phải công chúng vô lý khi hâm mộ Hùng. Đi và kể. Với mục đích đi để hiểu về nước Việt và người Việt làm hành trang, Trần Hùng John phát hiện ra tính cách Việt Nam là không đổi ở hai bên bờ Thái Bình Dương. Một người Việt ở Việt Nam hay người Việt ở Mỹ cũng luôn dành tình cảm tha thiết cho gia đình, cố gắng giữ gìn những giá trị tốt đẹp của truyền thống Việt. Nhưng Hùng cũng chỉ ra (dù còn phải bàn cãi), thói xấu của không ít người Việt như thụ động, ỷ lại, thiếu ý chí tự lập và vươn lên…
Trang 78 bản mềm (trang 113 bản giấy) cuốn sách in đoạn trích dẫn
Từ California, Trần Hùng John bất ngờ khi biết một câu trong cuốn sách của anh viết rằng 'phần lớn người Việt Nam thụ động" trở thành chủ đề nghị luận trong môn Văn dành cho khoảng 4.000 thí sinh dự thi đại học ở Việt Nam.
Đề thi đại học môn Văn khối D vừa qua có một câu hỏi gây tranh cãi, trích dẫn một đoạn trong cuốn sách mới ra mắt tháng trước tại Việt Nam của Hùng John, 24 tuổi. "Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn", Trần Hùng John viết trong quyển "John đi tìm Hùng". Anh/chị có đồng tình với ý kiến trên không? Hãy trao đổi với Trần Hùng John và bày tỏ quan điểm sống của chính mình. 
Đề văn này đã gây nhiều ý kiến trái chiều trên các mạng xã hội. VnExpress trò chuyện với Hùng John về ý nghĩ của anh quanh sự kiện "gây sốc" này. 
- Anh có thể chia sẻ cảm xúc đầu tiên khi biết quyển "John đi tìm Hùng" được trích dẫn làm câu hỏi nghị luận trong đề văn đại học khối D năm nay, trong khi nhiều năm trước, chỉ có tác phẩm của các tác gia lớn trong sách giáo khoa mới được lấy làm đề thi?         
- Lúc đầu tôi hơi sốc khi một người bạn đăng đề Văn năm nay lên trang Facebook của tôi. Tôi không thể tin rằng mình sẽ có vinh dự này khi vẫn còn quá trẻ. Tôi thấy rất vui và tự hào vì thành tựu này. Cảm giác thật tuyệt khi biết thông điệp và tên của mình được hàng nghìn học sinh biết đến.  
- Hùng có biết vì sao sách của anh được trích đăng trong đề thi đại học năm nay không?
- Để đoán xem ai đó đã nghĩ gì là điều không thể. Tôi, cũng như nhiều người khác, bị sốc khi sách được trích trong bài thi. Nhưng chắc phải có điều gì hấp dẫn ở câu nói đó nên mới thuyết phục người ra đề chọn nó.
- Anh nghĩ gì khi có không ít học sinh sau buổi thi nói họ không đồng tình với ý kiến của bạn, có người còn tỏ ra giận dữ?
- Nếu họ giận dữ thì có thể điều tôi nói là đúng. Việc gì phải tức giận với một điều không đúng?
Tôi nghĩ mọi người đều có quyền đưa ra quan điểm riêng của họ. Nếu bạn đồng ý, bạn sẽ làm gì để thay đổi điều đó. Còn những người không đồng ý với tôi, tôi sẽ không đề nghị họ giải thích hay đưa ví dụ, mà hãy hành động để chứng minh điều ngược lại.
Hãy dám làm điều mà bạn thực sự thấy hạnh phúc, chứ không phải điều bố mẹ muốn, hay xã hội buộc bạn phải làm.
768-10151712564519994-1158281765-n-13735
Độc giả xếp hàng chờ Trần Hùng John ký tặng sách tại buổi ra mắt ở Hà Nội hôm 2/6
- Dựa trên cơ sở nào mà anh rút ra nhận định rằng phần nhiều người Việt không dám "dẫn đường"?
- Tôi nghĩ rằng kết luận này được rút ra sau khi tôi gặp nhiều người, lắng nghe câu chuyện của họ và phân tích chúng. Tôi có bằng về tâm lý và được hướng dẫn cách quan sát, đánh giá mọi người.
Điều này tất nhiên là quan điểm cá nhân của tôi. Nó có thể sai, có thể đúng, nhưng đó là một quan điểm. Một ví dụ có thể minh họa cho điều này là khi bắt đầu học ở Việt Nam lần đầu tiên. Trong lớp, tôi quan sát thấy trong các cuộc thảo luận, không có học sinh Việt Nam nào dám đặt câu hỏi hay chia sẻ quan điểm đầu tiên, mà phải chờ các học sinh nước ngoài làm điều đó. Vấn đề này không thể được đo đếm bằng những công cụ thông thường, vì vậy tôi chắc là cũng khó chứng minh.
Nhưng tôi có cảm giác như là người Việt Nam vẫn chưa đạt được tối đa tiềm năng của mình và đó có thể là một trong những vấn đề.  
- Theo anh, làm thế nào để có nhiều người tiên phong hơn?
- Tôi nghĩ giải pháp bắt đầu ngay từ gia đình. Tôi nghĩ rằng các ông bố bà mẹ cần buông con của họ ra và đừng quá bao bọc con. Việc cho trẻ em đối mặt với khó khăn, thử thách là điều bình thường. Tôi nghĩ rằng khi trẻ em học được cách trở nên độc lập và dũng cảm hơn, các em sẽ dám mơ ước và làm nhiều hơn thế.
Gia đình và quê quán là hai yếu tố quan trọng vì đó là nền tảng của bạn, nhưng chủ yếu vẫn là phụ thuộc vào cá nhân mỗi người. Tôi nghĩ mọi người quyết định số phận của chính họ. Nếu thực sự tin tưởng vào điều gì đó và làm mọi thứ bằng hết sức lực để đạt được nó, chẳng có gì có thể ngăn bạn tới thành công. 
- Anh đã gặp người Việt Nam nào đi ngược lại số đông mà anh nhận định trong bài thi Văn năm nay chưa?   
- Có, như tôi đã viết trong sách, tôi từng gặp anh Quy, một nông dân 30 tuổi ở Hà Tĩnh. Anh tốt nghiệp cao đẳng nhưng thay vì vật lộn ở thành phố với đồng lương tháng từ 5 đến 7 triệu đồng, anh trở về quê và đầu tư vào trang trại. Anh nuôi đủ các loại vật nuôi để bán và kiếm được gấp đôi số tiền trên mỗi tháng, mà lại không phải làm nhiều. 
Anh ấy là sếp của chính mình và được làm những việc anh thích. Anh muốn thật sự thành công để có thể giúp đỡ các nông dân khác.
Có một điều mà tôi cho là đã góp phần giúp anh Quy trở nên khác biệt, là anh ấy đi nhiều. Anh ấy làm ở nhiều nơi một thời gian. Khi cha anh mất, anh phải về nhà để chăm sóc mẹ vì là con một. Tôi nghĩ đi chu du khắp nơi và trải nghiệm nhiều điều đã giúp anh ấy thay đổi tư duy.
- Hùng John đã hai lần đi xuyên Việt, sống và làm việc cùng người dân dọc đất nước. Ai hay điều gì đã truyền cảm hứng cho anh thực hiện những chuyến xuyên Việt này?
- Việc muốn trở nên "Việt Nam" hơn đã thôi thúc tôi. Tôi đã sống ở Việt Nam một năm rồi nhưng không thực sự hiểu Việt Nam có gì. Và nhiều người cũng bảo tôi rằng tôi sẽ không bao giờ hoàn toàn Việt Nam vì tôi không sinh ở Việt Nam. Điều này đã truyền cảm hứng cho tôi xách ba lô lên và đi tìm câu trả lời. Đó là lý do tôi sống và làm việc cùng những người từ mọi nẻo đường của cuộc sống. Cuối cùng tôi nhận ra rằng chính cảm giác bên trong mới là điều quan trọng nhất. 
- Dự định sắp tới của anh là gì?
- Từ tháng 8 đến cuối tháng 9, chúng tôi sẽ có một book tour (tour giới thiệu sách) dọc Việt Nam. Tôi sẽ đi xuyên Việt để đem cuốn sách và thông điệp của tôi đến những thị trấn, thị xã, nhưng lần này sẽ không phải là đi bộ. 
Cũng sẽ có một số sự kiện ở các thành phố lớn với những người trẻ thành công như Toàn Shinoda, một Vlogger trên YouTube, nghệ sĩ nhạc rap Việt Phương. Các bạn này sẽ đến và biểu diễn, nói chuyện với mọi người để truyền cảm hứng cho họ theo đuổi ước mơ, làm những điều khác biệt.
Theo Trọng Giáp - VnExpress

Tôi làm người tàng hình

(Dân trí) - Đã từ lâu tôi phát hiện ra mình có khả năng tàng hình. Các bạn cứ nghĩ thế là thích quá chứ gì? Không hề! Phiền toái cực kỳ. Chung quy chỉ tại những thói quen vô bổ vớ vẩn tôi trót nhiễm sau suốt thời sinh viên 5 năm ở nước ngoài.

Tôi rời Việt Nam năm 17 tuổi, tới 22 tuổi quay về thì mới phát hiện ra mình đã trở thành người tàng hình. Lần đầu tiên tôi khám phá chuyện này là khi đi làm cái bằng lái xe. May sao hôm đó vắng, tôi cầm tập hồ sơ, đứng huýt sáo chờ một bác đang nộp và làm thủ tục phía trước. Bác ấy vừa xong thì một chị từ phía sau lướt qua tôi, phi lên đặt oạch giấy tờ vào ô cửa, nói oang oang: “Anh ơi cho em nộp hồ sơ”. Tôi gãi đầu gãi tai, không hiểu gì, đứng chờ tiếp. Chị ấy xong, tôi vừa dợm bước lên thì lại từ đâu một anh khác phóng tới, chen vào ngay. Cứ như thế mấy lượt, tôi nghĩ mãi mà không hiểu sao, sau tôi chỉ còn cách giải thích: “À, chắc mình tàng hình, nên không ai nhìn thấy mình đang xếp hàng, nên xảy ra chuyện đó là phải rồi!”
Giả thuyết của tôi nhanh chóng được kiểm chứng. Lần lượt, hộ chiếu hết hạn, chứng minh thư bị mất, đi khám sức khỏe, nộp hồ sơ xin việc, đi công chứng, đi nộp thuế, đi mua vé, mua hàng siêu thị, vân vân và vân vân, việc gì cũng xảy ra y hệt, khiến tôi đoan chắc rằng mình thực sự là một người tàng hình. Và lần nào tôi cũng phải “vận hết công lực” để cho mình hiện nguyên hình, để trải qua được mọi việc một cách vất vả.
Nhưng không chỉ có những việc đó là phiền toái đâu nhé. Làm người tàng hình còn nhiều cái khổ nữa. Ví dụ như có hôm tôi mở cánh cửa kính bước vào một cửa hàng lớn. Theo thói quen, tôi quan sát phía sau thấy có một anh ăn mặc rất bảnh đang bước tới gần. Tôi liền lấy tay giữ cửa kính lại, thậm chí còn mỉm cười. Nhưng, anh ấy điềm nhiên bước thẳng vào, không hề giơ tay đỡ lấy cửa kính như tôi vốn đã quen, không thèm nhìn tôi tới nửa cái, chứ đừng nói tới mỉm cười hay cảm ơn. Lúc đó tôi mới sực nhớ rằng mình tàng hình. Vâng, tôi đã làm một người gác cửa tàng hình, phục vụ tận tụy cho vị khách may mắn nọ.
Ngoài ra thì những phiền toái nho nhỏ đối với một kẻ tàng hình là không đếm xuể. Đang đi bộ bị hắt nước vào người, vào mặt là chuyện cơm bữa. Rồi đang đi xe máy bị nước bọt, tàn thuốc lá, rác rưởi, bã kẹo cao su… từ bốn phương tám hướng văng vào người, vào mặt cũng là chuyện dính mãi thành quen. Người tàng hình khi đi bộ qua đường thì không bao giờ có chuyện xe cộ dừng lại nhường đường, mà họ cứ phóng vèo vèo luồn lách đằng trước, đằng sau, bên phải, bên trái, đến phát khiếp vì đau tim. Vào thang máy rồi, nếu cửa đang đóng mà thấy ai đang vội vã bước tới phía ngoài, tôi bấm nút mở lại cửa cho họ vào, nhưng vì tôi tàng hình nên đối với họ, cửa tự mở một cách thần kỳ. Trót đứng ở chỗ nào vướng đường người khác, thay vì được nghe “cho tôi đi nhờ”, thì kẻ tàng hình như tôi cứ thế bị huých bật ra, hoặc nhẹ hơn là lấy tay gạt ra, để lấy chỗ cho họ đi. Ngồi quán ăn hoặc quán café, kẻ tàng hình dù không chịu được khói thuốc nhưng vẫn cứ bị phả khói mù mịt vào mặt vào mũi.
Ấy thế mà có lần ở bể bơi, tôi chẳng may lơ đễnh vào nhầm buồng tắm nữ,  mấy bà mấy chị ở trong đó lại vẫn hét ầm lên mới lạ chứ, khiến tôi phải xin lỗi rối rít! Vậy là sao nhỉ?
Tuấn Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét