http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2012/01/120127_super_rich.shtml
Khám phá 22 điều thú vị về người giàu nhất thế giới
Tỉ phú
Mexico Carlos Slim Helu - ông trùm tài phiệt giàu nhất thế giới 4 năm liên tiếp
- là người chi phối toàn bộ hệ thống viễn thông của Mexico. Là một nhà tư bản
ghê gớm, đầy quyền lực của đất nước này, Slim có ảnh hưởng rất lớn.
Không chỉ giới trẻ mà cả các tầng
lớp người dân khác nhìn nhận Carlos Slim là hình ảnh, thần tượng của họ. Ông
nói rằng kiếm tiền không phải là mục tiêu của ông và trở thành người giàu nhất
thế giới không phải là một cuộc đua. Đơn giản, ông chỉ muốn là một doanh nhân
giỏi.
Dưới đây là 22 điều thú vị về Carlos
Slim:
1. Mỗi ngày Slim kiếm khoảng 30
triệu USD.
2. Là người Mexico đầu tiên đứng đầu
danh sách những người giàu nhất thế giới và cũng là người đầu tiên thuộc nước
đang phát triển được xếp hạng trong danh sách này. Tổng tài sản của ông khoảng
78,1 tỉ USD. Nếu mỗi phút ông tiêu 1.200USD thì phải mất 100 năm mới tiêu hết
số gia sản kếch xù.
3. Năm 1999, vợ ông là Soumaya Domit
Gemayel qua đời vì bệnh thận khi mới 33 tuổi. Kể từ đó ông không đi bước nữa.
Ông có 6 người con, 3 trai và 3 gái.
4. Ông được vinh danh là người giàu
nhất thế giới năm 2007 khi vượt qua Warren Buffet và Bill Gates. Kể từ năm
2010, ông liên tục được tạp chí Forbes bình chọn là người giàu nhất thế giới.
Có thời điểm ông kiếm được 23 tỉ USD chỉ trong vòng 14 tháng. Trước đó, vị trí
này luôn thuộc về người Mỹ suốt 16 năm.
5. Ông sinh ngày 28.1.1940 tại
Mexico City. Tuy nhiên, Carlos Slim thực ra không phải là người Mexico chính
gốc. Cha ông, một di dân gốc Lebanon đã đến Mexico City và đầu tư bất động sản
thời Cách mạng 1910. Ông lớn lên trong khu phố của những người dân nước ngoài
tại Mexico City.
6. Ông là tín đồ của Giáo hội Công
giáo Maronite. Trên toàn cầu chỉ có 3,5 triệu người theo tôn giáo này. Họ được
gọi như vậy vì họ theo Thánh Maron - một người Công giáo từ thế kỷ thứ V đã
dành cả cuộc đời trên một ngọn núi ở Syria.
7. Người giàu nhất thế giới có nhiều
điểm khiêm tốn nhất. Ông thường tự lái xe mặc dù luôn có một đoàn xe vệ sĩ theo
sau. Slim sống trong căn nhà 6 phòng ngủ không quá sang trọng trong suốt 40
năm, cách văn phòng làm việc gần 2km.
8. Slim không có sở thích sở hữu du
thuyền sang trọng hay những biệt thự rải rác khắp thế giới. Ông dùng một chiếc
đồng hồ máy tính bằng nhựa (to gấp đôi máy tính bỏ túi). Ông cũng thú nhận mình
không biết thưởng thức những điếu xìgà Cuba đắt tiền, và cả mỹ thuật nữa. Những
tác phẩm nghệ thuật của ông được cho là có giá 6 tỉ USD.
9. Ông không đi du lịch nhiều nơi và
không có ngôi nhà nào khác ngoài Mexico, điều mà ông rất tự hào. Slim thường
thức khuya để đọc sách lịch sử, đặc biệt sách về huyền thoại Thành Cát Tư Hãn
và các cuốn sách về nghệ thuật chiến tranh. Slim không bao giờ vung tay quá trán
cho bất kỳ thứ gì. Có lần ở Venice, ông mặc cả hàng giờ đồng hồ chỉ để được
giảm giá 10% cho chiếc càvạt.
10. Ông là fan cuồng nhiệt của môn
bóng chày, ủng hộ đội Yankees của New York và vô cùng am hiểu về môn thể thao
này.
11. Chiến thuật đơn giản đến bất ngờ
để kiếm tiền của Carlos Slim là mua các công ty được định giá thấp, sau đó gây
dựng chúng thành những tập đoàn độc quyền hùng mạnh. Khi Cách mạng Mexico nổ ra
vào năm 1910, bố ông đã mua lại những Cty của đối thủ - những người chạy trốn
khỏi cuộc chiến, với giá vô cùng rẻ. Chẳng bao lâu sau, ông trở thành người
giàu gấp nhiều lần.
12. Ngày nay, Carlos Slim sở hữu
những Cty lớn nhất không chỉ ở Mexico mà toàn bộ Nam Mỹ. Một trong số đó là
America Movil - mạng lưới viễn thông lớn thứ 3 thế giới, cung cấp dịch vụ cho
khoảng 252 triệu thuê bao ở 18 nước.
13. Carlos Slim cũng đầu tư vào
ngành khai thác mỏ, ngân hàng, bảo hiểm, đường sắt, xe đạp, khách sạn, xây
dựng, khoan dầu, hàng không, thuốc lá, ximăng, bán lẻ, nhà hàng và in ấn. Người
Mexico đùa rằng ông sở hữu tất cả những cây xương rồng ở đất nước này. Ông cũng
đồng sở hữu một phần tờ New York Times, Firestone và Citigroup (chủ sở hữu của
Citibank). Ông điều hành hơn 200 Cty và có kế hoạch nhân rộng hơn nữa thành
công của mình trên quy mô toàn cầu.
14. Slim được cha truyền cho những
bí quyết kinh doanh. Từ khi 12 tuổi, ông đã mua trái phiếu chính phủ và có cổ
phần trong một ngân hàng ở Mexico. Sau đó, ông vào đại học chuyên ngành xây
dựng dân dụng, trong khi cũng giảng dạy đại số và quy hoạch tuyến tính. Cha ông
(qua đời khi ông 13 tuổi) cũng dạy ông nghệ thuật kế toán, lưu trữ hồ sơ và đọc
hiểu các báo cáo tài chính.
15. Ông sở hữu Quỹ Carlos Slim, xây
dựng bảo tàng tư nhân Museo Soumaya trị giá 70 triệu USD để tưởng nhớ người vợ
của mình. Bảo tàng lưu giữ hơn 66.000 tác phẩm nghệ thuật trị giá trên 700
triệu USD, trong đó có những kiệt tác của Da Vinci, Rodin, Van Gogh, Dali và
Monet. Quỹ Carlos Slim được thành lập năm 1986, đã dành 4 tỉ USD cho giáo dục,
thể thao và y tế.
16. Carlos Slim cũng bị chỉ trích vì
trở thành một nhà độc quyền. Cty của ông kiểm soát 90% thị trường điện thoại cố
định ở Mexico, trong khi ông cũng bị cáo buộc thu phí cao nhất thế giới. Số tài
sản của ông bằng 5% tất cả sản lượng kinh tế của Mexico trong một năm (có lúc là
7%). Những người chỉ trích nói rằng sự thống trị của ông đã ngăn cản sự phát
triển của những Cty nhỏ hơn, làm giảm tiền công lao động và tăng tỉ lệ thất
nghiệp ở đất nước có tới 50% dân số sống ở mức nghèo khổ. Tuy nhiên, ông khẳng
khái đáp lại: "Khi bạn sống vì ý kiến của người khác, bạn sẽ chết. Tôi
không muốn sống để nghĩ rằng tôi sẽ được nhớ tới như thế nào".
17. Mức độ ảnh hưởng của Carlos Slim
đã được đúc kết hoàn hảo trong một bài báo trên tờ Telegraph của Anh: Phạm vi
quyền lực thống trị của Carlos Slim lớn đến mức người Mexico thức dậy trên
chiếc ga trải giường mua từ cửa hàng của Slim sở hữu, mua bánh mì ăn sáng từ
cửa hàng bánh của Slim, đến cơ quan bằng chiếc xe ô tô do Slim bảo hiểm. Họ sẽ
gọi điện cho bạn bè bằng dịch vụ điện thoại của Slim, ăn trưa trong nhà hàng
của Slim và hút những điếu thuốc được sản xuất từ những công ty của Slim điều
hành. "Hội chứng Slimlandia" lan khắp đất nước.
18. Carlos Slim là một nhà từ thiện,
nhưng khi Bill Gates và Warren Buffett cam kết dành 50% tài sản của mình làm từ
thiện thì Slim lại ngoan cố từ chối. "Tại sao lại một nửa? Tôi nghĩ rằng
sai lầm lớn nhất mà những công ty như Microsoft, Apple - những công ty công
nghệ hàng đầu thế giới - bị những người sáng lập bán để đưa tiền vào quỹ từ
thiện. Họ không nên làm như thế mà điều quan trọng hơn là họ nên tiếp tục điều
hành công ty". Ông thẳng thừng tuyên bố không có ý định nghỉ hưu để tập
trung vào các hoạt động từ thiện. "Nghèo đói không được giải quyết bằng sự
quyên góp, từ thiện hoặc thậm chí chi tiêu công. Nghèo đói phải được giải quyết
bằng việc làm, giáo dục và y tế. Gây dựng kinh doanh đem lại lợi nhuận cho xã
hội nhiều hơn là việc đi phát quà giống như ông già Noel" - Slim từng
nói.
19. Carlos Slim để lại quyền điều
hành những ngành kinh doanh chính cho con trai và con rể sau khi phẫu thuật
tim.
20. Ông không có máy tính trong văn
phòng và thích lưu giữ hồ sơ của mình trong những cuốn sổ viết tay cẩn thận.
Ông có laptop cá nhân nhưng không thích dùng. "Tôi là con người giấy tờ
chứ không phải con người điện tử" - ông nói.
21. Slim được miêu tả là một người
nói nhiều và bề trên, nhưng ông cũng rất dễ mất bình tĩnh. Hiện ông vẫn là
người "bất khả xâm phạm" ở Mexico và theo một quan chức chính phủ
nước này nói: "Khi Slim qua đời, chúng ta mới có thể điều chỉnh được con
cái ông". Các con ông từng học tại các trường phổ thông và đại học ở
Mexico chứ không đi du học.
Người siêu giàu ở Việt Nam: Họ là ai?
Một
phúc trình về người siêu giàu ở Việt Nam với tài sản từ 30 triệu đôla trở lên mới
được công bố trong bối cảnh Việt Nam có khả năng không đạt được mục tiêu phát
triển kinh tế, xã hội.
Theo
công ty tư vấn Wealth-X và ngân hàng UBS (Thụy Sỹ), số người siêu giàu ở Việt
Nam tăng lên 195 người trong năm 2012, với tổng tài sản ước tính là khoảng 20 tỷ
đôla.
Ông
David Friedman, Chủ tịch Wealth-X, cho VOA Việt Ngữ biết công ty ông thu thập
các dữ liệu từ các nguồn mở mà bản thân công chúng có thể tiếp cận, rồi sau đó
sử dụng cách thức riêng để đánh giá những thông tin về tài sản của những người
siêu giàu.
Phúc
trình cho hay, sự gia tăng số người siêu giàu ở Việt Nam đứng hàng thứ hai ở
Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan, trong năm 2012. Năm 2011, Việt Nam chỉ có 170 triệu
phú tiền đôla.
Trao
đổi với VOA Việt Ngữ, Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết ông không ngạc
nhiên: “Trong khi kinh tế khó khăn
thì một số người, do có những mối quan hệ và có thể tiếp cận được với các tài
nguyên, họ vẫn tiếp tục giàu lên một cách nhanh chóng. Tôi nghĩ rằng xu thế đó
hiện nay vẫn đang tiếp tục”.
Ông
Friedman cho biết ông không thể tiết lộ công khai các cá nhân siêu giàu ở Việt
Nam cũng như nghề nghiệp của họ vì những thông tin như vậy ‘chỉ cung cấp cho
các khách hàng của công ty Wealth-X’.
Báo
chí trong nước cũng đưa ra các phán đoán riêng về những người siêu giàu Việt
Nam dựa trên các dữ liệu từ thị trường chứng khoán. Đứng đầu trong danh sách của
nhiều tờ báo là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup, tỷ phú đôla đầu
tiên của Việt Nam theo đánh giá của tạp chí Forbes.
Tiếp
sau đó là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh – Gia Lai, người từng
được tạp chí the World Street Journal đưa vào danh sách một trong 30 doanh nhân
có ảnh hưởng nhất Đông Nam Á.
“Vì
vậy cho nên là họ có thể khai thác tài nguyên, họ có thể khai thác gỗ, họ có thể
giàu lên nhờ bán đất, hoặc họ cũng có thể giàu lên nhờ các lý do khác nữa. Điều
ấy cho thấy thực tế rằng xã hội Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng phân
hóa giàu nghèo ngày càng tăng lên”.
Ông
Doanh cũng nói thêm rằng những người siêu giàu ở Việt Nam ‘không có người nào
đóng góp gì mới về khoa học, công nghệ’:“Những người giàu lên ở Việt Nam chủ yếu là nhờ đất, bất động sản, vì
được hưởng lợi từ tài nguyên, và những đặc quyền, đặc lợi khác”.
Theo
ông Friedman, trên toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, phần lớn khối tài
sản của các triệu phú là do các công ty tư nhân thuộc sở hữu của các gia đình tạo
ra.
Chủ
tịch công ty Wealth-X nói rằng đó là một trong các lý do giải thích vì sao tài
sản của cá nhân siêu giàu ở Việt Nam vẫn tăng trong năm 2012 dù kinh tế không
có dấu hiệu khởi sắc: “Khi ta người
ta có các công ty tư nhân do gia đình quản lý và những gia đình này am hiểu về
những gì họ cần làm với nhiều nhiệt huyết thì kể cả khi nền kinh tế sút giảm và
yếu kém, kinh doanh của họ vẫn phát triển, dẫn tới tài sản của các gia đình đó
tăng. Ngoài ra, có thể có các lý do khác như hoạt động kinh doanh của họ dựa
vào xuất khẩu nên nó không phụ thuộc vào tình hình kinh tế ở Việt Nam”.
Tại
một cuộc hội thảo quốc tế đầu tuần này về kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm của Việt
Nam, phần lớn những người tham dự đều tỏ ra bi quan. Các giới chức được trích lời
nói rằng Việt Nam có khả năng không đạt được nhiều mục tiêu của kế hoạch 5 năm,
dẫn đến nguy cơ tụt hậu so với các quốc gia ở Đông Nam Á.
Chuyên
gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng nhiều người Việt Nam giàu lên nhờ gia đình: “Mới
đây, có hiện tượng một gia đình cho một đứa bé một tuổi làm chủ tịch hội đồng
quản trị và có gia sản rất lớn. Đấy là một trong các điều mà chúng ta thấy rằng
là người giàu lên ở Việt Nam khác với những người giàu lên trên thế giới như thế
nào. Trên thế giới, người ta muốn giàu lên, người ta phải giỏi về quản trị hay
người ta phải làm chủ về khoa học công nghệ, người ta phải đóng góp rất lớn về
tiến bộ của cộng đồng. Nhưng trong trường hợp của Việt Nam, những người giàu
lên ở Việt Nam là những người giàu lên vì đất”.
Ông
Doanh cũng nhận định rằng những người siêu giàu ở Việt Nam hiện có vai trò rất
quan trọng vì họ ‘nắm rất nhiều dự án’. Nhưng chuyên gia này cho rằng cần phải
thấy một thực tế là việc khai thác tài nguyên của một số triệu phú đã làm tổn hại
nghiêm trọng tới môi trường.
Phạm Nhật Vượng là một nhân
vật giàu có vào bậc nhất ở Việt Nam hiện nay, theo báo Công Thương thì tính
theo giá trị cổ phiếu của phiên giao dịch chứng khoán ngày 25/12/2008, ông Phạm
Nhật Vượng là người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2008.
Cái giá của sự bất công bằng ở VN (Về giai cấp “siêu giàu”
mới nổi)
Theo đài VOA
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nói về những tin
đồn….
Trong danh sách những cự phú hàng
đầu thế giới do tạp chí uy tín Forbes công bố ngày 4.3.2013, những vị
trí đầu bảng hầu như không thay đổi. Đó vẫn là những gương mặt quen thuộc như
Carlos Clim (Mexico, 73 tỉ USD, cao hơn năm trước 4 tỉ), Bill Gates (Mỹ, 67 tỉ
USD, hơn năm trước 7 tỉ nhờ giá cổ phiếu Microsoft tăng)…
Duy có một điều làm cho người Việt
cảm thấy thích thú xen lẫn tò mò: lần đầu tiên trong đội ngũ này giữa thanh
thiên bạch nhật có một người Việt: doanh nhân Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội
đồng Quản trị tập đoàn Vingroup.
Phạm Nhật Vượng - CƯ SĨ hay MAFIA???
Phạm Nhật Vượng - Đi từ con 'ZERO' đến 'CÓ' thế nào?
(PetroTimes) - Trong số đầu tiên vừa ra mắt của mình tạp
chí Forbes phiên bản tiếng Việt đã có bài viết phác họa chân dung và sự nghiệp
ông Phạm Nhật Vượng, doanh nhân đầu tiên của Việt Nam được lọt vào danh sách tỷ
phú thế giới.
Ông Phạm Nhật Vượng trên bìa Forbes Tiếng Việt
Những lời đồn
Tổng tài sản ông Vượng đang
nắm giữ bằng cổ phiếu đã lên đến 5.077 tỉ đồng vượt xa ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ
tịch Hội đồng quản trị Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAG) với cổ phần trị giá chỉ
vẻn vẹn có 3.575 tỉ đồng.
Điều đáng chú ý là Phạm Nhật
Vượng nổi danh từ nước Nga xa xôi, sang Nga năm 1988-89 du học rồi chuyển sang
buôn bán, khét tiếng là trùm (mafia) ở thành phố Kharkov, Ukraina để từ đó Phạm
Nhật Vượng có thể vươn vòi bạch tuộc về tới VN với các dự án đầy tai tiếng như
khu du lịch Vinpearl Hòn Tre với hệ thống cáp treo tựa như một vết gươm chém
ngang vịnh Nha Trang, một vùng vịnh được coi là một trong những vịnh đẹp nhất
thế giới! Những bất cập của việc xây dựng hệ thống cáp treo này đã
một thời báo chí Vn làm ầm ĩ ví dụ như phóng sự nhiều kỳ của báo Tuổi Trẻ: Cáp treo Vinpearl lấn cảng Nha
Trang nhưng rồi tất cả cũng đi vào im lặng, hoặc dự án cải tạo công viên Thống Nhất ở Hà Nội thành
trung tâm vui chơi giải trí kiểu Disneyland của tập đoàn An Viên của
Phạm Nhật Vượng và gần đây nhất là dự án khải thác quặng Bauxite ở Bình Phước
do tập đoàn An Viên ký với UC RUSAL của Nga với sự tiếp tay của CT X & TT Nga D.M.
Phạm Nhật Vượng đang được
báo chí ở Việt Nam ca tụng như là một doanh nhân trẻ thành đạt và hiếu thảo,
thích phóng tay làm phúc , thậm chí còn được báo Nhà Phật gọi bằng cái danh
xưng cư sĩ Phạm Nhật Vượng!
Trong lĩnh vực truyền thông,
công ty Vincom của ông Vượng cũng đang làm chủ đầu tư cho 2 trang web dantri.com.vn
và kenh14.vn. Tuy vậy để kiếm được tiền
tại Ukraina ông Vượng cũng bị tố cáo đã ăn chặn tiền bảo kê chợ Việt Nam tại
Kharkov, Ukraina.
Theo như tố cáo ông Vượng và
người cùng công ty của ông đã làm ăn có tổ chức và thông minh không kém mafia,
coi hơn 4000 đồng hương Việt Nam ở Kharkov như nô lệ với đủ mọi thủ đoạn chèn
ép, cướp đoạt kể cả dính dáng tới những cái chết bí hiểm.
Đi từ con "Zero" đến "Có" như thế nào?
Trong bài viết này, khi phóng viên đặt câu hỏi về một loạt
những tin đồn, bao gồm từ nguồn gốc tài sản, đến việc kinh doanh mang tính
"Mafia" được gắn cho những doanh nhân trở về từ Đông Âu, ông Vượng đã
không né tránh câu hỏi. Dưới đây là toàn bộ nội dung bài viết của Forbes.
Năm 1997, khi nhà máy mì ăn liền ở Ukraine bắt đầu có lợi
nhuận, ông Phạm Nhật Vượng từng nghĩ sẽ nghỉ làm, đi chơi khi có 2 triệu USD.
Một ngày trước khi Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới
năm 2013, trong đó ghi danh Phạm Nhật Vượng, tỷ phú đầu tiên của Việt Nam, thì
Vingroup cũng đạt được thỏa thuận bán tòa nhà Vincom Center A tại trung tâm
TP.HCM, với giá 9.823 tỷ đồng. Vincom A là niềm tự hào của Vingroup - tại sao
lại bán? Câu hỏi của không ít người đặt ra cho vị Chủ tịch Vingroup.
Nhấp một ngụm trà trong phòng khách tại trụ sở công ty, ông
Vượng trả lời: "Mục tiêu của tôi là làm đẹp cho đời. Không quan trọng mình
có bao nhiêu tài sản, mà quan trọng là làm sao cho đẹp, góp phần thay đổi bộ
mặt đất nước mình một chút. Dĩ nhiên trong chiến lược ấy là thêm lợi nhuận để
có thể tiếp tục xây dựng. Cho nên bất kỳ bất động sản (BĐS) nào được giá tốt là
mình bán ngay, để có tiền xây cái khác”.
Kể từ khi đầu tư về Việt Nam trong suốt hơn 10 năm qua,
những bước đi của Vingroup đã phần nào thể hiện quan điểm đầu tư trên: liên tục
xây dựng, bán, xây dựng tiếp. Tốc độ phát triển kinh ngạc của Vingroup khiến
các nhà đầu tư BĐS quốc tế đặt Vingroup ngang hàng với những nhà phát triển BĐS
hàng đầu trong khu vực.
Ở Việt Nam, theo đánh giá của ông Marc Townsend, Giám đốc
điều hành công ty tư vấn CB Richard Ellis: "Vingroup thuộc đẳng cấp của
chính họ. Họ đang xây dựng những dự án lớn nhất nước. Họ liên tục tìm kiếm nhân
tài và ý tưởng mới, trong một hoàn cảnh rất khó khăn. Trong tình hình thị
trường hiện nay, khi hầu hết những người khác phải dừng lại thì Vingroup vẫn
tiếp tục làm."
Khởi đầu bằng dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp tại đảo Hòn Tre,
Nha Trang, Vingroup hiện nay đã tạo ra được 4 thương hiệu và dòng sản phẩm
chính. Vinpearl, với những khu nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp trên toàn quốc,
là phần đầu tư Vingroup ít khi bán đi sau khi xây xong, mà thường giữ lại để
khai thác tạo ra nguồn thu nhập thường xuyên. Vincom, thương hiệu phát triển
các dự án BĐS phức hợp thường bao gồm cả nhà ở, văn phòng, khu mua sắm giải
trí.
Hai thương hiệu còn lại, Vinmec và Vinschool là hai dòng
sản phẩm trong lĩnh vực y tế và giáo dục, mang nhiều khát vọng xã hội hơn là
lợi nhuận. Ít nhất là vào thời điểm này, khi Vingroup vẫn trong quá trình đàu
tư và trợ giá cho các dự án bệnh viện cao cấp và trường học mà họ đang xây
dựng. Một điểm chung là các thương hiệu đều được bắt đầu bằng "VIN" -
chữ viết tắt của Việt Nam, thể hiện một khát vọng khác mà Phạm Nhật Vượng
thường chia sẻ với những người thân cận, là góp phần để Việt Nam có thể
"ngẩng mặt với thế giới."
Vingroup không miễn nhiễm với những khó khăn chung của nền
kinh tế, mà cụ thể là thị trường BĐS đang chìm đắm trong nợ xấu và thiếu thanh
khoản. Tính đến cuối tháng 5/2013, Vingroup nợ gần 20.000 tỷ đồng, bao gồm cả
các khoản huy động từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay tín
dụng. Điểm khác biệt với nhiều doanh nghiệp khác là công ty này không có nợ
xấu: theo báo cáo tài chính Vingroup, các khoản vay cho đến nay đều được trả
đúng hạn.
Vingroup còn nhiều tài sản chưa thế chấp, nên việc mua bán
diễn ra khá thuận lợi và nhanh chóng, như trường hợp bán tòa nhà Vincom A. Các
nhà đầu tư nước ngoài đánh giá khá cao khả năng bán được dự án của công ty này.
Trong hoàn cảnh thị trường chung hiện nay, việc bán Vincom
A giúp tạo dòng tiền để công ty trả nợ và tiếp tục đầu tư dự án mới. Trong năm
qua, bên cạnh việc huy động được hơn 300 triệu USD từ nguồn trái phiếu,
Vingroup còn có thêm nguồn tiền từ bán căn hộ ở các dự án, chủ yếu từ năm 2011,
để tiếp tục xây dựng.
Tuy nhiên, ông Vượng cũng nhìn nhận thanh khoản trên thị
trường là vấn để lớn nhất. Thị trường BĐS đã đóng băng gần 2 năm qua. Trong năm
2013, Vingroup sẽ hoàn tất 2 dự án lớn ở Hà Nội là Times City và Royal City.
Mặc dù vẫn còn sản phẩm (Vingroup còn giữ tồn kho khoảng 30% tại Royal City, 6%
của phần 1 dự án Times City), ông Vượng đã ngưng không tung ra bán trong vòng
hơn một năm qua, tránh tạo áp lực cung cho thị trường. Ông chọn giải pháp
chuyển số căn hộ còn lại thành căn hộ cho thuê hạng sang.
Ông nói: "Quan điểm của tôi là nhất định không làm
loãng giá. Tôi thà đi vay tiền, thậm chí bán những tài sản khác để cấp dòng
tiền, hoặc chấp nhận bán cổ phần... Tôi chấp nhận thiệt hại về mình để không
gây thiệt hại cho khách hàng đã mua sản phẩm của mình."
Trong khi có những quan điểm rằng giá BĐS sẽ còn tiếp tục
rớt mạnh, ông Vượng cho rằng giá nhà ở, đặc biệt là các dự án không thuộc dạng
nhà ở xã hội sẽ khó có thể xuống giá quá thấp so với giá gốc, nhất là trong khi
các yếu tố đầu vào vẫn tăng giá. Việc không tung ra sản phẩm mới thể hiện quyết
tâm giữ giá này. Bên cạnh 12 dự án đã hoàn thành, 3 dự án đang xây dựng và sẽ
hoàn thành trong năm nay, Vingroup còn khoảng 16 dự án khác trong quá trình
chuẩn bị. Tuy đã ngưng việc đưa sản phẩm mới ra thị trường, nhưng Vingroup luôn
chuẩn bị một tư thế sẵn sàng để khi thị trường có dấu hiệu khởi sắc là khởi
động ngay.
Trong khi nhiều doanh nghiệp BĐS đang xoay sở thoái vốn
hoặc chỉ còn ngoi ngóp thở, đội quân Vingroup đang rà soát và tìm cách mua lại
những dự án khác. Vingroup vừa mua lại một dự án trung tâm thương mại tại Đà
Nẵng của Vina Capital, một động thái trong chiến lược lâu dài của ông Vượng.
Giờ đây, khi bi quan vẫn là tâm trạng chung bao trùm lên
nền kinh tế, ông Vượng là một trong số ít doanh nhân có suy đoán lạc quan cho
rằng tình hình kinh tế đang đi theo chiều hướng tốt hơn. Một số nhà đầu tư nước
ngoài có lẽ cũng chia sẻ quan điểm này với ông Vượng. Ngày 29/5, quỹ đầu tư tư
nhân Warburg Pincus công bố thỏa thuận đầu tư 200 triệu USD để lấy khoảng 20%
trong Vincom Retail, một công ty con của Vingroup chuyên về quản lý và vận hành
các trung tâm thương mại. Thỏa thuận đầu tư này, cộng với số tiền bán Vincom
Center A đã tạo ra một khoản vốn lớn, gần 700 triệu USD cho Vingroup.
Ở tuổi 45, Phạm Nhật Vượng trông trẻ trung, sung sức, thậm
chí có phần quá hăng, nếu bạn có điều kiện quan sát ông tranh bóng với nhân
viên ở vị trí tiền đạo tại sân bóng đá mini của Vingroup tại Vincom Village.
"Mình đang ngon như thế này mà người ta bảo mình bị
ung thư!" ông hóm hỉnh nói khi được hỏi về những lời đồn đoán. Trực diện,
ông Vượng là người điềm đạm, nhưng thẳng thắn khi bày tỏ quan điểm. Khi PV đặt
câu hỏi về một loạt những tin đồn, bao gồm từ nguồn gốc tài sản, đến việc kinh
doanh mang tính "Mafia" được gắn cho những doanh nhân trở về từ Đông
Âu, đến tin đồn ông "bị thủ tiêu" khi ông ít xuất hiện ở các sự kiện
công cộng, ông Vượng nói: "Các cụ đã có câu, chó cứ sủa, đoàn người cứ đi.
Tôi cứ tập trung vào việc của mình thôi".
Trong một câu trả lời khác về vấn đề tương tự, ông bày tỏ:
"Có thể hình dung là để có được những doanh nghiệp Việt Nam lớn, đàng
hoàng là nhu cầu của xã hội, nhu cầu của những người tử tế. Còn người xấu chỉ
muốn đạp cho doanh nghiệp ấy chết".
Quê ở Hà Tĩnh, Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968 và lớn lên tại
Hà Nội, trong một gia đình có 3 anh em. Cha ông là bộ đội, phục vụ trong lực
lượng phòng không trong những năm chiến tranh. Gia đình sống trông khu tập thể
quân đội ở Trung Tự. Những năm khó khăn thời bao cấp, mẹ ông phải mở quán nước
chè vỉa hè và nuôi các con ăn học. Khi đỗ điểm cao vào trường đại học Mỏ - Địa
chất Hà Nội và được chọn đi du học ở Nga năm 1987, Vượng kể, ông không có mơ
ước lớn lao gì, "lúc đó chỉ muốn phụ giúp gia đình".
Năm 1992, sau khi tốt nghiệp Kinh tế địa chất tại Moscow,
Vượng cưới Phạm Thu Hương, người yêu từ suốt mấy năm đại học, rồi cặp vợ chồng
trẻ quyết định đến Kharkov, Ukraine sinh sống. Đó là lúc Liên bang Xô Viết sụp
đổ và nước Nga rơi vào vòng xoáy lộn xộn của giai đoạn tư bản hóa dưới thời
Yeltsin. Nước Nga đói nghèo kiệt quệ, nhưng Việt Nam cũng vẫn đói nghèo khó
khăn. Ukraine, trung tâm công nghiệp một thời của liên bang trở thành đất lành
của vợ chồng ông, vì tỷ lệ tội phạm thấp.
"Ở Nga lúc đó thì tội phạm làm chủ, còn ở Ukraine thì
ít nhất cảnh sát làm chủ", ông Vượng kể.
Đây cũng là lúc bắt đầu câu chuyện khởi nghiệp mỳ gói huyền
thoại của Phạm Nhật Vượng. Vay mượn được số tiền trị giá khoảng 10.000 USD, ông
Vượng mở một nhà hàng tại Kharkov mang tên Thăng Long. Sau đó, ông về Việt Nam
mua một dây chuyền mỳ ăn liền hai vắt thô sơ, quay tay đưa sang Ukraine và bắt
đầu sản xuất mỳ ăn liền hiệu Miniva, bán cho dân bản địa. Sản phẩm của
Technocom, doanh nghiệp của ông Vượng thành lập năm 1993 hoàn toàn xa lạ với
Ukraine nhưng lại nhanh chóng được đón nhận.
Trong mấy năm liên tiếp, Technocom nhập dây chuyền mỳ ăn
liền từ Việt Nam và Đài Loan, liên tục mở nhà máy mới mà không đủ sản phẩm để
bán. Thời điểm rất thuận lợi, người dân Ukraine đói, nhiều cửa hàng thiếu vắng
sản phẩm đến mức mượn thêm những thùng Minavi rỗng để trưng trên kệ cho hấp
dẫn. Sau mỳ ăn liền, Technocom sản xuất bột canh và bằng các chiêu tiếp thị mới
lạ với người bản địa đã thuyết phục được những bà nội trợ Ukraine. Sản lượng
tăng mạnh, muối thậm chí được chở về bằng tàu thay cho xe tải để giảm chi phí.
Như bất kỳ doanh nghiệp mới khởi nghiệp nào khác, ông Vượng
gặp những khó khăn về vốn đầu tư. Thời gian đầu, ông vay mượn gần 100.000 USD
từ một số bạn bè người Việt là kinh doanh ở nga với lãi suất lên tới 8% mỗi
tháng. Số vốn này sau vài năm mới trả hết.
May mắn mỉm cười khi ông Vượng vay được nguồn vốn dành cho
doanh nghiệp vừa và nhỏ từ ngân hàng Tái cấu trúc Châu Âu, với lãi suất
12%/năm. Nhờ nguồn vốn này, Technocom có cơ sở để đẩy mạnh sản xuất mỳ ăn liền
và bột canh, để trở thành ông vua thực phẩm ăn nhanh của Ukraine.
Cũng trong giai đoạn này, Technocom hỗ trợ xây dựng một
trung tâm thương mại lớn của người Việt , quy tụ vài ngàn người Việt đổ về sinh
sống tại Kharkov. Ông Vũ Dương Huân, cựu đại sứ Việt Nam tại Ukraine trong giai
đoạn 2002 -2006 kể: "Cộng đồng người Việt ở Ukraine lúc đó rất nhỏ, không
có vị trí gì. Anh Vượng đã giúp nâng vị trí của công đồng người Việt lên. Công
ty của anh ấy góp phần phát triển kinh tế của Kharkov. Ngoài ra, anh còn tài
trợ, quảng bá hình ảnh Việt Nam ở đấy".
Ông Huân hiện đã trở về Việt Nam và giảng dạy tại học viện
Ngoại giao. Ông không giữ liên lạc với "Mạnh Thường Quân trẻ" của
cộng đồng Việt ở Ukraine, nhưng vẫn giữ ấn tượng về ông Vượng là một người
"có tài và có tâm".
Ông Vượng, một người theo đạo Phật, chia sẻ rằng đàu tư vào
BĐS là một cái "duyên". Năm 2001, khi bắt đầu có tiền lời kha khá từ
Technocom, ông tính gửi ngân hàng Quốc tế, nhưng lãi suất 0,8% mỗi năm quá thấp
khiến ông hậm hực nhớ lại thời khởi nghiệp phải vay mượn lãi suất đến 8%/tháng.
Ông Vượng quyết định đầu tư về Việt Nam và tới NhaTrang, nơi chưa có nhiều nhà
đầu tư, ông được các quan chức địa phương chào đón như nhà đầu tư nước ngoài.
Quyết định biến Hòn Tre thành khu nghỉ dưỡng cao cấp vào
thời điểm đó được coi là "điên" và "ném tiền xuống biển."
Sau khi Vingroup xây đường cáp treo vượt biển để nối Vinpearl với đất liền, thì
những ý kiến trái chiều đã lắng xuống. Vinpearl hiện là một trong những sản
phẩm hàng đầu của Vingroup.
Đây cũng là thời điểm ông Vượng bay qua bay lại giữa Việt
Nam và Ukraine, lo việc kinh doanh cả trong lẫn ngoài nước. Quyết định bán
Technocom được đưa ra bất ngờ. Đã nhiều năm, Nestle gạ mua lại Technocom ở
Ukraine nhưng ông Vượng luôn từ chối. Cho đến năm 2009, ông quyết định bán công
ty để tập trung toàn lực về trong nước.
Ông kể: "Khoảng 2008 có vụ máy bay Airbus 300 của Air
France bị rơi xuống biển không tìm được. Tôi nghĩ, mình cũng bay suốt như vậy,
nhỡ máy bay rơi không tìm được thì có phải khổ vợ con không? Lúc ấy trong nước
cũng nhiều việc. Tôi muốn làm hẳn mọi việc đến đầu đến đũa".
Vincom A - nơi tập trung các cửa hàng đồ hiệu tại TP.HCM, biểu tượng mới về tiêu dùng
Ông Vượng ký thỏa thuận không tiết lộ giá với Nestle. Vào
thời điểm bán, Technocom có doanh số hàng năm là 150 triệu USD và tỷ suất lợi
nhuận lên tới 40-50%. Khoản tiền mặt khổng lồ không được tiết lộ này chắc chắn
là một nguồn vốn quan trọng tạo đà giúp ông Vượng đưa Vingroup liên tục phát
triển trong bối cảnh nền kinh tế chung đang gặp khó khăn trong ba năm qua. Ông
Vượng được mời đầu tư vào khu đất 183 ha ở Sài Đồng, Hà Nội, nay là dự án
Vincom Village cùng tập đoàn Hanel, sau khi tập đoàn Berjaya của tỷ phú Vincent
Tan (Malaysia) rút khỏi vào năm 2008.
Dự án Vinpearl Đà Nẵng mua lại từ một nhà đầu tư Ả rập với
mức 3 triệu USD (kể cả tiền chi môi giới), thấp hơn nhiều so với số vốn đầu tư
trên sổ sách 18 triệu USD của người bán. Dự án Vincom A, theo ông Vượng, là món
"bia kèm mồi" mà TP.HCM ép nhận sau khi duyệt cho phép Vingroup phát
triển trên mảnh đất công viên Chi Lăng (nay là Vincom B).
Vincom chi khoảng 2 ngàn tỷ đồng vào năm 2008 cho chi phí
giải tỏa trung tâm Eden (tương đương 100 triệu USD), cao gấp đôi so với cho phí
dự tính của Saigon Tourist trước đó. Giá đền bù mỗi m2 trải từ mức 45 triệu
đồng (cho các diện tích trên tầng cao) đến khoảng 300 triệu đồng (20 cây vàng
vào thời điểm đó cho các diện tích tầng trệt). Đến nay, khi Vincom A trở thành
một kiến trúc quan trọng ở trung tâm thành phố thì ông Vượng không còn là chủ
của nó nữa. Nhưng điều đó với ông Vượng không quan trọng, vì chỉ cần "xây
lên được cái gì đó đẹp cho đời là thích".
Có bao nhiêu tiền là đủ? Đây là câu hỏi không ít người đặt
ra cho bản thân, và là câu hỏi phóng viên viết bài này thường đặt cho các tỷ
phú. Ông Vượng chia sẻ, trước đây, khi nhà máy mì bắt đầu có lợi nhuận vào năm
1997-1998, lúc đó ông từng nghĩ khi nào mình có 2 triệu USD thì nghỉ làm, đi
chơi.
Ông Vượng đã không dừng lại ở 2 triệu USD, và cũng không
nghỉ làm việc để đi chơi. Công việc cuốn ông đi và ngày hôm nay, Vingroup là
một tập đoàn giá trị khoảng 3 tỷ USD, tuyển dụng hàng ngàn lao động trực tiếp
và gián tiếp. Ngay cả khi nắm một tập đoàn đồ sộ như vậy trong tay, ông Vượng
vẫn làm việc bận rộn hàng ngày, thường xuyên xuống tận các công trường.
Ông nói: "Bây giờ mình làm vì nhiều lý do khác nhau.
Tôi không quan tâm xem được bao nhiêu tiền, mà muốn xây dựng được những công
trình đẹp để lại cho đời".
P.V - (Theo Forbes Tiếng
Việt)- petrotimes.vn
Em trai ông Phạm Nhật Vượng nói về hiện tượng giả sư
Cư sỹ Từ Vân - Phạm Nhật Vũ, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam bày tỏ quan điểm chính thống của Giáo hội về hiện tượng những kẻ giả sư.
Vừa qua khi đoạn clip nhà sư gây rối tại sân bay được tung lên mạng, dư luận xã hội đã xôn xao với nhiều luồng ý kiến khẳng định có, hồ nghi có. Nhưng đáng lo ngại hơn cả là những điều này vô hình chung đã tạo ra lối suy nghĩ không hay về những người xuất gia tu hành.
Theo cafebiz.vn
Phạm Nhật Vượng & Bầu Đức
Phạm Nhật Vũ & Bầu Kiên
Cuộc chiến KHÔNG KHOAN NHƯỢNG
Một trong những sự kiện gây nhiều phản ứng trên thế giới
trong vài năm gần đây (nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008) là sự
phân hoá thu nhập ngày càng rộng ra ở một số quốc gia, cụ thể là Trung Quốc,
Nga, Brazil, Ấn Độ, và ngay cả Mỹ. Thiểu số giàu có thì càng giàu hơn cực
nhanh, đến độ “khủng”, còn đa số trung lưu và nghèo thì hoặc là chững lại, hoặc
là nghèo hơn. Ở Mỹ chẳng hạn, trong hai năm 2009-2010, khi mà thu nhập
bình quân của 99% gia đình Mỹ chỉ tăng lên 0,9% thì thu nhập của 1% giàu nhất
tăng lên 11,6%! Một điều đáng lưu ý nữa là trong năm quốc gia có nhiều tỷ
phú (đô la) nhất thế giới (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ) thì hai nước vẫn
còn tự xưng là “xã hội chủ nghĩa”, và hai nước vẫn còn được xem là đang phát
triển (Trung Quốc, Ấn Độ)
Sự gia tăng bất công bằng thu nhập này đã gây ra nhiều làn
sóng công phẫn ở các quốc gia liên hệ, không những từ thành phần xã hội bị “bỏ
lại phía sau”, như phong trào “chiếm Wall Street” ở Mỹ năm 2011, và nhiều hội
đoàn tiến bộ khác, mà còn được sự chú ý của nhiều học giả, nhà nghiên cứu nổi
tiếng (ví dụ như nhà kinh tế Joseph Stiglitz,[1] nhà
báo Timothy Noah,[2] Chrystia
Freeland[3]…).
Nhiều bình luận gia (ví dụ như Jonathan Chait) cho rằng cuộc bầu cử tổng thống
Mỹ vừa qua có biểu hiện của một “chiến tranh giai cấp” trong đó giai cấp trung
lưu và nghèo của Mỹ mà đại diện là Obama đã đánh bại giai cấp cực giàu của Mỹ
mà Romney là đại diện.
Chủ đích bài này không là những người đã cực giàu từ lâu
(như các vua chúa ở các vương quốc dầu hoả Á Rập, hay những lãnh tụ độc tài ở
một số quốc gia). Ngoài ra, cũng phải nhìn nhận rằng nguồn gốc của những người
siêu giàu mới nổi ở mỗi nước một khác.[4]
Tuy nhiên, nói chung, vài lý do chính (mà độ chính xác sẽ được thẩm định) của
sự xuất hiện những người “siêu giàu” thường được viện dẫn là như sau:
Ở một thái cực, một số (tương đối rất ít) trở thành siêu
giàu vì tài năng (kể cả tài tổ chức), sáng kiến xuất chúng (có thể thêm chút
may mắn) của họ. Đây là cách giải thích của kinh tế học hàn lâm chính thống
phương Tây. Nói đến những người này thì ta nghĩ ngay đến những nhân vật nổi
tiếng như Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg… Ở thái cực đối nghịch
là những người siêu giàu nhờ những hoạt động bất hợp pháp (tham nhũng, cướp
đoạt, đầu cơ, buôn lậu..)
Song nhìn kỹ thì cách phân loại trắng đen như trên là chưa
đủ ngọn ngành. Như Stiglitz cho thấy, tài sản kếch xù của Bill Gates,
chẳng hạn, không phải chỉ nhờ vào tài năng (dù quả là xuất chúng) của ông ta
nhưng phần lớn là nhờ vào vị trí độc quyền (hoặc hầu như độc quyền) của công ty
Microsoft sau khi ông thành lập nó. Chính sự độc quyền này đã đưa Bill
Gates từ hạng cực giàu lên hàng cực siêu giàu. Công ty Apple của Steve
Jobs cũng thế. Mỗi năm những công ty này bỏ ra hàng tỷ đô la trong các vụ
kiện tụng để giữ độc quyền cho một sản phẩm nào đó (kể cả bằng sáng chế) của
họ. Tất nhiên, những hoạt động này là hoàn toàn hợp pháp, song chúng chứng tỏ
họ đã nhân tài sản của họ lên hàng trăm, hàng nghìn lần bằng cách lợi dụng,
khai thác (những khe hở) thể chế và luật pháp, thậm chí uốn nắn thể chế và pháp
luật (qua việc “lobby”) theo hướng có lợi cho họ.
Mặt khác, khách quan mà nói, cũng phải công nhận rằng những
người siêu giàu nhờ tham nhũng, cướp đoạt, đầu cơ, buôn lậu, cũng có một cái
tài nào đó, dù cái “tài” ấy chỉ là những mánh khoé luồn lách pháp luật, mua
chuộc quan chức, lập vây cánh, khuynh đảo thị trường. Một điều nữa là dù
tài sản này có nguồn gốc bất chính, những người (tham nhũng, cướp đoạt, đầu cơ,
buôn lậu…) này (hoặc gia đình họ) đã “rửa” tài sản ấy qua những hoạt động kinh
doanh hợp pháp (nhất là bất động sản, ngân hàng). Nói khác đi, nhìn thoáng qua
tài sản của nhiều người “siêu giàu” hiện nay thì có thể cho rằng nó hợp pháp,
nhưng nếu truy ngược về quá khứ thì nguồn gốc của nó là phi pháp. Tài sản
đã là khá to lớn từ những hoạt động rõ ràng là phi pháp đã được nhân ra hàng
trăm, hàng nghìn lần qua những hoạt động hợp pháp, biến họ từ những người giàu
phi pháp thành những người siêu giàu hợp pháp… Đi
sâu thêm một bước, thử xem cách thức mà những người này “nhân” ra những tài sản
ấy là ra sao? Đại đa số là nương nhờ vào những quan hệ cá nhân, những lỗ hổng
trong luật pháp. Đó là không nói đến việc chính họ có thể chủ động
“lobby” để nhà nước ra những luật lệ có lợi cho họ. Như Stiglitz nhận xét, dù
ngoài mặt thì những thế lực kinh tế đã tạo nên sự bất công bằng thu nhập, nhưng
chính chính sách của nhà nước đã tạo nên các thế lực kinh tế ấy. Phần lớn
sự bất công bằng hiện nay là hậu quả của những gì mà nhà nước đã làm, và cũng
là hậu quả của nhiều việc mà nhà nước không làm.
Một nguồn gốc nữa của sự siêu giàu là do tích cực khai thác
sự thiếu kém thông tin của đa số những người khác. Chẳng hạn như giới
ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản ở Mỹ đã trở nên cực giàu nhờ “nghĩ
ra” những công cụ tài chính, bảo hiểm, những loại chứng khoán vô cùng phức tạp,
không ai hiểu nỗi.[5]
Cũng nên để ý rằng các nguồn gốc khác nhau của sự “siêu
giàu” này có “liên hệ hữu cơ” với nhau, đặc biệt là với tham nhũng: trong nhiều
trường hợp, tham nhũng cho một cái “vốn” để những người giàu trở thành cực giàu
(một cách hợp pháp). Và chính những người cực giàu này khuyến khích, mớm đút,
tạo cơ hội tham nhũng ở những người khác.
Gần đây ở Việt Nam hai ý niệm “tham nhũng” và “nhóm lợi
ích” thường được ghép chung. Điều này không hoàn toàn đúng. Theo
nguyên ngữ thì “nhóm lơi ích” là một tập họp của những người có cùng quyền lợi
kính tế, hợp lực với nhau để bảo vệ, tranh đấu cho quyền lợi ấy. Đó là
một hiện tượng đương nhiên, tự nó không có gì là xấu (chẳng hạn, xét cho cùng,
công đoàn để bảo vệ quyền lợi của nhân dân lao động cũng là một nhóm lợi ích
chứ gì?). Song khi các nhóm lợi ích thông đồng, cấu kết với tham
nhũng ̶ trong đó tham nhũng dựa vào đòn bẫy của nhóm lợi ích để tác
động đến nền kinh tế, đến xã hội, và vâng, đến thể chế chính trị nữa.. .̶
thì sự nguy hại của tham nhũng được nhân lên nhiều lần. Không những
thế, khi tham nhũng có được một nhóm lợi ích làm hậu thuẫn thì dù vài cá nhân
tham nhũng có sa vào vòng lao lý, nhóm lợi ích đàng sau những người ấy vẫn còn
đó, tác hại của nó vẫn tiếp tục.
Kinh tế thị trường là một trò chơi cực kỳ phức tạp và những
người thắng cuộc chơi ấy hẵn là khôn lanh ít nhiều hơn người khác. Song
những người thắng cuộc cũng thường có những bản chấtkhông đáng ngưỡng
mộ: khả năng luồn lách pháp luật, hoặc uốn nắn pháp luật theo cách có lợi cho
họ, sự sẵn sàng lợi dụng kẻ khác – ngay cả những người nghèo; và chơi những trò
“bẩn”, nếu cần.
Cho đến gần đây, khi bàn về vấn đề chênh lệch thu nhập,
giới kinh tế chính thống thường chỉ nói đến ảnh hưởng của nó đến tốc độ tăng
trưởng vĩ mô. Những người theo phái thị trường tự do (hay “tân phóng khoáng” –
neoliberalism) thì cho rằng bất công bằng thu nhập, dù tự nó không phải là tốt,
là đáng cổ vũ, cũng là một tiền đề khó tránh của một nền kinh tế muốn tăng
trưởng nhanh: những nguời giàu sẽ có xu hướng đầu tư nhiều hơn… Nói cách
khác, dù tầng lớp cực giàu có tích tụ tài sản của họ cách nào đi nữa (miễn là
hợp pháp) thì họ cũng có ích cho xã hội vì nhờ họ mới có đầu tư, tạo công ăn
việc làm cho lao động, đầu tàu cho sự tăng trưởng của cả nước. Chẳng những mức
độ tài sản của họ là có ích cho xã hội, sự chênh lệch thu nhập
cũng là cần thiết để phát triển bởi nó tạo động
lực cho lao động (cả tay chân lẫn trí tuệ). “Cào bằng” thu nhập thì còn
đâu những khuyến dụ (incentive) để nỗ lực làm việc? Nói cách khác, theo
những người này, có sự đánh đổi không thể tránh giữa “hiệu quả kinh tế” và
“công bằng thu nhập”.
Có ba cách phản biện
quan điểm này:
Một là,
quan điểm ấy dựa trên giả định là nền kinh tế có sự cạnh tranh hoàn hảo: ngay
khoa kinh tế học chính thống cũng đã chứng minh từ lâu rằng chỉ trong một nền
kinh tế như thế thì lợi ích cá nhân mới trùng hợp với lợi ích cộng đồng (nghĩa
là, người thu được lợi ích cá nhân cũng đem lại lợi ích cho tập thể).
Trên thực tế, không nền kinh tế nào có một sự “cạnh tranh hoàn toàn” như thế:
những sự méo mó (như độc quyền, chẳng hạn) sẽ khiến lợi ích cá nhân lớn hơn lợi
ích tập thể, và những người theo đuổi lợi ích cá nhân không hẵn sẽ có ích cho
tập thể. Nói rộng ra, trong một nền kinh tế bị “méo mó” vì những “hoạt
động tìm lợi nhuận trên bình thường” (rent seeking activity) thì những người
được hưởng những khoản tư lợi khổng lồ không nhất thíết là những người có đóng
góp lợi ích tương ứng cho tập thể.
Hai là,
nhiều nhà tâm lý học, nhà khoa học xã hội (và thậm chí một số nhà kinh tế học)
đã điều tra cặn kẽ để tìm xem cái gì là động lực lao động của con người, và họ
khám phá rằng, ít nhất là trong nhiều trường hợp, giới kinh tế gia đã lầm khi
cho rằng thu nhập là động cơ duy nhất. Đa số chúng ta thường làm việc hăng say
hơn khi được thúc đẩy bởi những động lực nội tại (chẳng hạn như sự mãn nguyện
khi làm một việc gì đó một cách hoàn hảo) hơn là bởi những phần thưởng đến từ
bên ngoài (như lương tiền). Lấy một ví dụ, trong hai thế kỷ vừa qua, hầu hết
các nhà khoa học góp phần nâng cao đời sống của nhân loại không phải vì họ theo
đuổi tiền tài. Đó là điều may mắn cho chúng ta, bởi nếu những người xuất chúng
ấy theo đuổi tiền tài thì họ đã trở thành chủ ngân hàng, kinh doanh bất động
sản, mà không là nhà khoa học. Chính sự say mê tìm tòi chân lý, niềm vui của
hoạt động trí tuệ, hạnh phúc tuyệt vời của khám phá, phát minh – và, vâng, sự
ngưỡng mộ của đồng nghiệp ̶ là quan trọng nhất đối với các nhà khoa
học.
Ba là,
ngay trong trường hợp mà “thù lao” của những người cực giàu (nhất là trong giới
tài chính, ngân hàng) là “kỷ lục” với lý do rằng mức độ thù lao ấy là cần thiết
để những người này “cố gắng” hơn, nhiều nghiên cứu đã phát giác rằng cái “gói
thù lao” kếch xù (làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng trong xã hội) đang được
các đại công ty, các ngân hàng, quỹ đầu tư áp dụng, đã khiến những người này có
những quyết định làm méo mó hơn, thay vì gia tăng hiệu quả của nền kinh
tế. Kinh tế học đã chứng minh rằng, vì thông tin và giám sát không bao
giờ là đầy đủ, rất khó (gần như không thể) thiết kế một “gói thù lao” tối hảo
(nhìn từ quan điểm quyền lợi cổ đông, đừng nói chi đến lợi ích toàn xã hội) cho
lãnh đạo các ngân hàng, giám đốc các đại công ty.
Ngoài những tác động (có thể gọi là vi mô) nói trên, sự cực
giàu của một thiểu số còn có những ảnh hưởng vĩ mô tai hại: nó sẽ bóp méo tỷ lệ
các loại hàng nhập khẩu. Những người cực giàu, với sức mua lớn, sẽ làm tăng nhu
cầu nhập khẩu những món hàng xa xỉ (xe xịn, hàng hiệu).[6] Việc
này sẽ làm giảm giá trị nội tệ, và làm mắc hơn những loại hàng nhập khẩu mà đa
số người tiêu dùng là có thu nhập thấp.
Ảnh hưởng xã hội của
tầng lớp “siêu giàu” mới nổi
Đối với một số chế độ (như ở Trung Quốc) thì tình trạng cực
kỳ bất bình đẳng có một hậu quả tai hại duy nhất là gây bất ổn trong xã hội,
hăm doạ sự tồn tại của chế độ ấy. Nhận định này là đúng nhưng chưa đủ
● “Thu nhập tương
đối” và “hạnh phúc con người”
Gần đây, một số nghiên cứu đã phát hiện rằng hạnh phúc con
người còn tuỳ vào thu nhập tương đối (ngoài mức thu nhập tuyệt đối để thoả mãn
những nhu cầu sinh tồn). Thu nhập càng chênh lệch thì những người có thu nhập
trung bình, hoặc thấp, càng thấy “kém hạnh phúc”. Tình trạng này càng
trầm trọng khi những người có thu nhập cao lại thích phô trương, hào nhoáng,
khiến những người có thu nhập kém hơn họ phải ganh tỵ, thèm muốn.
Một ảnh hưởng nữa là ở cơ hội tiến thủ của những người xuất
thân từ gia đình có thu nhập thấp: Họ sẽ thất vọng, nản chí khi thấy rằng chỉ
con cái nhà giàu là có nhiều cơ hội học trường giỏi (và nếu nước họ là chậm
tiến thì sẽ được xuất ngoại du học). Sau khi tốt nghiệp thì những “con
cái nhà giàu” này tất nhiên sẽ ưu tiên có những địa vị béo bở trong xã hội, cho
họ cơ hội làm giàu thêm. Cứ như thế, sự bất bình đẳng trong xã hội sẽ truyền từ
thế hệ này sang thế hệ khác.
● Bất bình đẳng
thu nhập và đời sống văn hoá
Trong một xã hội cực kỳ bất bình đẳng, và nhất là khi tài
sản của những người cực giàu là phi pháp, hoặc những người này thiếu căn bản
văn hoá, phô trương sự giàu có của mình một cách vô ý thức, thì đời sống văn
hoá của toàn xã hội cũng sẽ bị xấu đi: Những lối ăn chơi phù phiếm, sa đoạ, xa
xỉ, đua đòi hàng hiệu nhập khẩu (nhất là khi lối sống này không bị kết án mà
còn được các phương tiện truyền thông đại chúng quảng bá, trầm trồ ngợi khen),
sẽ cuốn hút toàn thể xã hội vào con đường ấy, ngày càng lệch xa những lối sống văn
minh thật sự.
PHẢI LÀM GÌ?

Đàng khác, không ai có thể khách quan mà nghĩ rằng thu nhập
của mọi người trong xã hội đều phải như nhau. Một sự bất bình đẳng thu nhập nào
đó là không thể tránh, thậm chí cần thiết. Vấn đề ở đây là sự xuất hiện một
thiểu số cực giàu, trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, mà thu nhập dù
hiện tại có là hợp pháp, đã vượt quá xa tài sức và sự đóng góp của họ cho xã
hội.
Hầu hết các nhà lãnh đạo trên thế giới, từ tổng thống Mỹ
Barack Obama đền nguyên tổng bí thư Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, đếu ít nhiều nghĩ
rằng nhà nước cần can thiệp để làm giảm sự bất bình đẳng thu nhập trong xã
hội. Một chính sách cấp thời có thể là tăng suất thuế đánh vào người giàu
(như ông Obama hiện đề nghị). Tuy nhiên, như đã trình bày trong bài này,
một chính sách dài hạn phải là chấn chỉnh những méo mó kinh tế (ưu tiên gỡ bỏ
những độc quyền, đặc lợi, chế độ “xin/cho”, và tạo một sân chơi bình đẳng cho
mọi người). Sự tái cấu trúc thể chế này sẽ cực kỳ khó khăn vì chắc chắn nó sẽ
gặp sự kháng cự mãnh liệt, công khai lẫn ngấm ngầm, của giai cấp cực giàu hiện
hữu (cấu kết thành các “nhóm lợi ích”) với những thế lực tài chính, kinh tế, và
vâng, chính trị nữa, vô cùng to lớn của họ. Một sự tái cơ cấu như thế chỉ
có thể thành công nếu nó không bị ảnh hưởng của bất cứ nhóm lợi ích nào, nhất
là trong một thực trạng mà những nhóm lợi ích ấy lại “tay trong tay” với tham
nhũng.
Trần
Hữu Dũng (21/12/2012) - Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét