Thịt chó: 'Truyền thống hay tàn bạo?'
Một lễ hội ăn thịt chó
thường niên ở Trung Quốc vẫn sẽ diễn ra dù gặp phải nhiều phản đối mạnh mẽ từ
các nhóm bảo vệ động vật.
Theo báo South
China Morning Post, lễ hội thịt chó ở xã Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây sẽ được tổ
chức vào dịp Hạ chí 21/06/2013.
Theo các nhà hoạt động
bảo vệ động vật, có ít nhất 10.000 con chó bị giết trong mỗi mùa lễ hội.
Các nhà hoạt động cũng
lo sợ, nhu cầu lớn về chó có thể dẫn đến việc bắt trộm chó nuôi hoặc chó hoang.
Tuy nhiên, phía chính
quyền nói toàn bộ số chó tiêu thụ trong lễ hội là chó được nuôi trong các trại
địa phương.
Nhóm bảo vệ động vật đã
nỗ lực ngăn chặn lễ hội này, từ việc biểu tình phản đối cho tới gửi kiến nghị
công khai tới chính quyền Ngọc Lâm và thư kiến nghị tới tòa Bạch Ốc.
Nhưng một người dân địa
phương, xưng là Annie, nói rằng, cô ủng hộ lễ hội ăn thịt chó vì đây là một
phần truyền thống của Ngọc Lâm.
“Thật không công bằng
khi gọi người Ngọc Lâm là tàn ác chỉ vì truyền thống ăn thịt chó này. Những ai
gọi chúng tôi là thiếu văn minh và ác nên tự mình bỏ ăn thịt trước thì hơn,”
Annie nói với South China Morning Post.
Trong lá thư kiến nghị
của tổ chức chuyên vận động chính phủ các nước để ngưng ăn thịt chó, No to Dog meat (Nói không với thịt chó) gửi đại sứ Trung Quốc tại Anh có
đoạn viết:
“Chúng tôi trân trọng
nhắc ông rằng, việc hành hạ, đánh đập, mổ thịt và luộc sống chó, mèo trong một
lễ hội trước dân chúng là không thể chấp nhận được trong thiên niên kỷ này, và
giờ là lúc đưa sự khác biệt văn hóa sang một bên trong vấn đề này...
...Thịt chó, mèo là
loại thực phẩm không được phân loại, không được kiểm soát và sức khỏe cũng như
tỷ lệ mắc bệnh là mối đe dọa có thực đối với công dân của ông.”
Phía chính quyền Ngọc
Lâm từng hứa trước bức thư ngỏ của nhà hoạt động bảo vệ động vật Trung Quốc Du
Yufeng, rằng họ sẽ giám sát chặt chẽ vệ sinh an toàn và không cho phép giết mổ
chó trước dân chúng trong lễ hội năm 2013.
Lễ hội truyền thống của
người dân Ngọc Lâm được cho là sẽ có hàng ngàn người tới thưởng thức các món ăn
đường phố làm từ thịt chó, như lẩu chó, thịt chó ăn kèm quả vải và uống rượu
quê.
Tuy nhiên, đồng hành
với Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc cũng bị các tổ chức bảo vệ động vật lên án
mạnh mẽ về việc ăn thịt và cách đối xử với chó mèo.
Chó nhà Thái lên bàn nhậu Việt
Hồi đầu tháng
06/2013, CNN có loạt bài và hình ảnh về việc buôn bán chó trái phép
từ Thái Lan về Việt Nam để đáp ứng nhu cầu thịt chó.
Đoạn video có cảnh báo
hình ảnh phản cảm, và bài viết thì mô tả cảnh hàng chục con chó bị nhốt trong
lồng chật cứng, thi thoảng cắn xé nhau vì chật chội.
Theo một nhà bảo vệ
quyền động vật, mỗi năm có khoảng 200.000 con chó sống được chuyển trái phép từ
Đông Bắc Thái Lan qua sông Mê kông tới các nhà hàng ở Việt Nam.
“Mất nước, stress, có
những con còn chết vì thiếu khí trên đường đi, mỗi chuyến đi kéo dài nhiều ngày
thường chở tới 1.000 con chó,” CNN viết.
Ông John Dalley từ Soi
Dog Foundation ở Phuket, Thái Lan cho biết, khoảng 98% số chó từ Thái Lan là
chó nhà, rất nhiều con trong số đó thậm chí còn đeo vòng cổ, được dạy biết nghe
theo mệnh lệnh.
Chó nhà là mục tiêu
chính của bọn bắt trộm chó vì chúng hiền hơn, dễ bị bắt hơn, ông Dalley cho
biết.
“Cái chính không phải
là việc ăn thịt chó là đúng hay sai, mà là các vụ buôn bán trái phép lên tới
hàng triệu đô la Mỹ mỗi năm do các nhóm tội phạm có tổ chức. Cách mà những con
chó này bị chở, và nếu còn sống sót để rồi bị giết, thật là kinh hoàng,” ông
John Dalley nói.
Ông Tuấn Bendixsen,
Giám đốc tổ chức Bảo vệ động vật châu Á nói, "chó là loài động vật cực kỳ
thông minh, nên nếu bạn giết một con chó ở ngay cạnh chuồng có những con khác,
chúng sẽ hiểu điều gì đang xảy ra."
Thịt chó ở Việt Nam vẫn
được coi là món ăn bổ dưỡng, và còn có tác dụng ’giải đen’ nếu ăn vào những
ngày cuối tháng hay cuối năm.
Hồi tháng 4/2013, báo
chí Việt Nam cho đăng nhiều ý kiến phản hồi của người Việt Nam về việc một du
khách Pháp nói sẽ không quay trở lại Việt Nam vì ăn thịt chó.
Trong đó, nhiều người
cho rằng, ăn thịt chó là nét văn hóa, người phương Tây không nên áp dụng những
giá trị văn hóa khác biệt của họ vào Việt Nam.
Trên mạng xã hội Việt
Nam hiện nay có nhiều Hội những người Không ăn thịt chó mèo với ảnh
chó mèo, động vật rất dễ thương, và cả Hội những người thích ăn thịt chó để ảnh
thịt chó đã chế biến trình bày đẹp đẽ trên đĩa.
Cách đây không lâu cũng
xảy ra vụ chết người đi bắt trộm chó ở Nghệ An, do bị người dân đánh đập.
Theo No to Dog meat, ở
châu Á hiện còn có các nước như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Lào cũng ăn
thịt chó mèo.
Cảnh sát Thái cứu chó khỏi bàn nhậu Việt &
bắt người Việt vì buôn lậu chó
Nhà chức trách ở Thái Lan cho biết đã giải cứu được trên 1.000
con chó từ các tay buôn lậu đang trên đường chở qua cho thị trường tiêu
thụ thịt chó ở Việt Nam.
60 chú chó đã được giải thoát
khi đang bị đưa lậu từ tỉnh Nakhon Phanom của Thái Lan sang Việt Nam qua ngả
sông Mekong, tờ Bangkok Post của Thái Lan tường thuật.
- Ngày 26/11 Cảnh sát quận Ban
Phaeng nói họ đã chặn được một chiếc xe bán tải có chở 6 chiếc lồng, mỗi lồng
nhốt 10 chú chó. Tất các các chú chó đều bị rọ mõm để không thể sủa được, cảnh
sát nói. Chúng đang bị chở tới sông Mekong, đoạn tại Ban Don Phaeng thuộc quận
Phaeng để từ đó sẽ bị chuyển xuống một chiếc thuyền vượt sông sang Việt Nam,
nơi chúng sẽ bị bán để giết thịt. Cảnh sát hiện vẫn đang truy tìm tài xế chiếc
xe bán tải, người đã chạy thoát. Toàn bộ số chó trên đã được gửi tới Trạm Kiểm
dịch Thú y Nakhon Phanom.
Nakhon Phanom, một tỉnh đông bắc
Thái Lan, nơi gần biên giới với Việt Nam và Lào, có thể coi là một điểm nóng về
tình trạng buôn lậu chó từ Thái Lan sang Việt Nam. - Hồi tháng 6/2011, giới
chức địa phương đã bắt giữ 2 người đàn ông khi đang tìm cách đưa lậu 120 chú chó sang Việt Nam
tiêu thụ. Số chó trên được chở trên 2 xe bán tải, và 2 tài xế, gồm 1 người Thái
24 tuổi và 1 người Việt 23 tuổi, đã nhận tội.
Cảnh sát Thái Lan cho biết 120 con chó
này sẽ bị bán sang thị trường Việt Nam để phục vụ cho nhu cầu tiêu
thụ thịt chó. Cả ngàn con chó được nhập khẩu về Việt Nam từ Thái
Lan cho nhu cầu tiêu thụ thịt chó trong nước.
Thiếu tá Detchai Wannapruek nói 2 người này được thuê
lái những phương tiện này đến biên giới, nơi những con chó này sẽ
được đưa sang Việt Nam. Họ đã bị bắt và bị truy tố vì tội vận chuyển động vật
trái phép, không có giấy phép buôn bán động vật và đối xử tàn bạo
với chúng. Theo luật
Thái Lan hình phạt nặng nhất trong trường hợp này là 1 năm tù và
nộp phạt 20.000 baht, tức khoảng 670 đôla. Các tay buôn lậu thường vào
làng quê để thu mua hoặc bắt chó hoang.
Vụ chặn bắt hồi tháng 8/2011 đã giải cứu được hàng trăm
chú chó bị nhồi nhét trên 4 xe tải chở lậu ở tỉnh Nakhon Phanom.

Phairat Prathmsuwan, quan chức
thú y tỉnh này nói toàn bộ số chó được giải cứu khỏi nạn buôn lậu tính đến nay
là 721 con được cứu sống, trong đó tính cả 60 con được cứu thoát hôm qua, và
574 con bị chết; có 285 con đã được các gia đình nhận về nuôi.
Cũng tại tỉnh này, hồi giữa tháng 8, cảnh sát Thái
Lan đã giải cứu 1800 con chó ở tỉnh Nakhon Phanom đang trên đường vận
chuyển lậu. 2 người đàn ông Thái và 1 người đàn
ông Việt Nam bị bắt giữ và bị cảnh sát cáo buộc vận chuyển buôn bán động vật
trái phép.
Các vụ bắt giữ trên khiến nạn buôn
bán lậu chó sang Việt Nam để giết thịt đã có lúc trở thành tin hàng đầu ở Thái
Lan. Thương cảm cho số phận của những con vật tội nghiệp, người dân Thái đã
quyên góp hơn 20 triệu baht (tương đương chừng 667.000 đôla Mỹ) nhằm cứu giúp
chúng.
Một cuộc biểu tình kêu gọi bảo vệ loài chó ở Hàn Quốc - đất nước vốn nổi tiếng với những phố thịt chó sầm uất.
Một cuộc biểu tình kêu gọi bảo vệ loài chó ở Hàn Quốc - đất nước vốn nổi tiếng với những phố thịt chó sầm uất.
Báo chí Thái Lan cho hay rằng gần một nửa trong số
những con chó nói trên đã chết tại trung tâm cứu hộ do chúng được đưa
đến trong tình trạng sức khỏe rất kém. Cảnh sát khu vực nói thêm
rằng có 31 con chó đã chết và 89 con còn lại được đưa đến một trung
tâm chăm sóc nơi họ đã tổ chức việc cứu hộ cho những con vật đáng
thương này. Một chuyên
viên thú ý ở địa phương cho biết một trại chăn nuôi của chính phủ
hiện đang chăm sóc cho 1.011 con chó. Được biết 119 con đã bị chết
ngạt trên xe tải khi các tay buôn lậu tìm cách chạy trốn.
Thịt chó là món ăn khoái khẩu ở
Việt Nam, với những cửa hàng đặc sản chuyên phục vụ thịt chó mở ra rất phát đạt
ở một số tỉnh thành miền bắc Việt Nam. Trên thế giới có một số nước mà người
dân vẫn ăn thịt chó, như Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Mexico và Đài
Loan.
'Tôi từng suýt bị đánh ở Việt Nam'
Nhà hoạt động người Úc
chống ăn thịt chó mèo, Michele Brown, nói khó khăn lớn nhất trong công việc của
bà là nạn tham nhũng, và những người làm thịt chó 'hung dữ'.
Bà Michele Brown (phải) trong một lần giải cứu mèo ở Hy Lạp năm 2011
Bà Michele Brown (phải) trong một lần giải cứu mèo ở Hy Lạp năm 2011
Bà là một nhà báo
chuyên làm điều tra về thói quen ăn thịt chó mèo và buôn bán chó mèo trái phép
ở các nước châu Á.
Bà cũng là thành viên
của tổ chức Thế giới bảo vệ Chó mèo trong các hoạt động buôn bán thịt, và đang
thực hiện chiến dịch No to Dog meat (Nói không với thịt chó).
Trả lời phỏng vấn của
BBC hôm 18/06 từ Úc, bà Michele nói bà "luôn cố gắng nghe câu chuyện từ cả
hai phía. Ở Việt Nam, tôi có mối quan hệ với cả những người sống bằng nghề làm
thịt chó và cả phía chính quyền, để có thể hiểu được toàn bộ quá trình
đó."
Một phim ngắn sáu phút
do bà Michele Brown thực hiện về buôn bán thịt chó ở Việt Nam mang tên 'Bokdays
hidden in the land of morning calm' tháng trước được chiếu tại liên hoan phim
Cannes, Pháp.
BBC: Thưa bà, tình
hình buôn bán thịt chó ở Trung Quốc như thế nào, có giống Việt Nam không?
Ở Trung Quốc tình trạng
ăn thịt chó trải trên khắp cả nước, mà ở diện lớn hơn Việt Nam vì đây là đất
nước rất lớn, có dân số đông.
Và số chó mèo bị giết
thịt nhiều kinh khủng vì dân số đông. Có một số tỉnh đã nói là sẽ dừng việc ăn
thịt chó nhưng ở các nơi khác vẫn phổ biến.
Nhóm tình nguyện viên giải cứu hơn 500 con chó ở Trung Quốc, năm 2011

Các nhà hoạt động gặp
nhiều khó khăn ở Trung Quốc do tham nhũng nặng nề. Chuyện các tình nguyện viên
bị đánh đập không phải hiếm, đôi khi còn có những vụ đánh trọng thương.
Và thường chuyện đó xảy
ra ngay trước mắt cảnh sát, cảnh sát đứng xung quanh chiếc xe tải, bảo vệ cho
những người chở chó trái phép.
Hay việc các nhà hoạt
động bị côn đồ tấn công, vì cảnh sát được trả tiền để làm ngơ.
Mới đây một phụ nữ
người Mỹ lái xe hơn 220 cây số tới đại sứ quán Trung Quốc ở Washington gửi thư
kiến nghị nhằm phản đối lễ hội ăn thịt chó kéo dài ba ngày ở Ngọc Lâm.
Nhưng sứ quán Trung
Quốc từ chối tiếp bà ta và đóng cửa lại ngay trước mặt bà, sứ quán Trung Quốc ở
London cũng từng hành xử y như vậy.
BBC: Thưa bà, có
trường hợp tương tự về tham nhũng ở Việt Nam không?
Có chứ. Cô biết đấy,
tham nhũng ở Việt Nam tồn tại ở bao nhiêu cấp khác nhau.
Đất nước nào thì cũng
có chuyện tham nhũng thôi, đó là thực tế, nhưng Việt Nam thì khá nổi trội về
vấn đề này. Tôi từng phỏng vấn từ
công an hải quan cho tới những người giết mổ chó, thấy tham nhũng có ở mọi
khâu, ngay từ lúc vận chuyển.
Việt Nam cũng là nơi
cực kỳ nguy hiểm đối với các nhà bảo vệ động vật. Bản thân tôi từng suýt bị
đánh vài lần. Lần cuối tôi ở Việt
Nam, mới vài tháng trước, khu vực tôi tới không có du khách nước ngoài, chỉ
dành cho dân địa phương, nhưng tôi thuê một người hướng dẫn riêng và một lái xe
đưa tôi đến khu chuyên bán thịt chó.
Tôi bỗng nghe thấy
người hướng dẫn hét lên, “chạy đi, chạy đi”. Tôi quay lại, thấy anh ta đang co
giò chạy thật nhanh. Tôi quay lưng lại thì
có một toán người xông đến, và chỉ còn xíu nữa là tôi bị đánh. Người lái xe
cũng lái xe chạy mất, và nhất quyết không chịu quay lại gần đó.
Cả hai người này đều
rất sợ, và sau đó kể với tôi là có phóng viên người Việt Nam đến đây, bị đánh
rất dã man, máy ảnh, máy quay phim bị đập vỡ hết, không lâu trước khi tôi đến.
Tôi chưa từng bị tấn
công khi quay phim chụp ảnh bò, hay gà, nhưng khi ghi hình thịt chó thì khác
hẳn, người ta trở nên rất hung dữ, rồi người ta còn chửi bới, lăng mạ chúng tôi.
Chứng tỏ là chính họ
cũng cảm thấy có điều gì đó không đúng về mặt đạo đức nên mới hành xử như thế.
Phim ngắn về buôn bán thịt chó ở Việt Nam và châu Á của bà Michele Brown
Phim ngắn về buôn bán thịt chó ở Việt Nam và châu Á của bà Michele Brown
BBC: Chuyện đó xảy ra
ở đâu, Hà Nội hay Sài Gòn?
Ở khắp nơi, cả Hà Nội
cả Sài Gòn và những địa phương khác. Tôi đã từng đi khắp Việt Nam và chuyện đó cũng
xảy ra.
Ở Hà Nội thì người ta
ít bạo lực hơn, ít hung dữ hơn, nhưng người ta lại chửi bới, hò hét rất nhiều.
Còn ở Sài Gòn, theo trải nghiệm của tôi, họ có vẻ thiên về chân tay hơn.
BBC: Bà có làm việc
với giới chính quyền ở Việt Nam chưa, và bà có đưa họ đến những chỗ giết mổ chó
này không?
Tôi từng phỏng vấn công
an hải quan về vận chuyển chó trái phép, chúng tôi đã trao đổi hàng giờ liền,
nhưng nói chung, họ muốn nói với tôi rằng không có chuyện buôn bán thịt chó ở
Việt Nam, và rằng tôi mới chỉ đến có một chỗ thôi. Tôi biết những điều họ nói
là không chính xác.
Và họ ra dấu ám chỉ
chuyện nhận tiền, không phải gợi ý tôi phải đưa tiền cho họ, nhưng để nói là có
chuyện đó, và tất cả bọn họ cùng phá lên cười.
Tóm lại thì họ không
nói gì mới mẻ mà tôi chưa biết cả, và nhiều điều họ nói không chính xác chút
nào.
'Tra tấn tàn bạo'
BBC: Có người Việt Nam
nói thịt chó là đặc sản truyền thống, và phương Tây không nên áp dụng giá trị
của họ lên văn hóa châu Á, bà nghĩ sao?
Theo những nghiên cứu
của tôi dưới góc độ một nhà báo điều tra, và tôi cùng làm việc với những người
đi đầu trong lĩnh vực này trong suốt 30 năm qua, và họ là người châu Á.
Họ nói rất rõ rằng,
thịt chó, mèo được ăn trong thời kỳ đói kém và chiến tranh, thời không ai có
thức ăn, và thành thật mà nói, điều này xảy ra ở rất nhiều nước khác nhau trên
thế giới.
Nhưng chiến tranh đi
qua, và các loại thực phẩm đã trở nên đầy đủ hơn, dễ kiếm hơn, và thời đó,
những người ăn thịt chó thịt mèo thấy rất xấu hổ. Nhưng đến giữa thập niên 80,
thời kỳ bùng nổ kinh tế, những người liên quan tới đường dây tham nhũng để vẫn
chuyển động vật trái phép muốn tìm cách làm tiền, và thuyết phục mọi người
rằng, ăn thịt chó rất bổ, rất tốt, rằng đây là món ăn truyền thống.
Ở thời đại này, thực
phẩm đã đầy đủ hơn, chúng ta có nhiều lựa chọn hơn, đặc biệt là ở Việt Nam,
chúng ta không cần phải ăn thịt chó, thịt mèo.
Nhưng quan trọng hơn,
họ không cần phải tra tấn, đánh đập chúng, bởi điều đó là tàn ác.
BBC: Thế nếu có trang
trại chuyên nuôi chó để thịt, như trại nuôi gà, lợn, và đảm bảo vệ sinh nữa?
Tiêu chuẩn về nuôi, giết, mổ động vật ở Việt Nam khác biệt với thế giới
Trước tiên, chó và mèo không phải là loại động vật trang trại.
Trước tiên, chó và mèo không phải là loại động vật trang trại.
Nói cụ thể về trường
hợp Việt Nam, Việt Nam không có tiêu chuẩn về mổ thịt như ở các nước khác trên
thế giới.
Hồi tôi ở Việt Nam, tôi
chứng kiến cảnh sáu, bảy con lợn chân chổng lên trời bị buộc chặt trên chiếc xe
máy phi trên đường.
Ở rất nhiều nước khác
bạn không thể thấy cảnh đó bởi quy định về cách đối xử dã man với động vật.
Bên cạnh đó, chó mèo là
động vật sống chung với con người, không phải động vật nông trại.
Ở các lò mổ, chẳng hạn
như ở Úc, động vật lấy thịt được nuôi sao được sống thoải mái nhất, để có thịt
mềm hơn.
Thế nhưng ở Việt Nam,
mọi người thích ăn thịt chắc, và để thịt chắc, người ta tra tấn động vật rất rùng
rợn, động vật trước khi chết phải trải qua sợ hãi để tăng lượng adrenalin để
thịt chắc hơn.
Có các trại nuôi chó
lấy thịt ở Việt Nam, nhưng điều kiện sống cực kỳ tồi tệ, chúng bị đối xử dã
man, sống bẩn thỉu.
Tôi nghĩ nếu mọi người
biết nguồn gốc loại thịt mà họ đang ăn, chắc không ai dám ăn nữa. Rất nhiều chó
bị bệnh, đầy vi trùng vi khuẩn, giun sán vì không được tẩy giun, tiêm thuốc. Và
những loại này có thể lây sang người ăn thịt.
Rồi bệnh dại, đặc biệt
là những năm trước đây, từng là vấn đề lớn ở Việt Nam, và rất nhiều bệnh khác
nữa mà nguồn gốc là do ăn thịt chó bệnh.
Tôi mong là với giáo
dục và hiểu biết ngày càng rộng hơn, người ta sẽ nhận ra rằng, chó mèo có thể
làm bạn của người. Thực ra, chúng là thú cưng của con người, nhưng có thể nhiều
người hiện nay vẫn chưa có khái niệm về thú cưng."
BBC: Vậy điều gì có
thể thay đổi cách suy nghĩ của người Việt Nam về thịt chó thưa bà, nhất là khi
cả giới làm luật, có quyền ở Việt Nam cũng nhiều người thích ăn thịt chó?
Tôi hy vọng là với thế
hệ trẻ hơn lớn lên trong thời đại công nghệ và internet sẽ thấy rằng, những gì
vốn được coi là bình thường ở đây thực ra lại khác biệt với những người ở các
quốc gia còn lại trên thế giới suy nghĩ.
Tôi cũng mong là với
giáo dục và hiểu biết ngày càng rộng hơn, người ta sẽ nhận ra rằng, chó mèo có
thể làm bạn của người. Thực ra, chúng là thú cưng của con người, nhưng có thể
nhiều người hiện nay vẫn chưa có khái niệm về thú cưng.
Và chúng tôi tin rằng,
với tiếng nói của cộng đồng quốc tế, từ người dân, từ những người yêu quí động
vật có thể tác động tới chính phủ và yêu cầu họ hành động.
Tôi cũng muốn nói là
các bạn không nên nghĩ rằng tôi ghét Việt Nam. Tôi chỉ căm ghét sự tàn bạo. Ở
Úc hay ở bất kỳ nơi nào khác cũng thế. Sự tàn bạo là một phần tính cách của
loài người, đó không phải là vấn đề dân tộc, không liên quan tới chuyện màu da.
Tôi chỉ phản đối cách con người đối xử tàn bạo với động vật.
Cuộc chiến
vì chó
Tình trạng trộm chó ở Việt Nam
đang diễn ra trầm trọng đến mức Mike Ives, phóng viên hãng thông tấn
Mỹ AP ở Hà Nội, gọi đó là ‘cuộc chiến vì chó’ (dog wars). BBC Việt
ngữ xin giới thiệu bài viết này với độc giả
Khi ông Nguyễn Văn Cường, một người dân ở thủ đô Hà
Nội, nghe tiếng tri hô ‘Trộm’, ‘Trộm’ từ người hàng xóm thì đã quá
muộn.
Hai tên trộm đi trên một chiếc xe gắn máy đã chộp
lấy con chó yêu quý của ông và phóng vèo đi mất.
Ông Cường và hàng xóm đuổi theo hai tên trộm trong
tuyệt vọng. Trong khi đó, hai tên trộm chuyên nghiệp ném gạch ngói vào
những người truy đuổi. Một trong những miếng ngói bay trúng đầu của
một người đứng gần đó và làm ông này tử vong.
Những cuộc truy đuổi tương tự cũng xảy ra trên khắp
Việt Nam giữa những kẻ trộm chó để bán cho các quán thịt cầy và
những người nuôi chó vốn ngày càng có xu hướng tự mình hành động
để đối phó với bọn trộm vì công an chẳng làm được gì nhiều trong
chuyện này.
Sử dụng bạo lực
Trong một số trường hợp, người dân đuổi theo bọn
trộm và dùng gậy gộc đánh chúng đến chết – thậm chí có trường hợp
châm lửa đốt tên trộm. Ngược lại, bọn trộm cũng sử dụng tất cả
những gì họ có trong tay để chống trả những người truy đuổi để đảm bảo
mình có tiền tiêu trong ngày.
“Những tên trộm chó ngày càng táo tợn – chúng trộm
chó của dân giữa ban ngày,” ông Trần Thế Thiệu, trưởng công an xã Hưng
Đông, tỉnh Nghệ An, nói.
“Người dân rất giận dữ khi bị mất chó trong khi
những kẻ trộm ít khi bị bắt,” ông Thiệu cho biết.
Thịt chó là một món ăn được ưa chuộng ở Việt Nam
thường xuất hiện trên thực đơn trong các bữa tiệc, nhất là ở các
tỉnh phía bắc. Các quán nhậu chuyên thịt cầy nướng đặc biệt đông
khách vào cuối mỗi tháng âm lịch khi dân nhậu chén thịt chó với hy
vọng đẩy được vận xui.
Các quán thịt chó đã bùng nổ ở Hà Nội khi Việt
Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Châu
Á. Khi lạm phát tăng cao, một số người Việt Nam đã nghĩ cách kiếm
tiền sáng tạo hơn.
Chó ở Việt Nam thường đi lung tung ngoài đường nên
chúng trở thành những miếng mồi ngon. Chó còn sống bán được đến
gần 6 đôla/kg – thậm chí còn đắt hơn cả thịt gà. Một con chó nặng
khoảng 20kg có thể bán được đến hơn 100 đôla – gần bằng mức lương
tháng của một công nhân trung bình.
Việc trộm chó đem lại thu nhập khá cho những kẻ
thường xuyên đảo qua đảo lại các khu phố và làng mạc trên xe gắn máy
để bẫy chó. Đôi khi họ tìm cách vô hiệu hóa con mồi trước tiên bằng
cách bắn phi tiêu hoặc mũi tên có dòng điện.
Nhiều người Việt Nam có hai cách suy nghĩ về chó.
Một mặt họ dựa vào chó để canh giữ nhà cửa và đặt tên cho chúng,
nhưng mặt khác họ cũng không hề xem chúng là thành viên gia đình như
ở các nước phương Tây. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là họ không
quan tâm đến thú cưng của mình.
Chỉ riêng ở tỉnh Nghệ An, trưởng công an xã Thiệu
cho biết tình trạng bạo lực có liên quan đến trộm chó đang leo thang.
Tháng Sáu vừa qua, một tên trộm chó đã bị truy đuổi và bị đánh
bằng gậy gộc đến chết và sau đó còn bị châm lửa đốt, để lại một
xác chết cháy thành than bên vệ đường như một lời cảnh báo.
Trong một vụ việc khác cũng ở xã Hưng Đông, bảy dân
làng đã bị thương khi họ đuổi theo những kẻ trộm chó dùng dao, chai
lọ và ná để phản công.
Chỉ là trộm vặt!
Trong phần lớn các trường hợp, người mất chó cũng
chẳng thèm gọi công an.
“Người dân bảo rằng công an chỉ phạt tiền những kẻ
trộm chó và cho chúng đi,” ông Hồ Bá Võ, phó chánh thanh tra tỉnh
Nghệ An, nói với báo Thanh Niên.
Tình trạng trộm chó ngày càng gia tăng ở VN
“Điều này đúng. Luật quy định trộm trên 2 triệu đồng mới
cấu thành tội và bị xử lý hình sự. Một con chó thì thường có giá trị it́
hơn thế cho nên kẻ trộm chỉ bị phạt hành chính,” ông giải thích.
Không có tội danh và khung hình phạt cụ thể cho
việc trộm chó, trong khi trộm vặt chỉ bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu
đồng.
Ở tỉnh Sóc Trăng vào ngày 26/9 vừa qua, hai kẻ trộm
chó đã ra công an đầu thú một ngày sau khi bắn tên trúng tim người nuôi
chó đang rượt theo làm ông tử vong.
Nghề buôn chó bất hợp pháp vốn đem lại lợi nhuận
cao cũng đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam.
Mới tháng trước, cảnh sát Thái Lan đã bắt hai
người đàn ông đang tìm cách buôn lậu 120 con con chó bị nhồi trong các
bao tải vào Việt Nam. Trước đó nữa vào tháng Tám, 1.800 con chó ốm
yếu bị nhồi nhét trong các cũi sắt cũng bị tịch thu ở Thái Lan
trong khi chúng đang trên đường được vận chuyển đến Việt Nam. Một nửa
trong số đó đã chết sau đó, theo báo chí Thái Lan.
Một cảnh tượng thường thấy ở Việt Nam là những con
chó cỡ vừa mình đầy lở loét bị nhét vào những chiếc cũi sắt đặt
ở phía sau yên xe gắn máy. Chúng bị giết, lột da và quay và sau đó
được treo lủng lẳng trước các quán nhậu với hàm răng nhe ra trắng
hếu và đuôi dựng thẳng đứng.
Phản đối mạnh mẽ
Các món thịt chó cũng rất đa dạng, từ nướng than
hồng cho nấu lẩu ăn với mắm tôm.
Ăn thịt chó cũng rất phổ biến ở Trung Quốc, Hàn
Quốc và Philippines và bị các nhà bảo vệ động vật phản đối mạnh
mẽ.
Robert Lucius, một cựu viên chức của Tòa đại sứ Mỹ
ở Hà Nội do quá ghê tởm với các quán thịt chó ở Việt Nam mà ông
đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở California với
tên gọi Kairos Coalition (Liên minh Kairos) để thúc đẩy việc đối xử nhân
đạo đối với vật nuôi.
Và cuộc chiến quanh thói quen ăn thịt chó ngày càng
trở nên nóng bỏng.
Lucius cho biết tổ chức của ông đang làm việc với
các đối tác Việt Nam là các nhóm hoạt động vì quyền của động vật
và các sinh viên thú y.
“Chúng ta đang thật sự chứng kiến sự đối đầu của
hai khuynh hướng,” ông nói.
“Khuynh hướng cũ của việc buôn bán chó lấy thịt vốn xem chó
chẳng có ý nghĩa gì nhiều đang đối đầu với khuynh hướng mới vốn xem
chó là những người bạn thật sự được yêu mến, nuôi nấng và trân
trọng,” ông nói thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cường đã vĩnh viễn mất
con chó 15 tuổi mà ông đã nuôi nấng và gắn bó từ khi nó còn là một
chú cún.
Ông nói công an cho ông biết là họ bắt giữ hai kẻ
trộm chó đã ném gạch làm chết một người đàn ông 54 tuổi đang đứng
ở bên đường.
Ông cũng nói thêm là công an đã thông báo là chú
chó yêu của ông được nhận diện vì đôi chỗ trên lưng không có lông, đã
được bán cho quán nhậu với giá 900.000 đồng.
“Rất khó để nuôi được một con chó ngoan và thông
minh,” ông Cường nói. Ông Cường cũng cho biết là ông đã mất 10 con chó
vào tay bọn trộm trong nhiều năm qua.
“Nếu tôi mà bắt được thủ phạm, tôi sẽ đánh cho nó
nhừ tử!” ông Cường nói.
Ông Cường là hình ảnh tiêu biểu cho thái độ nước
đôi của nhiều người Việt Nam đối với chó.
Khi được hỏi là ông có bao giờ ăn thịt những con
chó chính ông nuôi hay không, ông Cường lắc đầu rất quả quyết. “Nếu
tôi thèm thịt chó, tôi sẽ ra quán nhậu,” ông nói.
97% người
dân được hỏi sẽ tiếp tục giết trộm chó
Với
câu hỏi "Ông/ bà cho rằng, đối tượng trộm chó có đáng bị đánh chết
hay không?", trong 48 phiếu mà chúng tôi thu về có tới 47 phiếu của người
dân Danh Thượng 2 bày tỏ sự đồng tình với phương án đánh chết trộm chó, chiếm
97,92%. Còn lại 1 ý kiến cho rằng, đối tượng trộm
chó không đáng bị đánh chết, chiếm 0,208%.
Ở
câu hỏi "Nếu tiếp tục bắt được một đối tượng bắt trộm
chó khác, ông/bà có tiếp tục đánh chết trộm chó không?" thì
đã có 47 ý kiến của người dân trong và ngoài thôn Danh Thắng 2 cho rằng, họ sẽ
tiếp tục có hành động như vậy, chiếm 97,92%. Còn 1 ý kiến, chiếm 0,208%, cho biết
sẽ không tham gia đánh chết người.
Ông La Văn Chấn, cán bộ hưu trí, hiện đang sinh sống tại
thôn Danh Thượng 2 bày tỏ: "Địa phương chúng tôi mới xảy ra vụ việc đánh chết trộm chó. Đó là
do bà con có bức xúc về việc mất trộm quá nên mới đánh chết một người còn một
người, còn người đưa đi cấp cứu thì chết.
Biết là sai nhưng mấy đối tượng ung nhọt của xã hội này chết cũng đáng.
Bởi vì, đây là những đối tượng nghiện ngập, ăn trộm chuyên nghiệp, người dân ở
đây nhẵn mặt hết cả rồi. Họ không chỉ trộm
chó của bà con nhân dân mà còn cạy cửa vào tận nhà lấy đồ đạc. Chính nhà
tôi, 1 năm cũng mất đến 2 con chó.
Trộm đã quá lì rồi vì biết rằng, có bị bắt, đưa xuống công an thì cũng
không xử lý được. Không những thế, những đối tượng ăn trộm khi bị bắt còn sẵn
sàng chống trả quyết liệt, khiến người dân cũng chẳng dám động vào".
Theo BBC
Du khách
Pháp dọa tẩy chay Việt Nam vì thịt chó
Ở các nước phương Tây, chó mèo
là vật cưng trong nhà và được coi là những người bạn. Giết chó và ăn thịt chó bị
coi là hành động tàn bạo và bị cấm ở nhiều quốc gia. Nhiều khách du lịch sang
Việt Nam đã rất sốc khi chứng kiến cảnh người Việt giết chó và ăn thịt chó.
Annie Peysson, một người Pháp trú tại 14 rue
de l'Égalité 69330 Pusignan cho biết, ông cực kỳ
sốc khi chứng kiến người Việt ăn thịt chó. Ông không hiểu tại sao người Việt
nuôi chó trong nhà mà vẫn có thể ăn thịt chó một cách ngon lành như vậy.
“Chúng tôi không hiểu tại sao Việt Nam đã mở cửa với các
quốc gia trên thế giới, với nhiều tinh hoa công nghệ vẫn tiếp tục thảm sát một
cách khủng khiếp với chó, mèo – loài vật nuôi thông minh, nhạy cảm và hữu ích
với nhân loại chúng ta”, ông Peysson bày tỏ.
Cũng như nhiều khách du lịch khác, ông Peysson biết đến
Việt Nam là một quốc gia xinh đẹp và hiếu khách. Nhưng khi đến và chứng kiến
cảnh giết các con vật đầy máu me, vô nhân đạo, ông đã mất cảm tình. Ông rợn
người khi tham gia một lễ hội mà ở đó người ta xẻo thịt lợn khi chúng vẫn còn
sống. Những con vật vô tội bị giết dã man trong tiếng hò reo vui mừng của con
người.
“Những sự thật này không đại diện cho trí thông minh của
một nền văn minh thật sự. Nó là hành vi biểu hiện cho sự chậm phát triển, và sự
tàn ác đáng xấu hổ này sẽ phá hủy các giá trị văn hóa, tinh thần của chúng ta.
Vì lý do này, chúng tôi sẽ không đến Việt Nam du lịch nữa nếu các bạn còn tiếp
tục ăn thịt chó, không có luật bảo vệ và tôn trọng vật nuôi và các loài động
vật khác”, ông Peysson tuyên bố.
Món ăn có đáng sợ?
Là một nhiếp ảnh gia, Nathan Wynn đến Việt Nam du lịch với
hi vọng được chiêm ngưỡng những hình ảnh đẹp của một đất nước miền nhiệt đới.
Nhưng sau chuyến du lịch, cái in đậm trong tâm trí ông không phải phong cảnh
đẹp mà là những tiếng kêu thảm thiết đến rợn người.
“Đó là điều tồi tệ nhất mà tôi thấy ở Việt Nam. Những con
chó đang trên đường ra chợ, để bị ăn. Chúng không được đối xử nhân đạo. Tôi
không thể quên được cái cảnh người ta bắt các con chó nhốt vào lồng. Những âm
thanh khủng khiếp”, ông Wynn bày tỏ.
Còn Johann, một khách du lịch người Ý cho biết, anh đến
Việt Nam chơi theo lời mời của một người bạn. Bạn anh rất sành ăn, dẫn anh đi
thưởng thức rất nhiều món ngon ở Hà Nội. Anh rất thích phở và bún chả ở đây.
Thế nhưng một số món ăn của người Việt lại khiến anh “nổi da gà”.
“Lúc được mời, tôi rất hào hứng vì người bạn nói là hôm nay
đưa tôi đi ăn món đặc sản của người Việt. Nhưng khi nhìn thấy thì tôi xa xẩm
mặt mày, cái món ăn người ta gọi là “tiet canh” hóa ra là máu tươi”, anh Johann
kể lại.
Anh Johann cũng sợ hãi khi người bạn dẫn anh đi thưởng thức
món “cầy tơ bảy món”. Ở nước anh, chó mèo sống với người như những người bạn.
Chúng chết sẽ được chủ nhân chôn cất cẩn thận chứ không bao giờ giết thịt.
Theo La Hoàn - Vietnamnet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét